Góc nhìn

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Trong môi trường toàn cầu bất định, Việt Nam cần thúc đẩy thị trường nội địa, giảm phụ thuộc xuất khẩu

Nhat Linh 27/05/2025 06:00

Mỹ biến thuế quan thành công cụ chính sách, buộc nhiều nước trong đó có Việt Nam phải định vị lại vai trò và chiến lược để bảo vệ lợi ích quốc gia trong môi trường toàn cầu.

Ngày 26/5/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm hoãn áp dụng mức thuế 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu đến ngày 9/7. Thông tin này lập tức tác động đến các thị trường tài chính toàn cầu và làm dấy lên nhiều câu hỏi về các bước đi tiếp theo của Mỹ trong cuộc chiến thương mại kéo dài.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn Cầu đã có những chia sẻ đáng chú ý xung quanh vấn đề này, đặc biệt là những hệ lụy có thể xảy ra với nền kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu

Thuế quan Mỹ tạm hoãn không đồng nghĩa từ bỏ

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến thuế quan của Mỹ, đặc biệt dưới thời ông Trump, đều tác động mạnh đến thị trường tài chính và chính sách tiền tệ toàn cầu. “Chúng ta sẽ phải chờ xem phản ứng của thị trường chứng khoán tại New York cũng như tại các quốc gia khác. Những động thái như vậy luôn khiến giới đầu tư lo ngại và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ cũng buộc phải tính toán lại chính sách lãi suất, bơm rút thanh khoản”, ông nói.

Mặc dù Mỹ mới chỉ hoãn áp thuế lên EU nhưng thông điệp này đã khiến nhiều quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, phải có những kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng. Bởi theo chuyên gia, xác suất Mỹ thực sự không áp thuế là rất thấp. “Họ chỉ hoãn để có thêm thời gian xem xét giảm mức thuế chứ không phải từ bỏ hoàn toàn. Cũng như với Việt Nam, việc Mỹ không đánh thuế là điều rất khó xảy ra. Điều khả dĩ hơn là mức thuế có thể thấp hơn mức 46% từng tuyên bố”, ông Hiếu nhận định.

Đối với Việt Nam, tại thời điểm này vẫn chưa có tín hiệu cho biết Mỹ sẽ quyết định như nào với mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

3 yếu tố quan trọng cho chiến lược dài hạn

Có thể thấy rằng Mỹ đang sử dụng đòn thuế quan để điều phối quan hệ thương mại song phương, điều đó có thể trở thành xu hướng lâu dài với nhiều diễn biến khó lường trong thời gian sắp tới. Bởi vậy để tạo ra vị thế tốt trong các cuộc đàm phán song phương cũng như trong môi trường toàn cầu bất định, theo ông Nguyễn Trí Hiếu Việt Nam cần có một số hướng đi quan trọng trong chiến lược dài hạn này.

Thứ nhất, Việt Nam cần có chính sách kiểm soát nghiêm ngặt việc gian lận thương mại. “Nếu không minh bạch, Việt Nam rất dễ bị Mỹ cáo buộc là điểm trung chuyển trá hình cho hàng hóa Trung Quốc”, ông nói.

Thứ hai, cần tăng cường nhập khẩu từ Mỹ để giảm xuất siêu – yếu tố đã được ông Trump đặc biệt nhấn mạnh. TS. Nguyễn Trí Hiếu gợi ý: “Chúng ta có thể mua thêm máy bay, thiết bị quân sự, hoặc hàng hóa công nghệ cao của Mỹ – đó là cách để cân bằng quan hệ”.

Thứ ba, việc đa dạng hóa thị trường là yêu cầu bắt buộc. Không thể để nền kinh tế phụ thuộc quá mức vào thị trường Mỹ như hiện nay.

Và cuối cùng, theo chuyên gia Hiếu, thị trường nội địa cần được thúc đẩy mạnh hơn nữa để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. “Hiện tỷ trọng tiêu dùng nội địa vẫn còn quá khiêm tốn, phải đảo ngược xu hướng này”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nhat Linh