Thuế - Bảo hiểm

“Phớt lờ” bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp đối mặt loạt án phạt nặng

Ân Thiên 21/04/2025 10:35

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội mới đề xuất hàng loạt hình thức xử phạt nghiêm khắc với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ Nội vụ đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh các quy định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cũng như các hành vi gian lận liên quan đến chính sách an sinh xã hội này.

bảo hiểm xã hội
Đề xuất phạt nặng hành vi trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội và thất nghiệp

Theo dự thảo, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội sẽ bị xử phạt chính bằng hình thức phạt tiền. Tùy theo mức độ và tính chất của hành vi vi phạm, bên cạnh xử phạt chính, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung hoặc buộc khắc phục hậu quả.

Cụ thể, các biện pháp khắc phục hậu quả được đề xuất bao gồm: buộc người sử dụng lao động nộp đủ số tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp đúng theo quy định, bao gồm cả tiền lãi phát sinh do chậm đóng hoặc trốn đóng. Trong trường hợp doanh nghiệp không tự nguyện thực hiện, cơ quan chức năng có thể yêu cầu ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp để thu hồi số tiền này.

Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn phải hoàn trả cho người lao động số tiền đã chiếm dụng từ khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm cả phần lãi phát sinh. Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hành vi trục lợi chính sách từ quỹ bảo hiểm xã hội, cũng sẽ bị yêu cầu nộp lại toàn bộ số tiền nhận không đúng quy định và tiền lãi liên quan.

Một nội dung đáng chú ý khác là việc buộc người sử dụng lao động nộp lại các khoản hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nếu không sử dụng hết theo đúng phương án đã được phê duyệt. Đồng thời, các cơ sở đào tạo nghề cũng sẽ phải giảng dạy đủ thời lượng cho người lao động theo chương trình đã cam kết với cơ quan bảo hiểm xã hội nếu đã nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Dự thảo Nghị định mới này là bước đi quan trọng nhằm siết chặt kỷ cương, nâng cao tính tuân thủ trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình “lờ đi” nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, việc hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường chế tài xử phạt được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện chính sách an sinh trên thực tế.

      Nổi bật
          Mới nhất
          “Phớt lờ” bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp đối mặt loạt án phạt nặng
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO