Phong cách

Phong cách ẩm thực ba miền: Vì sao người Bắc ăn thanh, người Trung ăn mặn, người Nam ăn ngọt?

Uyên Chi 27/05/2025 13:00

Ẩm thực ba miền không chỉ khác ở nguyên liệu mà còn nói lên phong cách và bản sắc vùng miền.

Mỗi miền một khẩu vị

Nếu ai từng trải nghiệm bữa cơm Bắc – Trung – Nam sẽ dễ dàng nhận thấy một sự thật thú vị rằng, người miền Bắc ăn thanh, miền Trung ăn mặn cay, còn miền Nam ăn ngọt. Không chỉ là thói quen phong cách ăn uống, khẩu vị ấy còn nói lên tính cách bản sắc con người ở từng vùng ứng xử với thiên nhiên, đời sống và cộng đồng.

phongcach.jpg
Phong cách ăn uống ba miền: Mỗi vùng một khẩu vị, một cách sống

Người miền Bắc coi trọng sự hài hòa. Bữa cơm miền Bắc ít khi cay gắt hay ngọt sắc, thay vào đó là vị vừa phải, thanh tao, chú trọng màu sắc và sự cân đối. Gia vị được dùng tiết chế, hương vị vừa vặn, không lấn át nguyên liệu. Món ăn vì thế thường nhẹ nhàng: canh rau, đậu phụ, cá kho, thịt luộc chấm mắm tôm, nước mắm pha nhạt...

phongcach2.jpg
Mâm cơm người miền Bắc

Ở miền Trung đặc biệt là dải đất Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị vị giác lại thiên về mặn, đậm và cay. Người Trung thích nêm nếm mạnh tay, món nào cũng có mắm, có ớt, thậm chí là rất nhiều ớt. Lý do nằm ở khí hậu khắc nghiệt, nắng gắt, bão lũ, đất đai cằn cỗi khiến cư dân ở đây quen lối sống tiết kiệm, ăn uống đậm đà... Gia vị đậm cũng giúp món ăn bảo quản được lâu, thích ứng với thời tiết khắc nghiệt.

phongcach54.png

Còn người miền Nam, ẩm thực phương Nam lại chuộng vị ngọt, béo. Phong cách món ăn Nam Bộ thường sánh, đậm, giàu chất. Đây là vùng đất trù phú, quanh năm rau trái, cá tôm. Người miền Nam ăn theo sự dư dả, thể hiện tính phóng khoáng, rộng rãi và trọng tình cảm. Vị ngọt như một cách bộc lộ sự hào sảng, hiếu khách, dễ gần của con người nơi đây.

phongcach3.png
Mâm cơm người miền Nam

Khí hậu, địa lý làm nên khẩu vị

Không thể tách khẩu vị ra khỏi địa lý và môi trường sống. Miền Bắc có bốn mùa rõ rệt vì thế món Bắc có sự linh hoạt theo thời tiết. Mùa nào thức ấy, rau mùa nào nấu món đó và mọi thứ được nêm vừa phải.

Miền Trung, nơi "mưa chưa qua, nắng đã tới", thiên nhiên khắc nghiệt khiến người dân sống tiết kiệm. Vị cay – mặn không chỉ là thói quen mà còn là cách chống chọi với sự khắt khe của đất trời. Những món như mắm ruốc, mắm nêm, dưa món, tré vừa ngon, vừa dễ cất giữ dài ngày là sản phẩm của lối sống chịu đựng và tiết kiệm.

Miền Nam với sản vật dồi dào giúp con người dễ sống hơn, vui tính hơn. Ăn ngọt là thói quen nhưng cũng là một thái độ sống nhẹ nhàng, không câu nệ và thậm chí phản ánh niềm vui sống của cư dân miệt vườn.

Khẩu vị tạo nên văn hóa và định hình cả tính cách

Ẩm thực không chỉ nuôi sống con người mà còn hình thành nên cách cảm, cách nghĩ và cả cách giao tiếp. Người Bắc vì ăn thanh nên cũng chuộng sự cân bằng, kín đáo và trọng lễ nghi. Bữa ăn cần trình bày đẹp, ăn phải đúng món, đúng nhịp. Từ cỗ cưới, mâm giỗ đến bữa cơm thường ngày đều phản ánh nếp sống nền nã.

Người Trung vì ăn cay, ăn đậm, nên tính cách cũng bộc trực, thẳng thắn. Họ không ngại bộc lộ cảm xúc, thẳng thắn nhưng cũng rất thật thà. Bữa ăn của họ mạnh về cảm giác, chú trọng hương vị đôi khi đơn sơ nhưng đầy bản sắc.

Người miền Nam thì khác. Bữa ăn không quá cầu kỳ, miễn là ngon, vui, đông người. Tính cách vì vậy mà thoải mái dễ gần. Vị ngọt trong món ăn giống như sự ngọt ngào trong cách cư xử nhẹ nhàng, không nặng hình thức nhưng rất tình cảm.

Hiểu được khẩu vị là hiểu được một phần tâm lý, lối sống và cả bản sắc vùng miền.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Phong cách ẩm thực ba miền: Vì sao người Bắc ăn thanh, người Trung ăn mặn, người Nam ăn ngọt?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO