Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm gần 1.000 tỷ đồng

Cập nhật: 17:20 | 05/06/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại nhiều đơn vị vẫn đang bị âm với tổng số tiền lên tới gần 1.000 tỷ đồng, thông tin từ các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết.  

quy binh on gia xang dau am gan 1000 ty dong

Giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ

quy binh on gia xang dau am gan 1000 ty dong

Bộ Công thương phản hồi đề xuất bỏ quỹ Bình ổn giá xăng dầu

quy binh on gia xang dau am gan 1000 ty dong

Giá xăng dầu sẽ giảm vào ngày mai?

Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trước thời điểm 15 giờ ngày 1/6, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex bị âm 316 tỷ đồng. Còn tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL), Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đang bị âm trên 660 tỷ đồng.

Tại nhiều doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro.,Ltd.), Quỹ bình ổn giá xăng dầu tạm tính đến hết ngày 30/5 còn hơn 48,25 tỷ đồng trong khi tại Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Quỹ Bình ổn của đơn vị chỉ còn trên 6,2 tỷ đồng.

quy binh on gia xang dau am gan 1000 ty dong
Doanh nghiệp âm quỹ bình ổn gần 1.000 tỷ đồng

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế lên tiếng cho rằng mô hình điều hành giá xăng dầu lý tưởng nhất mà cơ quan quản lý nên hướng tới là thả nổi giá theo diễn biến thị trường thế giới cũng như khả năng sản xuất trong nước, bỏ quỹ bình ổn giá...

Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã kiến nghị nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá mặt hàng này về tiệm cận hơn với thế giới.

Trong văn bản gửi Chính phủ, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến “người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi".

Đề xuất này ngay sau đó thu hút quan tâm từ phía dư luận bởi trước nay, quỹ này vốn vẫn gây nhiều nhiều băn khoăn, nghi ngờ từ khi ra đời.

Nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng, quỹ bình ổn có nguồn tiền là từ người tiêu dùng, lấy tiền của người tiêu dùng trả cho người tiêu dùng nhưng lại qua một loạt cơ chế phức tạp, không hình thành quỹ tập trung mà chỉ là ghi sổ rồi báo cáo.

Với cơ chế này, nếu người dân là những người trực tiếp đóng vào quỹ này có nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về điều hành giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay. Chính phủ cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, đồng thời biểu thuế bảo vệ môi trường mới áp dụng từ ngày 1/1/2019 cũng làm tăng giá xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ quan điều hành đã quyết định chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao nhằm giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước, hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu.

Theo Chính phủ, từ khi Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực cho đến nay, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước không phải dùng ngân sách để điều tiết, bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Với ý kiến đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Chính phủ cho rằng xăng dầu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, xăng dầu cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá.

Do vậy, quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Vì vậy, nếu bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Tùng Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm