Đừng vội mừng khi có tên trong di chúc: Bạn vẫn có thể bị loại khỏi thừa kế vì 1 lý do nhỏ

Ngọc Nhi 31/03/2025 04:00

Theo Bộ luật Dân sự 2015, có nhiều trường hợp con không được hưởng thừa kế từ cha mẹ, bao gồm không còn sống tại thời điểm mở thừa kế, vi phạm pháp luật hoặc bị truất quyền thừa kế trong di chúc.

Không còn sống vào thời điểm mở thừa kế – không đủ điều kiện thừa kế

Theo Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc đã thành thai trước thời điểm người để lại di sản chết và còn sống sau đó.

Những trường hợp không được thừa kế tài sản

Cụ thể, nếu người con đã qua đời trước hoặc chưa thành thai vào thời điểm cha mẹ mất, thì người này không đủ điều kiện hưởng thừa kế. Trong trường hợp đã thành thai nhưng không thể chào đời sống sót sau thời điểm mở thừa kế, quyền thừa kế cũng không được xác lập.

Điều này đảm bảo nguyên tắc: người thừa kế phải tồn tại hợp pháp tại thời điểm mở thừa kế, tức là thời điểm người để lại di sản qua đời.

Bị cấm hưởng thừa kế theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự

Một số hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật sẽ dẫn đến việc người con bị loại khỏi hàng thừa kế, dù họ đang còn sống và có mối quan hệ huyết thống với người để lại tài sản. Điều 621 quy định rõ các trường hợp không được quyền hưởng di sản, bao gồm:

Cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc ngược đãi nghiêm trọng người để lại di sản.

Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với người để lại di sản.

Cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác nhằm chiếm đoạt di sản.

Lừa dối, cưỡng ép, giả mạo, sửa chữa, hủy hoại di chúc trái pháp luật.

Tuy nhiên, nếu người để lại di sản biết rõ các hành vi sai trái trên nhưng vẫn lập di chúc để lại tài sản cho con, thì người con đó vẫn có quyền thừa kế theo nội dung di chúc. Đây là điểm mở cho phép người để lại tài sản chủ động quyết định, thay vì áp dụng cứng nhắc quy định loại trừ.

Truất quyền thừa kế – quyền hợp pháp của người lập di chúc

Bên cạnh những lý do khách quan hoặc do vi phạm pháp luật, người con cũng có thể không được hưởng thừa kế nếu bị người lập di chúc truất quyền. Theo Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người để lại di sản có quyền:

Chỉ định hoặc truất quyền người thừa kế

Phân chia phần di sản cụ thể

Giao nghĩa vụ, ủy quyền quản lý di sản

Dành một phần tài sản cho mục đích khác như thờ cúng hoặc di tặng

Như vậy, dù không vi phạm pháp luật, nếu người con bị trực tiếp nêu tên và truất quyền thừa kế trong di chúc, thì không có quyền khiếu nại hoặc đòi chia di sản.

Tình huống này thường xảy ra khi có mâu thuẫn trong gia đình, mất lòng tin hoặc người lập di chúc muốn ưu tiên người khác hơn. Pháp luật tôn trọng ý chí của người để lại di sản trong trường hợp này.

Một số lưu ý quan trọng cho người lập di chúc và người thừa kế

Để tránh tranh chấp sau này, người lập di chúc nên:

Lập di chúc rõ ràng, có người làm chứng hoặc công chứng

Xác định cụ thể các phần tài sản, tên người thừa kế và các trường hợp bị truất quyền

Lưu giữ di chúc cẩn thận hoặc gửi cơ quan công chứng

Trong khi đó, người con hoặc người thừa kế nên:

Tìm hiểu kỹ quy định pháp luật về điều kiện hưởng thừa kế

Tôn trọng di nguyện người để lại di sản

Tránh các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức có thể dẫn đến bị loại khỏi hàng thừa kế

Mua nhà, mua đất không sổ đỏ năm 2025: Những điều cần biết để tránh rủi ro pháp lý

Mua nhà, mua đất không có sổ đỏ đang là bài toán nan giải với nhiều người dân trong năm 2025. Cơ hội lớn nhưng ...

Từ năm 2025, bán đất không sổ đỏ bị xử phạt nặng lên tới 100 triệu đồng

Từ ngày 4/10/2024, theo Nghị định 123/2024/NĐ-CP, hành vi mua bán, chuyển nhượng đất không có sổ đỏ sẽ bị xử phạt tới 100 triệu ...

Ngọc Nhi