Chính sách - Đầu tư

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vừa nhận thêm một kiến nghị mới vô cùng đặc biệt

Tuấn Anh 05/07/2025 11:16

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua nhiều tỉnh thành, trong đó có nhiều công việc cần phải chuẩn bị kỹ càng.

Tỉnh Gia Lai chuẩn bị mặt bằng quy mô lớn cho siêu dự án giao thông

Dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc – Nam đang tiến gần hơn đến hiện thực khi các địa phương bắt đầu vào cuộc chủ động. Trong đó, tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương tích cực chuẩn bị, sẵn sàng về mặt bằng, tái định cư và các hạ tầng kỹ thuật quan trọng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, tuyến đường sắt cao tốc đi qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài khoảng 116km, điểm đầu tại phường Hoài Nhơn Bắc (giáp Quảng Ngãi), kết thúc tại phường Quy Nhơn Tây (giáp Đắk Lắk). Đây là tuyến huyết mạch có tính chiến lược không chỉ về giao thông mà còn là động lực kéo theo sự phát triển mạnh mẽ về logistics, đô thị hóa và du lịch cho khu vực Tây Nguyên.

đường sắt cao tốc bắc nam
Tỉnh Gia Lai đang lên phương án cho việc chuẩn bị xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Trên toàn tuyến, dự án bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Riêng tỉnh Gia Lai dự kiến sẽ được bố trí 2 nhà ga tại phường Bồng Sơn và xã Tuy Phước 1. Đây được đánh giá là “cơ hội vàng” mà ít địa phương nào có được trong dự án trọng điểm quốc gia này.

UBND tỉnh Gia Lai đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư triển khai quy hoạch và xây dựng 42 khu tái định cư (tổng diện tích hơn 168ha) cùng 6 khu cải táng (hơn 3,6ha) phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Đồng thời, tỉnh cũng xúc tiến thủ tục pháp lý với 10 mỏ đất, 3 bãi thải phục vụ thi công và tái định cư.

Tổng diện tích đất dự án chiếm dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 758ha, trong đó diện tích GPMB gần 324ha, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 4.435 hộ dân.

GPMB thần tốc, chờ Trung ương tháo nút cơ chế

Với số lượng hộ dân và diện tích đất bị ảnh hưởng lớn, công tác GPMB được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Chính quyền địa phương đã thông báo, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trong phạm vi dự án để ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép, đồng thời siết chặt quản lý nhằm tránh việc lợi dụng chính sách bồi thường để trục lợi.

Tuy nhiên, một số vướng mắc về cơ chế vẫn cần tháo gỡ để dự án triển khai đúng tiến độ. Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai đã kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo sớm việc cắm cọc GPMB tại thực địa, giúp địa phương xác định chính xác số hộ dân bị ảnh hưởng và có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.

Tỉnh cũng đề xuất bố trí kinh phí từ vốn Trung ương cho các hạng mục cấp thiết như khu tái định cư, khu cải táng và các công trình phụ trợ. Ngoài ra, địa phương đang gặp khó khăn do sự chồng lấn giữa vị trí nhà ga và tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, điều này có thể dẫn đến xung đột quy hoạch nếu không được tháo gỡ kịp thời.

Kiến nghị cơ chế đặc thù: Không thể chậm một bước nào

Đặc biệt, tỉnh Gia Lai đã gửi kiến nghị lên Bộ Xây dựng và Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ thi công đường sắt cao tốc. Đây là một trong những yêu cầu cấp bách, bởi nếu không chủ động được nguồn vật liệu thì tiến độ và chi phí của dự án sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

đường sắt cao tốc bắc nam 1
Việc lấy khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là một kiến nghị khá hay từ phía tỉnh Gia Lai

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới cho giao thông Việt Nam. Nhưng muốn biến kỳ vọng thành hiện thực, các tỉnh như Gia Lai cần có đủ chiến lược, chính sách để hành động kịp thời, đúng hướng. Cơ chế đặc thù nếu được thông qua sẽ là đòn bẩy cực lớn giúp địa phương không chỉ “dọn chỗ” mà còn “xây nền” vững chắc cho một tương lai giao thông bền vững.

Tuấn Anh