Quỹ VinaCapital đặt niềm tin vào cổ phiếu bất động sản, ngân hàng trong năm 2022

Cập nhật: 15:09 | 13/01/2022 Theo dõi KTCK trên

Chiến lược đầu tư của VinaCapital tập trung vào việc xác định các cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, bao gồm nhóm ngành bất động sản, vật liệu, tài chính và tiêu dùng.

0848-vina-1
Quỹ VinaCapital đặt niềm tin vào cổ phiếu bất động sản, ngân hàng trong năm 2022

Trong báo cáo công bố mới đây, VinaCapital đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng ấn tượng 37,5% trong năm 2021, chủ yếu là nhờ tăng trưởng lợi nhuận đạt 30%. Theo đó, P/E về cơ bản không thay đổi, ở mức khoảng 17 lần.

VinaCapital đánh giá một thị trường chứng khoán được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận sẽ bền vững hơn so với các thị trường tăng trưởng bằng P/E. Quỹ ngoại này kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng khoảng 24% vào năm 2022, theo đó thúc đẩy thị trường chứng khoán đạt được nhiều mốc cao hơn.

0358-lyi-nhuyn
(Nguồn: Báo cáo triển vọng năm 2022 của Vinacapital).

Chiến lược đầu tư hiện tại của VinaCapital vẫn tập trung vào việc xác định các cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, bao gồm nhóm ngành bất động sản, vật liệu, tài chính và tiêu dùng.

Ngoài ra, động lực tăng trưởng dài hạn của TTCK Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi đại COVID-19, do đó danh mục của quỹ cũng sẽ tập trung vào cổ phiếu và các lĩnh vực được hưởng lợi từ dòng vốn FDI, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và số hóa.

VinaCapital đặc biệt đánh giá cao lĩnh vực ngân hàng trong năm nay. Lợi nhuận của ngành ngân hàng dự kiến tăng khoảng 30% nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 14% và sự phục hồi sau đại dịch. Cụ thể, các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận và các ngân hàng dự kiến không mạnh tay hạ lãi suất cho vay như năm 2021.

Ngoài ra, hai yếu tố cũng sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam trong năm 2022 gồm: 1) cơ cấu khoản vay được cải thiện và 2) chi phí cấp vốn thấp hơn. Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý nợ xấu của chính phủ sẽ cho phép các ngân hàng bù đắp khoản lỗ cho vay do COVID-19 trong 3 năm qua.

Mặc dù lạc quan về triển vọng chung của ngành ngân hàng, VinaCapital đưa ra dự báo khá khiêm tốn về tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong năm 2022, cao nhất chỉ đạt 25%.

Nguyên nhân là Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ hạn ngạch tín dụng khác nhau dựa trên chất lượng tài sản giữa các ngân hàng và tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt từ 11 - 12% đến hơn 20% trong năm nay.

Ngoài ra, nhiều yếu tố như giao dịch bancassurance với các công ty bảo hiểm nước ngoài (thường đòi hỏi các khoản trả trước) và câu chuyện xoay quanh việc M&A/tái cấu trúc cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cổ phiếu.

VinaCapital duy trì quan điểm tích cực đối với cổ phiếu ngành bất động sản, quỹ này kỳ vọng lợi nhuận của các công ty bất động sản sẽ tăng khoảng 25% trong năm 2022 nhờ doanh số bán/bán trước căn hộ mới tăng gấp đôi (vượt trội hơn hẳn tỷ lệ giảm 50% vào năm 2021 do đại dịch COVID-19 và các vấn đề pháp lý).

Quỹ tin rằng giá bất động sản và nhu cầu mua nhà bị dồn nén trong năm qua sẽ thúc đẩy doanh số bán trước.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản ổn định, một phần nhờ lãi suất huy động tại các ngân hàng thấp, đảm bảo giá bất động sản tiếp tục tăng mạnh vào năm 2022. Uớc tính giá căn hộ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2021.

Với ngành bán lẻ, VinaCapital dự báo chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam sẽ tăng mạnh trở lại vào năm 2022, trong đó tập trung vào các sản phẩm dịch vụ cho sức khoẻ.

COVID-19 đã thúc đẩy xu hướng mua sắm của người tiêu dùng qua kênh bán lẻ hiện đại và sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, vì thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các sản phẩm rẻ hơn. Theo đó, Vinacapital dự kiến doanh số bán một số mặt hàng không thiết yếu hoặc cao cấp sẽ không phục hồi về mức trước COVID-19.

Liên quan đến câu chuyện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong năm 2022 khiến thị trường mới nổi như Việt Nam bị ảnh hưởng, VinaCapital nhận định Việt Nam có thể hạn chế được những tác động tiêu cực từ các chính sách của Fed nhờ dự trữ ngoại hối đang cao hơn khoảng 10% so với mức khuyến nghị của IMF và nợ bằng ngoại tệ của Việt Nam dưới 40%/GDP.

Hơn nữa, một nửa số nợ ngoại tệ của Việt Nam về cơ bản là các khoản vay "mềm" từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới theo điều khoản ưu đãi. Như vậy, khoản nợ này không có tác động đáng kể tới Việt Nam trước điều kiện tiền tệ toàn cầu thắt chặt.

Chứng khoán phiên chiều 13/1: Đồng loạt bán ra, VN-Index tiếp tục giảm điểm

Thị trường chứng khoán trong nước phiên chiều ngày 13/1/2022, áp lực bán của thị trường tiếp tục bị đẩy lên mức cao, đà giảm ...

Có thể giải ngân vào cổ phiếu ngân hàng?

Chứng khoán Đông Á (DAS) cho rằng, nhà đầu tư ngắn hạn có thể giải ngân vào nhóm cổ phiếu VN30 hoặc các cổ phiếu ...

Chứng khoán Mỹ đi lên phiên thứ 2 liên tiếp bất chấp lạm phát tăng cao

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch thứ Tư (12/1/2022) trong bối cảnh số liệu lạm phát mới công ...

Phương Thảo