Quy hoạch đô thị kiểu mẫu: Từ bài học Linh Đàm tới An Phú - An Khánh
5 lần điều chỉnh sau hơn 20 năm quy hoạch và vẫn đang tiếp tục xin điều chỉnh lần thứ 6, Khu đô thị kiểu mẫu An Phú - An Khánh (Q.2, TP.HCM) đứng trước nguy cơ trở thành “rừng cao ốc”, khiến cộng đồng dân cư vô cùng bức xúc.
Khu đô thị An Phú - An Khánh có diện tích 131ha được quy hoạch từ năm 1998, cùng giai đoạn với Khu đô thị (KĐT) Linh Đàm, Hà Nội (1997), được kỳ vọng là mô hình đô thị kiểu mẫu, tiện ích với không gian sống hiện đại bậc nhất, đại diện cho 2 thành phố lớn của cả nước.
Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ triển khai, Linh Đàm và có thể là An Phú - An Khánh tới đây có thể sẽ khiến những kỳ vọng trở thành ngao ngán.
Từ bài học “vỡ quy hoạch” của KĐT Linh Đàm…

TS.KTS Khuất Tân Hưng từng bày tỏ sự tiếc nuối về một bản quy hoạch không thành của Linh Đàm trên Báo Xây dựng khi cho rằng, với lợi thế nổi trội về cảnh quan được quy hoạch bài bản, được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu vào năm 2009, lẽ ra Linh Đàm sẽ tiếp tục vươn lên, khẳng định “thương hiệu” thì KĐT này dường như lại đuối sức bởi những thay đổi về mục đích sử dụng đất mà thiếu đầu tư dịch vụ đời sống thiết yếu. Đồng thời đối mặt với sự gia tăng dân số vượt nhiều lần so với quy hoạch đề ra.
Cụ thể, vì lợi nhuận, chủ đầu tư KĐT Linh Đàm đã chuyển đổi mục đích nhiều khu đất vốn dĩ được quy hoạch chức năng công cộng, thương mại, dịch vụ và mảng xanh thành đất ở; Cho xây dựng chen chúc các khu chung cư cao tầng, thậm chí xây vượt xa số tầng quy định.
Nói như TS.KTS Khuất Tân Hưng thì thật trớ trêu, những toà chung cư có chiều cao vượt trội, lại nằm vị trí đắc địa vô hình chung đã trở thành điểm nhấn kiến trúc của toàn khu.
Vì vậy, nói tới KĐT Linh Đàm là người ta hay ví von với hình ảnh biểu tượng cho “những lò bát quái” hay “chung cư tổ kiến”.
Đó là chưa kể hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật chưa hoàn thiện đã trở nên quá tải hay nỗi khổ kẹt xe triền miên mỗi ngày. Từ đô thị kiểu mẫu, quy hoạch Linh Đàm bị xé nát, trở thành đô thị phòng ngủ do chung cư “chém nát” kiến trúc.
… đến phương án điều chỉnh của KĐT An Phú - An Khánh

Nói như vậy để thấy, nguy cơ này đang thường trực và hoàn toàn có thể diễn ra tương tự nếu phương án điều chỉnh quy hoạch tổng thể 1/2000 KĐT An Phú - An Khánh của chủ đầu tư - CTCP Phát triển và kinh doanh nhà (HDTC) làm chủ đầu tư được thông qua.
Theo phương án điều chỉnh mới đây của HDTC được UBND Q.2 (TP.HCM) yêu cầu niêm yết công khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư có khá nhiều thay đổi so với quy hoạch ban đầu như: giảm chiều rộng mặt cắt rạch Bà Cả; Hoán đổi diện tích 10.504m2 đất tại công viên khu A thành 92 nền đất.
Ngoài ra, Công ty HDTC và đơn vị tư vấn cũng đề xuất tăng chiều cao các tòa nhà chung cư tại các cụm. Cụ thể, cụm phức hợp khu E có chiều cao là 40 tầng; chung cư CT3, CT4 cao từ 38 - 40 tầng; CT8 cao 37 - 38 tầng; CT7 cao 34 tầng; CT2 có chiều cao từ 30 - 35 tầng tuỳ từng vị trí quy hoạch; CT5 (khu A) và CT6 (khu B) cao 34 tầng. Theo quy hoạch trước đây là từ 20-24 tầng.
Nhiều cư dân phản đối gay gắt
Ngay khi thông tin này được công bố, nhiều người dân đã gay gắt phản đối vì cho rằng chủ đầu tư “quá ham lợi nhuận” mà không có trách nhiệm với đời sống cộng đồng dân cư.
Theo Hội cựu chiến binh KP.5, P.An Khánh, Q.2, trong hơn 20 năm qua HDTC đã 5 lần điều chỉnh quy hoạch, nay lại xin điều chỉnh lần thứ 6. Nếu tiếp tục điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân KĐT, người đã bỏ tiền đầu tư vào dự án vì điều chỉnh sẽ làm tăng dân số cơ học, quá tải hệ thống điện, quá tải hệ thống cấp thoát nước, quá tải hạ tầng giao thông, quá tải trường học và không đảm bảo tỷ lệ cây xanh trong khu đô thị…
Đó là chưa kể quyết định điều chỉnh gần nhất liên quan khu E vào năm 2017 từ chức năng công cộng sang đất ở (lô E6 xây 14 căn biệt thự hiện đã làm xong) trong khi quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ là không có đơn vị ở.
Trước đó, năm 2019, báo chí từng nêu rõ, chủ đầu tư HDTC đã tiến hành xât dựng trái phép dự án Laimian City 13.000 căn hộ, trong số đó có các toà chung cư cao đến 40 tầng thuộc khu E. Đến nay, việc điều chỉnh vẫn chưa được thông qua, nghĩa là chủ đầu tư đã cố tình “cầm đèn chạy trước ô tô”?
Được biết, trong lần lấy ý kiến cộng đồng dân cư vào tháng 6/2019, phương án điều chỉnh quy hoạch tổng thể 1/2000 của chủ đầu tư HDTC từng bị người dân phản đối quyết liệt. Nhiều đơn từ phản ánh của cộng đồng dân cư đã được chuyển tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trong đó có Thanh tra Bộ Xây dựng.
Trong cuộc họp ngày 25/10/2020, Chi hội Cựu chiến binh Khu phố 5 đã đưa ra nhiều ý kiến phản đối việc lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch 1/2000 KĐT An Phú - An Khánh như: Ban điều hành thiếu trách nhiệm trong việc giám sát việc bỏ phiếu lấy ý kiến dẫn đến việc bỏ phiếu thiếu khách quan, trung thực; Giám sát không chặt chẽ dẫn đến việc Công ty HDTC lợi dụng đưa nhân viên, đối tượng môi giới bất động sản, thợ hồ, bảo vệ của các công ty vào tham gia bỏ phiếu…. Bên cạnh đó, UBND phường An Phú cũng bị “tố” có hàng loạt động thái khó hiểu khiến người dân bức xúc như đưa ra thông báo quá gấp gáp, người dân không nắm được nội dung điều chỉnh quy hoạch nên không tham gia bỏ phiếu, nội dung phiếu lấy ý kiến khó hiểu trong khi các đề xuất làm minh bạch việc bỏ phiếu đều không được UBND phường An Phú đồng ý. Các hội viên cựu chiến binh ở đây đề nghị thanh tra toàn bộ phiếu thăm dò lấy ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị An Phú - An Khánh; UBND phường An Phú công bố danh sách cư dân đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu tại khu phố 5 đồng thời đề nghị huỷ kết quả kiểm phiếu thăm dò lấy ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị An Phú – An Khánh ngày 3/10/2020. Theo Chi hội Cựu chiến binh KP.5: HĐTC là đơn vị kinh doanh bất động sản hạch toán đầy đủ theo cơ chế kinh tế thị trường chỉ được kinh doanh trên diện tích đất 72ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thu lợi nhuận và thực hiện nghĩa vụ kinh tế - xã hội với UBND TP.HCM; Việc chiếm đất công viên cây xanh, đất công trình công cộng phúc lợi thuộc tài sản của cộng đồng dân cư và nhà nước để kinh doanh là vi phạm pháp luật. |
Gia Bảo