Rồi thị trường sẽ qua cơn bĩ cực

Cập nhật: 14:42 | 01/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Trên thị trường chứng khoán, việc cố bám víu vào những niềm tin có thể sẽ khiến chúng ta thất bại trong mọi kế hoạch.

Tôi đã “rơi từ đỉnh” thị trường chứng khoán như thế nào?

Đừng mạo hiểm với ... túi tiền của mình

Tôi đi...buôn đất

Mối ‘lương duyên’ giữa tôi và chứng khoán

Tôi thường uống cà phê ở phố Bà Triệu, Hà Nội, gần một công ty chứng khoán.Thực ra, tôi cũng chẳng quan tâm đó là công ty gì, cho đến khi nhìn thấy rất nhiều người tấp nập ra vào công ty đó, đặc biệt là có cả những người già, những người nội trợ (họ vừa đi chợ về trên xe đang treo rau, củ, quả, thịt, cá...). Tôi thấy rất tò mò và hỏi ra mới biết họ là những nhà đầu tư, họ đến để "chơi" chứng khoán.

Lúc đó, “chứng khoán” là hai từ khá mới mẻ với tôi, nhưng hình ảnh những người già ra vào công ty đó cứ thôi thúc, kéo tâm trí tôi như muốn nói: “Hãy vào đó, hãy khám phá đi”. Và cuối cùng, tôi đã không cưỡng lại được sự tò mò của mình.

Cuối cùng, tôi đã bước vào đó. Khung cảnh hiện ra trước mắt tôi là một căn phòng với không gian rộng lớn, có rất nhiều chiếc máy tính bàn - mỗi người sở hữu một cái và họ rất chăm chú nhìn vào nó như sợ bỏ lỡ điều gì.

Ở một góc khác có vài người đang bàn tán xôn xao... Tất cả đều bị tôi lướt qua nhanh và dừng lại tại một cái màn hình rất lớn với nhiều con số nhấp nháy liên tục cùng các màu sắc. Tôi đã cố nhìn thật lâu, quan sát kỹ để mong tìm được cái gì đó. Nhưng vô ích! Tôi đứng một lúc, vẫn thấy lạ lẫm, để rồi quay đầu bước ra ngoài.

Nhưng đó mới là sự khởi đầu của tôi.

Đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy mình quá đỗi ngây thơ, một tay lơ ngơ “chính hiệu” mới tập tành vào đời, vào chứng khoán.
Đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy mình quá đỗi ngây thơ, một tay lơ ngơ “chính hiệu” mới tập tành vào đời, vào chứng khoán.

Từ… kẻ mộng mơ

Tôi đã dành 18 phút tập trung xem một video nói về cách xem bảng điện tử chứng khoán trên Youtube. Nó thật dễ đến mức, mà tôi nghĩ nó giống như mình mua một bó rau với giá rẻ rồi bán cho người khác với giá đắt hơn. Tôi rất tự tin quay trở lại CTCK đó và dễ dàng làm quen với rất nhiều người, tôi biết được khá nhiều điều từ họ.

Tại đây, tôi cũng biết được thêm các trang báo về lĩnh vực kinh tế - tài chính, giúp cho việc tìm hiểu một doanh nghiệp trở nên dễ dàng, chỉ cần thao tác gõ ba chữ cái vào mục tìm kiếm là tất cả mọi thông tin của doanh nghiệp đó hiện lên đầy đủ. Tôi lao vào theo dõi bảng điện chứng khoán, không phải trong giờ giao dịch mà sau giờ giao dịch - thậm chí đến 3h sáng. Tôi đã làm công việc này trong rất nhiều ngày, với một niềm say mê giống như những năm tháng tuổi trẻ tôi theo đuổi nghệ thuật vậy.

Cảm giác như tôi đã tìm lại được chính mình của ngày xưa, ước mơ và khát khao muốn chinh phục. Theo dõi chỉ để tìm ra những mã cổ phiếu chứng khoán có giá trị từ dưới 10.000 đồng/cổ và có khối lượng giao dịch. Có lẽ, tôi nghĩ mình sẽ không có tiền nhiều để mua những cổ phiếu có giá cao hơn nên mặc nhiên trong đầu tôi nghĩ “mình sẽ mua những cổ phiếu loại đó”.

Sau khi có được những mã cổ phiếu đó rồi, tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin về chúng và mất thêm rất nhiều giờ để đọc thông tin liên quan. Các bạn hãy cứ tưởng tượng mà xem: ngay cả trụ sở của một doanh nghiệp tôi cũng muốn biết nó nằm ở đâu và tất nhiên nếu có văn phòng đại diện ở nước ngoài thì càng tốt, chẳng hạn như cuối trang website của tập đoàn FLC có văn phòng đại diện nằm ở Nhật - ngay bây giờ các bạn có thể kiểm chứng.

Tôi trở nên khá tự tin khi nói chuyện với những người tôi quen về một số cổ phiếu, về sự lên xuống của chúng, sự kỳ vọng, mục tiêu... cứ như tôi đã biết rất nhiều vậy. Cứ thế tôi nhận ra rằng mình đã si mê bảng điện lúc nào mà không hay.

Cho đến một ngày khi nhìn vào bảng điện tôi bất chợt nhận ra và thốt lên trong tâm trí của mình: Tiền đang ở trong đó!

Đến… chứng khoán không dành cho những tay mơ

Ngày 3/3/2020, tôi quyết định mở tài khoản chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS). Nhưng tôi vẫn chưa bỏ một đồng nào vào đó. Tôi muốn tìm hiểu thêm một thời gian, đọc thêm thông tin, đọc bất cứ mọi tờ báo nào mà có lợi cho việc tôi sắp làm. Chẳng hạn khi đó có thông tin Việt Nam ký và thực thi hiệp định EVFTA sẽ tiến tới loại bỏ thuế 99% tất cả hàng hóa được giao dịch giữa Liên minh châu Âu – EU và Việt Nam, nghĩa là mức thuế gần bằng 0%.

Sau khi suy nghĩ về thông tin này, tôi đã chọn ngành thủy sản, và ngay lập tức nạp vào tài khoản 3 triệu. Ngày 12/3/2020 tôi mua 500 cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) với giá 3.800 đồng/cổ phiếu. Tiếp theo, trong quá trình xem bảng điện tôi nhận thấy Công ty CP An Dương Thảo Điền (HAR) đang có thị giá hấp dẫn, nên quyết định mua vào thêm 500 cổ phiếu HAR với giá 2.760 đồng/cổ phiếu.

Tôi không giữ hai mã đó quá lâu, khoảng 5 ngày sau, tôi đều bán sạch trong phiên 18/3/2020, lúc đó IDI có giá 3.920 đồng/cổ phiếu, còn HAR là 3.050 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tổng lãi của tôi chỉ khoảng 200.000 đồng, nhưng lòng tôi vui sướng biết bao. Lúc này trong đầu tôi suy nghĩ rất lộn xộn, chữ “nếu” xuất hiện với tần suất dày đặc - “nếu cứ thế này”, “nếu cứ thế kia”, “nếu tôi rót thêm tiền”, “nếu tôi chỉ tập trung hết toàn bộ vốn vào một mã”… tôi sung sướng khi nghĩ đến số vốn của tôi sẽ tăng thêm gấp đôi, gấp ba… và nhiều hơn thế nữa. Chỉ nghĩ thôi, người tôi đã phát run lên rồi.

Chính vì vậy, tôi đã có hành động quyết đoán là bán những cổ phiếu mình vừa mua để mua cổ phiếu mà theo tôi nghĩ nó sẽ đem đến lợi nhuận cao hơn, nôm na là tôi tái cơ cấu danh mục đầu tư, với kỳ vọng lợi nhuận “khủng”.

Tôi quan sát thị trường khi đó, có mã MBG của Công ty CP Tập đoàn MBG đang có mức giá tôi cho là quá rẻ, chỉ 8.000 đồng/cổ phiếu trong khi trước đó 4 tháng, MBG được giao dịch với giá 58.000 đồng/cổ phiếu. Cho nên, ngày 23/3/2020, tôi lập tức đầu tư 300 cổ phiếu MBG với giá 8.200 đồng/cổ phiếu.

Thế nhưng không giống như những gì tôi nghĩ, chỉ ngay hôm sau, MBG lập tức giảm mạnh xuống 7.500 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến tôi “hăng máu” hơn, tôi không do dự mà tiếp tục nạp thêm tiền vào tài khoản, để “múc” thêm 500 cổ phiếu nữa. Vậy mà tôi chẳng ngờ rằng, kịch bản đó cứ thế lặp lại trong nhiều ngày, MBG tiếp tục giảm, và tôi tiếp tục mua thêm, với suy nghĩ “gom hàng” và chờ đợi.

Mức giá tôi tự tin rằng MBG sẽ quay trở lại là tối thiểu 20.000 đồng/cổ phiếu – giúp tôi nhân ba tài khoản trong tương lai. Nhưng cũng thật không may cho tôi, quãng thời gian dài sau đó thị giá MBG chẳng xê dịch chút nào, cứ loanh quanh dưới giá bình quân tôi mua vào (khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu). Tôi cứ “gồng lỗ” như vậy cho đến một ngày cần tiền để thanh toán cho việc rất gấp, tôi buộc lòng thanh lý toàn bộ cổ phiếu MBG ở mức giá 5.500 đồng/cổ phiếu, khiến tôi ôm số lỗ không nhỏ.

Đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy mình quá đỗi ngây thơ, một tay lơ ngơ “chính hiệu” mới tập tành vào đời, vào chứng khoán.

Tháng 6/2021, gia đình tôi bay vào TP.HCM sống một thời gian, do tính chất công việc cần công tác dài ngày của vợ tôi. Ở môi trường sống “xa lạ”, dường như thôi thúc niềm tin với chứng khoán trong tôi trỗi dậy, và bằng cách nào đó, tôi đã thuyết phục được vợ tôi đi vay ngân hàng 100 triệu đồng cho tôi để đầu tư. Tôi mạnh dạn hứa với bà xã rằng, tôi sẽ kiếm được tối thiểu vài triệu đồng mỗi tháng để đóng lãi ngân hàng!

Quả thực, niềm vui đến với tôi rất nhanh, chưa đầy một tháng trở lại “sân chơi”, tôi đã “bỏ túi” gần 10 triệu đồng tiền lãi, sau khi liên tục mua vào – bán ra các mã cổ phiếu tăng “nóng” như DCM, FRT, IJC… Dư vị chiến thắng kéo dài hơn, tôi đắm chìm trong những ngày tháng ngọt ngào đó – trong khi thực tế cuộc sống ngoài kia đang rất khốc liệt, bầu không khí tang thương phủ kín cả thành phố bởi dịch bệnh Covid 19.

Có lẽ vì trốn tránh sự đau buồn, u ám của đại dịch, tôi gửi gắm toàn bộ sự tập trung của mình vào bảng điện chứng khoán, tôi say mê đến nỗi chính tôi cũng chẳng thể ngờ. Chỉ khác là, dịch bệnh đã làm thay đổi hành vi mua bán chứng khoán của tôi.

Tôi nghĩ, ngày tháng giãn cách xã hội khiến mọi người không được đi lại, hầu như làm việc hết ở nhà, “rảnh rỗi” giúp họ có nhiều thời gian để tìm hiểu chứng khoán hơn… nên chắc hẳn lượng tiền đổ vào chứng khoán sẽ tăng vọt – “không lý gì mà tôi lại bỏ qua cơ hội “ngon ăn” này”. Tôi quyết định “all-in”, tất tay toàn bộ số vốn vào chứng khoán.

