Ăn sáng sau 9h: Thủ phạm thầm lặng khiến bạn tăng cân, đặc biệt là dân văn phòng
Thói quen ăn sáng sau 9h chính là nguy cơ tiềm ẩn rối loạn chuyển hóa, tăng cân và mắc bệnh tim mạch ở dân văn phòng.
Trong nhịp sống hiện đại, nhiều nhân viên văn phòng bắt đầu ngày mới với tốc độ vội vã. Bữa sáng – bữa ăn được xem là “nền móng” cho một ngày dài hoạt động thường bị dời trễ, có khi tới tận sau 9h sáng hoặc tệ hơn là bị bỏ qua hoàn toàn.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm ăn sáng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì nhịp sinh học và hệ trao đổi chất của cơ thể. Việc ăn sáng trễ sau 9h có thể làm gián đoạn quá trình điều hòa glucose, tăng nguy cơ kháng insulin là yếu tố dẫn đến rối loạn chuyển hóa và tiểu đường type 2.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism cho thấy: những người ăn sáng muộn có xu hướng tích mỡ nội tạng nhiều hơn, dễ gặp tình trạng mỡ máu cao, tăng huyết áp và giảm khả năng chuyển hóa năng lượng, dẫn đến tăng cân dù lượng calo nạp trong ngày không vượt quá mức bình thường.
Vì sao ăn sáng sau 9h gây hại cho dân văn phòng?
Đối với người làm văn phòng – vốn đã phải ngồi nhiều, ít vận động, lại ăn sáng muộn, chính điều này là nguy cơ rối loạn chuyển hóa càng tăng cao. Khi nhịn đói quá lâu sau khi thức dậy, cơ thể rơi vào trạng thái “đói stress”, tuyến thượng thận sản sinh nhiều cortisol – hormone gây tăng đường huyết và tích mỡ bụng.

Ngoài ra, bữa sáng muộn còn khiến chu kỳ nội tiết bị đảo lộn. Thay vì đốt cháy năng lượng hiệu quả vào ban ngày, cơ thể rơi vào trạng thái tiết kiệm năng lượng, giảm tốc độ trao đổi chất và dễ tích lũy mỡ thừa.
Không chỉ thế, thói quen này còn khiến lịch ăn uống cả ngày bị đẩy lùi, ăn trưa trễ, ăn tối muộn, từ đó tăng nguy cơ khó tiêu, rối loạn giấc ngủ và giảm chất lượng cuộc sống.
Ăn đúng giờ – chìa khóa giữ chuyển hóa ổn định
Để hạn chế những hệ lụy từ việc ăn sáng trễ, các chuyên gia khuyến cáo nên ăn sáng trong khoảng 6h30 đến 8h30 sáng, tức là trong vòng 2 tiếng sau khi thức dậy.
Nguyên nhân có thể do:
Sau một đêm dài, gan cần nhiên liệu để duy trì đường huyết ổn định.
Não bộ cần glucose để vận hành hiệu quả các chức năng nhận thức và xử lý thông tin.
Hệ tiêu hóa vào buổi sáng hoạt động mạnh mẽ nhất, giúp hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn các thời điểm khác trong ngày.
Một bữa sáng lý tưởng nên chứa đủ carbohydrate tốt (yến mạch, bánh mì nguyên cám), protein (trứng, sữa chua, đậu hũ) và chất béo lành mạnh (bơ, hạt dinh dưỡng) để cung cấp năng lượng bền vững.

Giải pháp cho dân văn phòng bận rộn
Hiểu được tính chất công việc của dân văn phòng thường không cho phép chuẩn bị bữa sáng cầu kỳ, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp thực tế:
Chuẩn bị từ tối hôm trước: Yến mạch ngâm sữa, sandwich kẹp sẵn, trứng luộc có thể để tủ lạnh qua đêm.
Mang theo bữa sáng đến văn phòng: Tránh ăn vội, có thể tranh thủ giờ đầu làm việc để ăn một cách đầy đủ và có kiểm soát.
Không nên thay thế bữa sáng bằng cà phê: Cà phê lúc đói làm tăng axit dạ dày, kích thích cortisol và gây bồn chồn, mệt mỏi.
Tạo thói quen sinh hoạt đúng giờ: Thức dậy sớm hơn 15–30 phút mỗi sáng để có thời gian ăn sáng sẽ giúp cải thiện sức khỏe lâu dài.
Thói quen ăn sáng sau 9h tưởng là “vô hại” nhưng thực chất lại âm thầm ảnh hưởng đến hệ trao đổi chất, góp phần dẫn đến loạt vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Với dân văn phòng – những người đã vốn ít vận động thì điều này càng đáng lưu ý hơn.
Hãy ưu tiên bữa sáng đúng giờ như một phần không thể thiếu của lối sống lành mạnh. Một chiếc đồng hồ sinh học được vận hành đúng sẽ giúp bạn duy trì thể trạng tốt, tinh thần minh mẫn và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.