Quốc gia nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam có động thái lạ?
Philippines dự kiến nhập khẩu 5 triệu tấn gạo năm 2025, Việt Nam là nguồn cung chính, nhưng chính sách kiểm soát giá có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.
Philippines siết giá bán lẻ, cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, năm 2025, quốc gia này dự báo sẽ nhập khẩu từ 4,92 triệu đến hơn 5 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong đó, Việt Nam vẫn giữ vai trò là nguồn cung chính, với sản lượng xuất khẩu ước đạt khoảng 4,35 triệu tấn.
.jpg)
Trong những năm gần đây, gạo Việt Nam luôn chiếm từ 40–45% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines, khẳng định vị thế số một. Tuy nhiên, Chính phủ Philippines đã và đang thực hiện nhiều chính sách mạnh tay để kiểm soát giá bán lẻ gạo trong nước.
Ngày 20/1/2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines đã đề xuất áp mức giá bán lẻ tối đa (MSRP) 58 peso/kg gạo, được Chính phủ phê duyệt nhằm ngăn chặn giá leo thang. Tuy nhiên, biện pháp này không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Đến tháng 2/2025, Bộ Nông nghiệp nước này buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực, cho phép Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) can thiệp thị trường thông qua hình thức trợ giá.
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu điều tra các hành vi thao túng giá, đặc biệt tại các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống phân phối lớn. Những động thái này được kỳ vọng giúp bình ổn giá trong nước, nhưng có thể khiến doanh nghiệp nhập khẩu lo ngại về lợi nhuận, từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo từ Việt Nam.
Xuất khẩu gạo Việt Nam đối mặt áp lực cạnh tranh nguồn cung
Dù nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines được đánh giá vẫn cao trong năm nay và cả những năm tiếp theo, nhưng không loại trừ khả năng nước này sẽ tìm kiếm thêm nguồn cung thay thế nhằm giảm phụ thuộc vào Việt Nam. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.
Ông Phùng Văn Thành – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines – cho rằng doanh nghiệp Việt cần chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và Thương vụ triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh gạo Việt Nam. Việc duy trì thương hiệu quốc gia tại thị trường trọng điểm như Philippines là yếu tố then chốt để giữ vững sản lượng và giá trị xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Ngoài ra, ông Thành cũng nhấn mạnh vai trò của việc đa dạng hóa sản phẩm: “Không nên chỉ tập trung vào dòng gạo cao cấp mà cần khai thác thêm phân khúc trung và thấp cấp để phục vụ người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp – nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ lớn tại thị trường này”.
Để duy trì vị thế là nhà cung cấp gạo hàng đầu tại Philippines, các doanh nghiệp cần tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Việc duy trì nguồn cung ổn định, giá cả hợp lý, và đảm bảo đúng tiến độ giao hàng sẽ giúp củng cố uy tín gạo Việt trên thị trường quốc tế.