Cuối tháng 8/2021, tôi mua 1.500 cổ phiếu VIX (Công ty CP Chứng khoán VIX) ở vùng giá 27.000-28.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời mua 2.000 cổ phiếu CTS với giá trung bình 29.000 đồng/cổ phiếu. Tôi tiếp tục “gom” thêm trong những phiên kế tiếp.

Khi đó, thị trường chứng khoán thăng hoa, hai mã của tôi cứ tăng mạnh theo thời gian, thậm chí phải nói là tăng sốc khi tôi thời điểm “chốt lời”, danh mục đầu tư của tôi lãi đến 105%, chỉ sau khoảng 3 tháng. Thực sự lúc này tôi cảm thấy quá hạnh phúc, vui mừng vì số tiền lãi lớn, và cũng vừa “thán phục” bản thân với những dự đoán quá chuẩn xác. Vững bước với niềm tin lớn, tôi nghĩ rằng mình sẽ không dừng lại ở khoản lãi đó, mình phải kiếm thêm được nhiều tiền hơn từ thị trường!

Trạng thái hưng phấn thúc đẩy tôi mua thêm cổ phiếu CTS – dù giá thị trường đã lên 49.000 đồng/cổ phiếu – cao hơn nhiều giá tôi mua ban đầu, với giá mục tiêu đầy tự tin là 70.000-80.000 đồng/cổ phiếu. Số lãi trong mơ phủ kín tâm trí, sự tham lam lớn dần theo từng phiên, và tôi phải nhận trái đắng bởi những kỳ vọng thái quá đó.

Thị trường bước vào giai đoạn sụt giảm, mã CTS của tôi cũng không ngoại lệ. Già nửa năm sau, không chịu được áp lực của những phiên giảm điểm nữa, tôi phải ngậm ngùi “cắt lỗ” toàn bộ cổ phiếu CTS ở giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Chẳng cần nói thì ai cũng biết, toàn bộ thành quả lãi lời của tôi trước đó “đổ sông đổ bể” hết, nhưng lạ thay là tôi chẳng ngẫm ra được bài học nào, mà cứ giữ suy nghĩ thơ ngây: “Dù có lỗ nặng lần này, song tính ra thì số vốn của mình vẫn chưa bị âm”.

Lẽ ra, lúc này tôi phải có những khoảng lặng cần thiết để chất vấn cho những sai lầm của mình khi đầu tư, nhằm có những chiến lược tốt nhất để kiểm soát rủi ro. Trái lại, tôi xem việc “cắt lỗ” lần này chẳng có gì phải nghĩ, nó không đau đớn, nó chỉ là một tai nạn khi đầu tư, rồi tôi sẽ lại quay lại khi có cơ hội thôi!

Sang năm 2022, thị trường chứng khoán chứng kiến hàng loạt các thông tin xấu, từ câu chuyện bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, Chủ tịch FLC bán chui cổ phiếu, Chủ tịch Louis Holdings thao túng cổ phiếu… rồi lần lượt nối đuôi nhau “nhập kho” hết.

Thế giới cũng biến động khó lường, cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra gây cản trở hoạt động phát triển kinh tế, thị trường tài chính xấu đi trông thấy.

Hệ lụy là hàng loạt các phiên bán tháo cổ phiếu xảy ra tại thị trường trong nước. Tôi vẫn theo dõi diễn biến hàng ngày, tôi “tham lam khi người khác sợ hãi”, chỉ ước sao có tiền để mua những mã cổ phiếu đã giảm sâu, tôi cho là đã “trôi” về vùng giá rẻ, hợp lý. Tôi không tin rằng thị trường sẽ hồi phục trở lại, “trong nguy có cơ” – đó là những gì tôi luôn nghĩ tới. Tôi vẫn duy trì thói quen như ban đầu là dù không có tiền nhưng vẫn tích cực dành thời gian tham gia vào các hội nhóm chứng khoán… qua đây tôi cũng biết được thêm nhiều điều thú vị, mở mang hơn.

Diễn đàn F319 là nơi tôi thường xuyên theo dõi các chủ đề về cổ phiếu, và bàn tán sôi nổi. Ở đó mọi người có thể chia sẻ quan điểm của mình một cách tự do, và cũng đầy hóm hỉnh, tôi nhớ như in các tựa đề tương thích với mã cổ phiếu mà tôi vô cùng thích thú, như Khủng Long Thức Giấc – KHG; Chuyến Tàu Phục Thù – LPB; Đế Chế Tỷ Đô – HNG…

Các thành viên diễn đàn hăng say bình luận, còn hò hét nhau “lên thuyền”, “lên tàu” trong thời khắc hưng phấn. Hoặc có những thành viên “lão làng”, được nhiều người tín nhiệm bởi kiến thức uyên bác, giàu kinh nghiệm cũng thường xuyên tư vấn, chia sẻ cho những người mới chơi chứng khoán.

Việc tham gia các diễn đàn lớn giúp tôi nhận thấy rủi ro tiềm ẩn. Đó là trước sự bất ổn kinh tế cả trong và ngoài nước, tâm lý nhà đầu tư đang thực sự hoảng loạn, làm họ liên tục bán tống, bán tháo cổ phiếu, lượng hàng chờ bán “đè bẹp” thị trường và đẩy sự căng thẳng lên cao.

Nhiều nhà đầu tư đang bước vào cuộc khủng hoảng tiền bạc, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng lớn. Đó là nguy cơ gây bất ổn xã hội, tiềm ẩn những rủi ro không thể lường trước. Họ cũng bắt đầu nghi ngờ về sự thiếu minh bạch của thị trường, cho là cuộc chơi đang nằm trọn trong tay của những kẻ có quyền, có tiềm lực.

Tôi nhớ lại câu nói của chủ doanh nghiệp nơi tôi đang làm việc: “Trước chị có làm ở một quỹ đầu tư, vừa mua cổ phiếu là có thể bán ngay được rồi em” – nghĩa là không tồn tại luật chơi T+3, T+2,5 đối với họ. Tôi thầm ước, mong sao lời nói vu vơ đó chẳng phải là sự thật.

Để làm trong sạch thị trường, củng cố, bồi đắp niềm tin của nhà đầu tư, các cơ quan chức năng đang có những động thái hết sức mạnh mẽ, “không có vùng cấm – không có ngoại lệ”, những kẻ thao túng thị trường đã và sẽ phải chịu mức án tương xứng. Và bản thân tôi, hoặc không ít các nhà đầu tư khác cũng đều tâm niệm: “Chúng ta thà chấp nhận đau một lần, chứ không để cơn đau kéo dài sang thế hệ tiếp theo”.

Một thị trường đã lành mạnh, minh bạch, thì nhà đầu tư chỉ cần học hỏi, trau dồi nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết là có thể tăng tỷ lệ chiến thắng lên đáng kể, hoặc vững vàng hơn trước “sóng gió” thị trường.

Một câu nói mà tôi rất thích, đó là: “Không phải loài mạnh nhất hay thông minh nhất mà loài có khả năng thích nghi tốt nhất sẽ sống sót” – câu nói kinh điển của cha đẻ của thuyết tiến hoá Darwin.

Đối với riêng tôi, lúc này tôi tin đã nhận ra cho mình những bài học cần thiết , tôi cần phải đầu tư kiến thức cho bản thân mình nhiều hơn, đặc biệt về quản trị rủi ro…

Tôi vẫn giữ niềm tin vững chắc rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ qua “cơn bĩ cực”, và trở nên tươi sáng hơn trong tương lai gần.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư, mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư.

Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ".

Bùi Văn Giáp (Quận Gò Vấp, TP HCM)