Phong cách sống miền Tây: Hào sảng như rượu đế, ngọt lành như trái cây
Người miền Tây không vội vã nhưng đậm tình người, sống là để sẻ chia từ trái cây đến nghĩa tình.
Sống giữa thiên nhiên như sống giữa lòng mẹ
Tây Nam Bộ là vùng đất của sông ngòi chằng chịt, của những con rạch đan xen như mạch máu nuôi dưỡng phù sa. Không gian nơi đây không định hình bằng phố thị vuông vắn mà mở ra từ vườn cây trĩu quả, ao cá quanh nhà, bờ mương đất đỏ, tiếng rao sáng trên chợ nổi. Mảnh đất sông nước cũng đã xây dựng người miền Tây hình thành lên đức tính chăm chỉ, làm việc hết mình, làm ra làm, chơi ra chơi.

Chính điều kiện địa lý đặc thù này đã định hình nên một phong cách sống linh hoạt, trôi chảy, biết thuận theo tự nhiên. Người miền Tây không sống theo lịch trình giờ giấc mà sống theo mùa nước nổi, theo lịch con nước, theo tiếng gà gáy sớm và tiếng mái chèo khua nhịp. Trong thế giới ấy, cuộc sống như trôi không vội vã, không ràng buộc, không câu nệ nhưng đầy tự tại.
Giao thông bằng ghe xuồng, nhà quay mặt ra kênh khiến lối sống cởi mở và dễ bắt chuyện. Một câu chào trên sông, một cái bắt tay qua mạn xuồng là đủ để bắt đầu một mối thân tình.

Cái chất miệt vườn: hào sảng, thiệt tình, chân chất đến tận cùng
Người miền Tây gắn bó với sông nước nên cũng mang trong mình "tính sông nước": mềm dẻo mà bền bỉ, rộng lượng mà không sáo rỗng. Họ không giỏi nói lời hoa mỹ nhưng lời nói của họ thật thà.
Cuộc sống nơi đây không dễ dàng: thời tiết khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc, rắn rết đầy rẫy nhưng chính gian khó đó đã nhào nặn nên một lối sống nghĩa khí và giàu tinh thần trượng nghĩa. Họ tin rằng: “Thấy chuyện bất bình chẳng tha”, bởi lẽ sống ở miền Tây không tách khỏi tinh thần cộng đồng và lòng ngay thẳng.
Người miền Tây không chỉ năng động, sáng tạo mà còn thích nghi nhanh và linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Từ những nguyên liệu đơn sơ như cá, tôm, cua, ốc…, họ sáng tạo nên cả kho tàng ẩm thực phong phú: luộc, kho, nướng, làm mắm, làm khô, làm gỏi… không chỉ ngon mà còn mang đậm dấu ấn vùng miền.
Trong tình cảm, họ sống thật, thương thì nói thương, giận thì nói giận. Những câu hò, điệu lý bay lên từ ruộng lúa, bến sông, là tiếng lòng đơn sơ mà sâu sắc, gói ghém đủ cả yêu thương và thủy chung.

Trái cây ngọt, lòng người thân thương
Không nơi nào phong phú và rộng lượng như miệt vườn Tây Nam Bộ. Mỗi cù lao một loại trái, mỗi mùa một sản vật: xoài cát Hòa Lộc, nhãn tiêu Vĩnh Long, chôm chôm Long Khánh, sầu riêng Cái Mơn... Khi trái chín là lúc người ta vui. Họ không giữ của riêng mà chia sẻ cho nhau.
Trái cây không chỉ để bán mà còn để đãi khách, khách lạ ngang qua, ghé vào nhà bao giờ cũng được mời ăn trái ngọt. Đó là cách người miền Tây giao tiếp bằng lòng mến khách hơn là lời nói.
Mỗi vườn cây, mỗi dòng kênh là một hệ sinh thái văn hóa sống động, nơi trẻ con đôi khi học trèo cây trước khi biết chữ, nơi người lớn trồng cây để dạy con đạo sống. Họ không đặt nặng lễ nghi, bởi sống giữa thiên nhiên rộng lớn, họ hiểu sự bao dung là điều kiện để tồn tại.