Kiến thức

Quảng trường Đỏ: Di sản 275.000m² được UNESCO công nhận, nơi ghi dấu ấn Quân đội nhân dân Việt Nam trong lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng

Thu Sa 09/05/2025 11:42

Là biểu tượng trường tồn của nước Nga, Quảng trường Đỏ là nơi ghi dấu những sự kiện mang tính bước ngoặt của lịch sử nhân loại.

Kiệt tác kiến trúc giữa lòng thủ đô Moskva

Nằm tại trung tâm thủ đô Moskva, Quảng trường Đỏ được ví như nhịp đập của “trái tim nước Nga”. Với diện tích lên tới 275.000m², quảng trường có hình tam giác không cân đối, được bao bọc bởi các công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử. Toàn bộ nền quảng trường được lát bằng đá, tạo nên một không gian rộng lớn, trang nghiêm và uy nghiêm. Từ nơi đây, các tuyến đường lớn tỏa ra khắp thủ đô, kết nối tới các vùng miền khác trên lãnh thổ Nga.

quảng trường đỏ 2
quảng trường đỏ
Quảng trường Đỏ được coi là trái tim của nước Nga

Ban đầu, Quảng trường Đỏ được xây dựng bằng gỗ và từng là khu chợ sầm uất thời Sa hoàng. Sau một trận hỏa hoạn vào cuối thế kỷ XV, Sa hoàng Ivan III cho phá bỏ khu chợ cũ, lập nên một quảng trường đá mới, đặt tên là Quảng trường Thương mại. Qua nhiều lần thay đổi tên gọi, đến đầu thế kỷ XX, nơi đây chính thức mang tên Quảng trường Đỏ – cái tên biểu trưng cho sự anh dũng và lòng yêu nước của dân tộc Nga. Năm 1990, địa danh này được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới, đánh dấu tầm vóc toàn cầu của công trình lịch sử này.

Hội tụ những giá trị kiến trúc và văn hóa đặc sắc

Không chỉ sở hữu giá trị lịch sử, Quảng trường Đỏ còn là nơi quy tụ nhiều công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Nga. Lăng Lenin – nơi gìn giữ thi hài vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại – là một trong những điểm nhấn nổi bật. Bên cạnh đó, nhà thờ Thánh Basil với chóp tháp hình củ hành rực rỡ sắc màu, được coi là biểu tượng kiến trúc đặc trưng của nước Nga.

lăng le nin
Lăng Lenin đặt tại Quảng Trường Đỏ

Ở phía đông quảng trường là trung tâm thương mại GUM – khu bách hóa tổng hợp lớn và lâu đời nhất của Nga, cùng nhà thờ Kazan được phục dựng lại nguyên bản. Phía bắc là Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với thiết kế hài hòa cùng hệ thống tháp canh của Điện Kremlin. Ở cuối quảng trường là vườn Alexander, nơi đặt Đài tưởng niệm các chiến sĩ vô danh với ngọn lửa vĩnh cửu không bao giờ tắt – biểu tượng thiêng liêng của lòng biết ơn những người đã ngã xuống trong Chiến tranh Vệ quốc.

Gần đó, tổ hợp Điện Kremlin – pháo đài được xây dựng từ thế kỷ XIV – vẫn là trung tâm quyền lực chính trị cao nhất của nước Nga hiện nay, nơi làm việc của Tổng thống và các cơ quan tối cao của Liên bang Nga.

Quảng trường ghi dấu những thời khắc lịch sử trọng đại

Trải qua hơn 5 thế kỷ tồn tại, Quảng trường Đỏ đã chứng kiến hàng loạt sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Nga và thế giới. Từ lễ đăng quang của các Sa hoàng, các hoạt động trọng thể thời Liên Xô, cho đến các sự kiện quốc gia của nước Nga hiện đại, nơi đây luôn là không gian biểu trưng cho tinh thần dân tộc và ý chí quật cường.

quảng trường đỏ 4
Ngày 7/11/1941: Lễ duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường Đỏ

Đặc biệt, Quảng trường Đỏ là nơi diễn ra những lễ duyệt binh lừng danh, điển hình là sự kiện ngày 7/11/1941, khi thủ đô Moskva đang bị quân Đức Quốc xã bao vây. Trong cái lạnh cắt da -30°C, quân đội Liên Xô vẫn tổ chức lễ duyệt binh giữa bão tuyết, rồi từ đó tiến thẳng ra chiến trường, mở đầu cho những chiến thắng vang dội trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Một dấu mốc không thể quên khác là lễ duyệt binh ngày 24/6/1945 – sự kiện mừng chiến thắng phát xít với quy mô lên đến 40.000 binh sĩ và gần 2.000 phương tiện quân sự, bất chấp cơn mưa lớn lịch sử. Đây được coi là lễ duyệt binh quy mô nhất từng được tổ chức tại Quảng trường Đỏ.

Dấu ấn Việt Nam tại Quảng trường Đỏ năm 2025

Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1945–2025). Lễ duyệt binh năm nay sẽ là sự kiện quốc gia trọng đại của nước Nga và thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Đặc biệt, trong sự kiện lần này, Việt Nam vinh dự cử 68 sĩ quan và học viên ưu tú từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 tham gia đoàn diễu hành tại Quảng trường Đỏ, theo lời mời từ phía Nga.

việt nam
Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tại Quảng trường Đỏ

Trước đó, lực lượng này đã có thời gian tập huấn nghiêm ngặt tại thao trường Alabino – cách Moskva khoảng 100 km – trước khi bước vào đợt hợp luyện chính thức. Vào ngày 7/5, trong buổi tổng duyệt lễ duyệt binh, khối Quân đội Nhân dân Việt Nam được Ban tổ chức đánh giá là một trong những đơn vị có đội hình đều, đẹp, thể hiện rõ nét bản lĩnh và kỷ luật của quân đội Việt Nam.

duyệt binh quảng trường đỏ
Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đang tiến vào lễ đài

Với những bước chân dứt khoát, nhịp đội hình chuẩn xác, các sĩ quan Việt Nam đã tạo nên hình ảnh mạnh mẽ, trang nghiêm và đầy kiêu hãnh – khẳng định tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế và vai trò ngày càng nổi bật của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế trọng điểm.

quân đội việt nam
Người dân chào đón, tán dương khối quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hợp luyện chuẩn bị cho Lễ duyệt binh ngày 9/5 khi họ đi ngang qua

Quảng trường Đỏ – Di sản không chỉ của nước Nga

Với lịch sử gắn liền cùng các dấu ấn chính trị, văn hóa và kiến trúc hàng đầu thế giới, Quảng trường Đỏ không chỉ là niềm tự hào của người Nga mà còn là một phần di sản nhân loại. Mỗi viên đá, mỗi công trình nơi đây đều là chứng tích sống động của sự chuyển mình qua các thời kỳ – từ đế chế Nga, Liên Xô cho đến Liên bang Nga hiện đại.

Hàng năm, Quảng trường Đỏ thu hút hàng triệu du khách quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng và học hỏi về một chương sử lớn của thế giới. Trong dòng chảy ấy, sự hiện diện của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại lễ duyệt binh năm 2025 không chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho mối quan hệ hữu nghị bền vững Việt – Nga, mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh quân đội và đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941–1945) được xem là cuộc chiến lớn nhất và có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại. Khoảng 27 triệu công dân Liên Xô đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc và góp phần đánh bại chủ nghĩa phát xít. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức chính thức đầu hàng vô điều kiện. Lễ duyệt binh Chiến thắng đầu tiên được tổ chức vào ngày 24/6/1945 và sau đó được ấn định tổ chức vào ngày 9/5 các năm kỷ niệm lớn.

Từ năm 1995, sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga đã chính thức nối lại truyền thống duyệt binh hàng năm tại Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5, với quy mô lớn và ý nghĩa chính trị – văn hóa sâu sắc. Ngoại trừ năm 2020 bị hoãn do đại dịch COVID-19, lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng luôn được tổ chức đều đặn và long trọng.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Quảng trường Đỏ: Di sản 275.000m² được UNESCO công nhận, nơi ghi dấu ấn Quân đội nhân dân Việt Nam trong lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO