Góc chuyên gia

Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest: Mỹ - Trung "hưu chiến" thuế quan, cần tận dụng thời cơ tái cấu trúc nền kinh tế và bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị

Nhật Linh 16/05/2025 09:55

Thỏa thuận thuế quan Mỹ - Trung Quốc được nhìn nhận là bước lùi chiến thuật. Trong 90 ngày “hạ nhiệt”, Việt Nam cần chuẩn bị cho một chặng đường dài hơn.

Sau nhiều tháng căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận kéo dài 90 ngày nhằm giảm một phần thuế quan và nối lại đàm phán. Cụ thể, Mỹ tạm giảm 145% thuế nhập khẩu xuống còn 30% đối với hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 14/5, đồng thời Trung Quốc cũng giảm thuế trả đũa với hàng Mỹ về 10% từ mức 125%.

Tuy nhiên, theo nhận định từ chuyên gia Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest, thỏa thuận này “không mang tính bước ngoặt”, mà chủ yếu là động thái tạm thời, giúp các bên có thêm thời gian đàm phán.

Mỹ - Trung thương chiến
Mỹ - Trung thỏa thuận thuế đối ứng chủ yếu là động thái tạm thời

Ông cho biết, trên thực tế, nội dung chính của thỏa thuận lần này là đưa mức thuế trở lại trạng thái trước ngày 9/4. “Không có gì mới cả. Đây không phải là một hiệp định thương mại đầy đủ mà chỉ là khuôn khổ nguyên tắc. Một hiệp định thương mại song phương thực sự sẽ cần ít nhất 18 tháng để hoàn tất, với rất nhiều điều khoản cần đàm phán kỹ lưỡng như hạn ngạch, ngành hàng,..” ông nói.

Về xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, chuyên gia cho rằng đây là một quá trình mang tính tự nhiên, đã diễn ra từ nhiều năm trước do chi phí lao động tăng và yêu cầu môi trường ngày càng khắt khe tại Trung Quốc. Mỹ có thể là chất xúc tác làm nhanh hơn quá trình này, nhưng không phải là nguyên nhân cốt lõi. Một số ngành như dệt may, da giày, điện tử đơn giản đã và đang rời Trung Quốc để đến Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ... Tuy nhiên, phần lớn nguyên vật liệu, thiết bị đầu vào vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, khiến chuỗi cung ứng chỉ thay đổi một phần – chủ yếu là khâu sản xuất cuối cùng.

“Chuỗi cung ứng toàn cầu không phải là thứ có thể thay đổi chỉ sau một đêm,” chuyên gia Khánh khẳng định. Bản chất của xu hướng “Trung Quốc +1” chính là sự tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng theo hướng linh hoạt hơn, không phải sự rút lui hoàn toàn. Vì vậy chuyển dịch là một xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp Trung Quốc giảm chi phí, đa dạng hóa công xưởng sẽ giúp nhà sản xuất hạn chế rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá và rủi ro về thuế đồng thời tiếp cận thêm nhiều thị trường mới, đang phát triển nhanh và sôi động.

Khi được hỏi về khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nếu Mỹ giảm thuế hàng Trung Quốc về mức 30%, chuyên gia cho rằng nhìn tổng thể, hàng Việt không đối đầu trực diện với Trung Quốc. “Đơn cử như ngành pin mặt trời, Việt Nam chỉ làm khâu cuối, còn linh kiện vẫn từ Trung Quốc. Dệt may thì đúng là có dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng bản thân nguyên liệu như bông, vải vẫn phải nhập một phần”. Tuy nhiên Việt Nam cần phải tranh thủ các cơ hội để nâng cao tay nghề, cải thiện môi trường đầu tư để đưa Việt Nam lên phân khúc cao hơn so với các nước khác – ông phân tích.

Thực tế cũng cho thấy một số ngành dù Việt Nam bị đánh thuế vẫn tăng trưởng. Năm 2018, Mỹ tăng thuế thép Việt Nam từ 0% lên 25%, nhưng đến năm 2024, xuất khẩu thép sang Mỹ của Việt Nam tăng gần gấp ba, từ 500.000 tấn lên 1,4 triệu tấn. Như vậy là nếu thuế dưới 25-30%, doanh nghiệp Việt vẫn có thể cạnh tranh được.

Đối với câu hỏi đặt trong vai trò là đối tác thương mại của cả Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cần phản ứng như thế nào? Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần tận dụng cơ hội hiện tại để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc kinh tế. “Doanh nghiệp cần nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, từ gia công đơn thuần lên các khâu có giá trị cao hơn như thiết kế, nghiên cứu phát triển,” ông nhấn mạnh.

Chuyên gia Vũ Duy Khánh
Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest Vũ Duy Khánh

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm thời về giảm thuế quan, Việt Nam với vị thế là đối tác thương mại lớn của cả hai cường quốc, cần tận dụng thời cơ để tái cấu trúc nền kinh tế và leo lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi.

Về phía Chính phủ, cần đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, từ cắt giảm điều kiện kinh doanh đến chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận hành nhanh, linh hoạt hơn. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài để tận dụng các FTA mà Việt Nam chưa có.

“Không ai có thể ngăn cản hoàn toàn dòng chảy thương mại. Vấn đề là ta tham gia như thế nào và có lên được tầng cao hơn trong chuỗi giá trị hay không. Nếu không tái cấu trúc sớm, thì chỉ 5-10 năm nữa, mô hình tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ cùng với ô nhiễm sẽ không còn dư địa,” ông kết luận.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest: Mỹ - Trung "hưu chiến" thuế quan, cần tận dụng thời cơ tái cấu trúc nền kinh tế và bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO