Cổ phiếu ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp dưới lăng kính chuyên gia
VN-Index ngày 12/5 tăng mạnh vượt mốc 1.280 điểm, dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng. Chuyên gia từ VPBankS đánh giá, thị trường đang hồi phục tích cực, với tiềm năng dài hạn từ nhóm ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp và công nghệ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/5/2025, VN-Index bật tăng mạnh 15,96 điểm, tương đương 1,26%, đóng cửa ở 1.283,26 điểm, chính thức vượt mốc kháng cự tâm lý 1.280 điểm. Thanh khoản thị trường cũng cải thiện với gần 20.000 tỷ đồng giá trị khớp lệnh, cho thấy sức nóng của dòng tiền nội địa vẫn đang duy trì mạnh mẽ.
Tại chương trình chuyên đề “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược Thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã có những chia sẻ đáng chú ý về diễn biến thị trường hiện tại, triển vọng ngành ngân hàng và tác động từ tình hình địa chính trị toàn cầu.

Theo ông Sơn, thị trường hiện đang chia thành hai nhóm cổ phiếu rõ rệt. Nhóm thứ nhất là các mã đã phục hồi mạnh sau tháng 4, vượt đường trung bình động quan trọng (MA), bao gồm các cổ phiếu thuộc ngành hóa chất, logistics. Đặc biệt, một số cổ phiếu ngân hàng đã bước vào xu hướng tăng rõ rệt, trở lại vai trò dẫn dắt thị trường.
Ông Sơn nhận định: “Trong ngắn hạn, nhóm ngân hàng đang nổi lên là lực kéo chính, đặc biệt khi nhiều mã đã chững lại trong kỳ nghỉ lễ nhưng hiện nay đã lấy lại xung lực. Đây có thể là nhóm đưa VN-Index vượt 1.280 điểm, và thậm chí lấp lại khoảng trống do cú sốc thuế quan đầu tháng 4”.
Đối với những nhà đầu tư đang tìm kiếm điểm mua mới, ông Sơn gợi ý nên ưu tiên các cổ phiếu đã tạo đáy nhưng vẫn cách khá xa vùng đỉnh cũ trước tháng 4 – đặc biệt là nhóm bất động sản khu công nghiệp. Chiến lược này được gọi là “mua chiết khấu, đón sóng hồi”
Ngoài ra, nhóm công nghệ – tiêu biểu là các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Viettel như FPT, CTR cũng được đánh giá là đang ở giai đoạn phục hồi tốt, khi Mỹ và các đối tác thương mại lớn đang có dấu hiệu quay lại bàn đàm phán.
Về trung và dài hạn, chuyên gia VPBankS cho rằng cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là “điểm đến” tiềm năng của dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 sẽ duy trì ở mức cao, tạo điều kiện cho các ngân hàng – nhất là nhóm đầu ngành – mở rộng quy mô cho vay, cải thiện doanh thu và lợi nhuận.
Mặc dù biên lãi ròng (NIM) của một số ngân hàng đã thu hẹp trong quý I/2025, nhưng ông Sơn cho rằng đây là diễn biến “bình thường và cần thiết”, khi các ngân hàng đang chủ động chia sẻ lợi nhuận thông qua việc cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, góp phần hỗ trợ nền kinh tế vượt khó. Khi nền kinh tế hồi phục ổn định hơn, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng.
“Tôi vẫn kỳ vọng rằng, nếu đàm phán thương mại diễn ra suôn sẻ và nền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió, nhóm ngân hàng sẽ vẫn là tâm điểm của dòng tiền đầu tư trong năm 2025”, ông Sơn nhận định.
Viễn cảnh “xuống thang” trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
Bình luận về tình hình chính sách toàn cầu, ông Sơn cho rằng việc Tổng thống Donald Trump có dấu hiệu “xuống thang” trong chiến tranh thương mại là yếu tố tích cực, có thể giúp thị trường toàn cầu bớt biến động. Sau khi áp thuế rất cao với nhiều quốc gia vào đầu tháng 4 (46% với Việt Nam, hơn 200% với Trung Quốc), Mỹ đang dần cảm nhận rõ tác động tiêu cực đến kinh tế nội địa.
Theo dữ liệu, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 18% tính đến hết tháng 3/2025, kéo theo sự sụt giảm mạnh trong các ngành xuất khẩu chủ lực của Mỹ như dầu thô, đậu tương, thịt bò và máy bay. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng Mỹ đang bị gián đoạn do Trung Quốc chuyển hướng nhập khẩu từ các quốc gia khác, đồng thời hạn chế nhập khẩu máy bay Boeing.
Ông Sơn cũng cho rằng, việc Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Anh gần đây là một minh chứng rõ ràng cho chiến lược “xuống thang” của Washington. Mỹ đã giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Anh từ 27% xuống 10%, miễn thuế với thép, nhôm, linh kiện hàng không, trong khi Anh cam kết mua máy bay Boeing trị giá 10 tỷ USD. Điều này cho thấy Mỹ có thể sẽ đi theo lộ trình thỏa thuận tương tự với Trung Quốc để phục hồi hoạt động sản xuất trong nước.
“Nếu Mỹ tiếp tục hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Trung Quốc và các đối tác, có thể kỳ vọng thuế quan sẽ dần được điều chỉnh về mức hợp lý hơn. Đây sẽ là yếu tố cực kỳ tích cực cho triển vọng xuất khẩu của Việt Nam cũng như tâm lý nhà đầu tư toàn cầu”, ông Sơn nhận định.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong trạng thái hồi phục tích cực, với nhóm ngân hàng giữ vai trò đầu tàu. Bối cảnh chính sách quốc tế dần ổn định, đặc biệt là kỳ vọng về đàm phán thương mại Mỹ – Trung, sẽ là bệ đỡ lớn cho thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng với các vùng kháng cự ngắn hạn, đồng thời ưu tiên lựa chọn cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, thuộc nhóm ngành hưởng lợi từ chính sách nới lỏng và dòng vốn phục hồi.