Rủi ro pha loãng đang trực chờ?

Cập nhật: 11:06 | 18/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Mới đây, nhiều doanh nghiệp thông báo sẽ tăng vốn thông qua huy động trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới. Điều này có thể khiến thị trường đối mặt với một làn sóng pha loãng giá cổ phiếu.

Phát hành tăng vốn sẽ giúp các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi triển khai nhưng sẽ làm cho yếu tố rủi ro pha loãng tăng cao
Phát hành tăng vốn sẽ giúp các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi triển khai nhưng sẽ làm cho yếu tố rủi ro pha loãng tăng cao

Lâu nay, hình thức huy động vốn cổ phần được các doanh nghiệp ưa chuộng nhất là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ, trong đó ngân hàng và bất động sản là 2 nhóm ngành dự kiến sẽ sử dụng nhiều nhất.

Nhiều kế hoạch đã được khởi động

Công ty CP tập đoàn Novaland (HoSE: NVL) vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bá hơn 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ thực hiện là 1:1, giá bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp.

Đồng thời, Novaland cũng phát hành thêm hơn 975 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.

Nếu thành công, Novaland sẽ thu về hơn 29.250 tỷ đồng. Số tiền thu được dự kiến được sử dụng để tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đầu tư góp thêm vốn vào công ty con, thanh toán các khoản chi phí vận hành chung, các khoản thuế và phải nộp Nhà nước, bổ sung vốn lưu động và thực hiện các dự án do Novaland làm chủ đầu tư.

Một doanh nghiệp khác là Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) vừa thông báo điều chỉnh thời gian phát hành 100 triệu cổ phiếu với mức giá 15.000 đồng/cp vào quý III/2023, thay vì quý I/2023 như kế hoạch trước đó.

Ngoài hai doanh nghiệp nêu trên, một doanh nghiệp địa ốc khác là Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE:NBB), cũng vừa công bố nghị quyết thông qua việc triển khai phương án chi tiết chào bán quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Công ty này dự kiến phát hành hơn 50,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, giá bán 15.000 đồng/cp.

Tỷ lệ chào bán tối thiểu là 70% tổng số cổ phần dự kiến chào bán để (tương đương số cổ phần chào bán tối thiểu hơn 35 triệu cổ phiếu). Nếu đợt phát hành không chào bán bán hết số cổ phần như đăng ký thì Năm Bảy Bảy sẽ hoàn trả số tiền thu được từ đợt chào bán cho cổ đông đã nộp tiền mua.

Nếu chào bán thành công, công ty sẽ thu về gần 754 tỷ đồng, dự kiến sẽ bổ sung vốn đầu tư Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi , số tiền là 422 tỷ đồng và đầu tư vào Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi - Bình Thuận với số tiền là 331 tỷ đồng.

“Nồi cháo càng to càng loãng”

Nhìn vào những đợt phát hành chuẩn bị diễn ra có thể thấy, thị trường chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả đối với các doanh nghiệp niêm yết. Bởi lẽ khi quy mô vốn tăng lên sẽ giúp các kế hoạch kinh doanh được thuận lợi triển khai.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc phát hành này sẽ làm cho yếu tố rủi ro pha loãng tăng cao.

Cụ thể, việc tăng nguồn cung cổ phiếu sẽ làm tăng số cổ phiếu lưu hành, trong khi lợi nhuận tạo ra từ nguồn vốn đó chưa tăng kịp tương ứng, dẫn đến làm giảm tính hấp dẫn của các chỉ số định giá theo lợi nhuận của các doanh nghiệp phát hành trong ngắn hạn.Chưa kể, các cổ đông nội bộ còn có xu hướng bán mạnh, khiến nguồn cung cổ phiếu tăng lên. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng đứng trước nguy cơ giảm khi doanh nghiệp phát hành thêm.

Có thể dẫn ví dụ về giá cổ phiếu ô tô, từng có giai đoạn nhóm nà thu hút mạnh sự quan tâm của giới đầu tư, do chính sách thắt chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng giai đoạn đó đã đẩy nhu cầu về ô tô tải tăng mạnh.

Không bỏ qua cơ hội, một doanh nghiệp kinh doanh ô tô tải trên sàn đã huy động vốn thành công thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu, từ đó tăng quy mô vốn điều lệ lên gấp đôi. Tuy nhiên, doanh thu của công ty này cũng như toàn thị trường đã giảm mạnh sau đó. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) các năm sau đều chưa tới 1.000 đồng, dù tại thời điểm chào bán, chỉ số nà đạt trên 3.400 đồng.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Hồng Điệp phân tích: “Khi nồi cháo đã to hơn, nó sẽ loãng ra nhiều và cần thời gian cho thêm thịt thà mắm muối - chính là việc gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp trong các năm tới thì mới ngon trở lại. Bát cháo mà chúng ta nhận phụ thuộc vào chính kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”.

ĐỒng quan điểm, một chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết, phát hành cổ phiếu tăng vốn là phương án hợp lý và dễ thành công nhưng tỷ lệ pha loãng giá chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng các cổ đông sẽ nhận “trái đắng” hay “quả ngọt” còn phụ thuộc vào nội lực của từng doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp nào vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận từ 20 - 40% trong kỳ kinh doanh sẽ có thể bù đắp phần nào mức độ pha loãng này. Thế nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế đang rơi vào khó khăn như hiện nay, việc duy trì được tỷ lệ tăng trưởng như trên là rất khó, nhất là đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua quá trình hình thành và phát triển hơn 20 năm, cũng không ít lần rơi vào giai đoạn khó khăn nhưng vẫn có những thương vụ thành công giúp các nhà đầu tư “hái ra tiền”.

“Không phải sự pha loãng nào cũng mang lại rủi ro. Điều quan trọng là trước khi xuống tiền, nhà đầu tư cần xem xét kỹ kế hoạch phát hành, chia cổ phiếu mới của từng doanh nghiệp để tránh thiệt hại”, vị chuyên gia khuyến nghị.

Quang Đăng