Đất & Người

Đảo duy nhất ở Việt Nam từng có 5 ngọn núi lửa lớn, chính thức trở thành đặc khu, lấy du lịch làm trung tâm kinh tế

Băng Di 03/07/2025 17:45

Huyện đảo duy nhất của Việt Nam từng sở hữu 5 ngọn núi lửa đã tắt chính thức trở thành đặc khu từ ngày 1/7/2025. Với tiềm năng di sản địa chất và văn hóa độc đáo, nơi đây được định hướng trở thành trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia, hướng đến phát triển bền vững, nâng cao sinh kế cộng đồng.

Với sự kiện trở thành đặc khu, đảo Lý Sơn không chỉ được kỳ vọng nâng tầm trong phát triển kinh tế – xã hội mà còn đóng vai trò đầu tàu trong chuỗi giá trị du lịch biển, đảo tại Việt Nam. Từ vùng đất gắn với ngư nghiệp truyền thống, Lý Sơn nay đã sẵn sàng chuyển mình, phát huy di sản địa chất – văn hóa độc đáo để trở thành trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia, thân thiện và bền vững.

Đảo lý sơn - đặc khu
Lý Sơn còn sở hữu hệ thống miệng núi lửa ngầm dưới nước, đặc biệt phía Nam và phía Tây đảo

Di sản núi lửa và nền tảng phát triển đặc khu Lý Sơn

Từ ngày 1/7/2025, huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) chính thức chuyển mình thành đặc khu Lý Sơn. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng đối với đảo Lý Sơn – nơi duy nhất tại Việt Nam từng có tới 5 ngọn núi lửa lớn hình thành từ hàng chục triệu năm trước.

Với diện tích hơn 10,39 km² và dân số khoảng 22.000 người, đảo Lý Sơn nằm cách đất liền 15 hải lý, chỉ mất 40 phút di chuyển bằng tàu từ cảng Sa Kỳ. Địa hình đặc trưng của đảo do các ngọn núi lửa đã tắt như Thới Lới, Giếng Tiền, hòn Vung, hòn Sỏi, hòn Tai tạo nên – chiếm tới 70% diện tích đảo.

Không chỉ có các đỉnh núi lửa, Lý Sơn còn sở hữu hệ thống miệng núi lửa ngầm dưới nước, đặc biệt phía Nam và phía Tây đảo – nơi các nhà khoa học xác định có cấu trúc gần bằng đỉnh Thới Lới. Các vách đá ở Hang Câu, Chùa Hang hay Giếng Tiền với các ngấn mài mòn khổng lồ được xem là dấu tích địa chất đặc biệt hiếm có.

Ngoài ra, Lý Sơn còn nổi bật với “nghĩa địa san hô hóa thạch” có niên đại từ 5.000–6.000 năm – được các chuyên gia đánh giá là độc nhất vô nhị tại Việt Nam và hiếm thấy trên thế giới. Hai di tích văn hóa Sa Huỳnh cổ là xóm Ốc và Suối Chình cũng cho thấy sự hiện diện liên tục của con người trên đảo từ hơn 3.000 năm trước.

Đặc khu lý sơn - huyện đạo
Huyện đảo Lý Sơn chính thức trở thành đặc khu từ ngày 1/7/2025

Toàn đảo hiện có hơn 50 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có 6 di tích quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh. Tính trung bình, mỗi km² trên đảo gắn với 5 di tích, một mật độ dày đặc vượt xa nhiều địa phương trên đất liền.

Lý Sơn sẽ trở thành trung tâm du lịch biển, đảo cấp quốc gia

Việc chính thức trở thành đặc khu giúp đảo Lý Sơn có điều kiện xây dựng bộ máy quản lý hai cấp, tăng cường phân quyền, từ đó đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2050, Lý Sơn sẽ trở thành trung tâm du lịch biển, đảo cấp quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2025, đảo Lý Sơn đã đón gần 82.000 lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ, trong đó có hơn 1.170 lượt khách quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực cho một đặc khu đang lên.

Nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm như “một ngày làm nông dân trồng hành, tỏi”, “lặn ngắm san hô”, “làm ngư dân đánh bắt ven bờ”,… đã được các hộ dân, cơ sở homestay tổ chức hiệu quả. Toàn đảo hiện có gần 50 homestay, không chỉ cung cấp lưu trú mà còn tạo ra mô hình du lịch cộng đồng độc đáo, giúp người dân tăng thu nhập và giữ gìn bản sắc.

Đặc biệt, Lý Sơn đã tổ chức nhiều sự kiện thể thao – văn hóa mang tầm quốc gia như: Giải bơi vượt biển Lý Sơn Cross Island, Giải dù lượn hạ cánh chính xác, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Giải Việt dã “Lý Sơn – Theo dấu chân tiền tiêu”,... góp phần quảng bá hình ảnh đảo Lý Sơn mạnh mẽ đến du khách trong và ngoài nước.

Huyện đạo lý sơn trở thành đặc khu
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2050, Lý Sơn sẽ trở thành trung tâm du lịch biển, đảo cấp quốc gia

Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tại đảo Lý Sơn trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 1.300 tỷ đồng – tăng gần 7% so với cùng kỳ. Trong đó, thương mại – dịch vụ chiếm hơn 572 tỷ đồng, nông nghiệp đạt 515 tỷ đồng, công nghiệp và xây dựng gần 212 tỷ đồng.

Ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò nền tảng, đặc biệt là cây tỏi – được mệnh danh là “vàng trắng” của Lý Sơn. Vụ tỏi đông xuân 2024–2025, toàn đảo thu hoạch hơn 314 ha, năng suất hơn 88 tạ/ha, sản lượng đạt gần 2.800 tấn – tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Minh Trí, Bí thư Đảng ủy đặc khu Lý Sơn, khẳng định: “Phát triển kinh tế Lý Sơn lấy du lịch làm trung tâm. Điều quan trọng là giúp người dân thay đổi nhận thức, từ làm nông đơn thuần sang phát triển du lịch, dịch vụ gắn với đặc sản bản địa”.

Huyện đảo Lý Sơn từ lâu đã in dấu như một “vương quốc tỏi”, nơi sản sinh ra đặc sản nức tiếng - tỏi Lý Sơn. Những củ tỏi trắng trong, nhỏ nhắn, thơm nồng mang theo vị mặn mòi của gió biển, vị nắng cháy da và cả ân tình của người dân xứ đảo. Trong mỗi nhánh tỏi là biết bao giọt mồ hôi, là sự bền bỉ của những bàn tay cần mẫn, gắn bó với ruộng cát pha tro núi lửa, vỏ ốc và san hô tạo nên món quà hiếm có từ lòng đất và lòng người.

Khi vụ tỏi khép lại, người dân Lý Sơn lại tiếp tục mùa gieo trồng mới với hành tím – thứ gia vị dân dã nhưng chứa đựng cả một tinh thần biển đảo. Hành tím Lý Sơn không khoe sắc, không ồn ào, chỉ lặng lẽ tỏa mùi thơm dịu nhẹ, đậm đà hương vị biển. Mỗi củ hành nhỏ bé không chỉ góp mặt trong bữa cơm gia đình Việt, mà còn góp phần cải tạo đất, duy trì nhịp sống sản xuất và mang lại sinh kế bền vững cho cư dân xứ đảo mỗi độ hè về.

Băng Di