Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo cho các quốc gia ngoài Đông Nam Á

Cập nhật: 16:00 | 13/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Philippines - thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam vừa quyết định kéo dài áp dụng giảm thuế cho các nước bên ngoài khu vực Đông Nam Á. Doanh nghiệp dự báo sẽ không ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam vào quốc gia này.

Đề xuất giảm phí, lệ phí do giá nhiên liệu liên tục 'lập đỉnh'

Giá xăng trong nước lập đỉnh mới: Đạt gần 32.500 đồng/lít

Nhiều loại thuế, phí "đè nặng", giá xăng tiếp tục "leo cao"

Theo Reuters, chính phủ Philippines mới đây thông báo, để kiềm chế lạm phát, quốc gia này đã quyết định kéo dài việc giảm thuế suất nhập khẩu gạo đối với các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á đến hết năm 2022. Theo đó, mức thuế suất được Philippines áp dụng đối với các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á là 35%, mức trước đó là 40-50%.

Biểu thuế sửa đổi lần đầu tiên được ban hành vào năm ngoái và được Tổng thống Rodrigo Duterte gia hạn vào tháng trước sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát trong tháng 5 ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 và cao hơn biên độ mục tiêu 2 - 4% của năm nay.

3226-xuatkhaugao
Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết Philippines, quốc gia được dự báo sẽ là khách hàng mua gạo lớn thứ hai thế giới trong năm nay sau Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ nhập khẩu 2,8 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023 để bù đắp sự thiếu hụt trong nước.

Ngoài ra, chính phủ Philippines cũng cắt giảm thuế đối với ngô, thịt heo và thông báo tạm thời dỡ bỏ thuế nhập khẩu 7% đối với than nhập khẩu, một loại nhiên liệu quan trọng trong sản xuất điện.

Thuế suất ngô đã được cắt giảm xuống còn 5 - 15%, có hiệu lực cho đến cuối năm 2022 và trở lại 35 - 50% vào năm tới, trong khi thuế đối với các sản phẩm thịt heo sẽ vẫn ở mức thấp hơn từ 15 - 25% cho đến cuối năm và trở lại lên 30 - 40% trong năm tới.

Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, cho biết Philippines giảm thuế cho Ấn Độ hay các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á chắc chắn sẽ có bất lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam, nhất là khi giá gạo của Ấn Độ vốn đã rất thấp.

Theo nhận định của ông Thành, bên cạnh mục đích để kéo giảm lạm phát thì việc Philippines giảm thuế cho các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á cũng nhằm mục đích muốn kéo giảm giá gạo của các nhà nhập khẩu chính, đó là Việt Nam và Thái Lan. Qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận được nguồn cung giá ổn định hơn.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng Philippines sẽ không kéo giảm thuế xuống sâu hơn, bởi họ còn phải cân đối để bảo vệ người trồng lúa trong nước. Thậm chí, khả năng họ cũng chỉ áp dụng trong thời gian ngắn.

Cũng theo ông Thành, xét về phân khúc sản phẩm thì Ấn Độ hiện chủ yếu xuất khẩu loại gạo khô cơm, phẩm cấp thấp cho các quốc gia nghèo hoặc phù hợp làm bánh, bún vốn là loại gạo thời gian qua Việt Nam cũng nhập khẩu từ quốc gia này rất nhiều. Trong khi đó, phân khúc gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là sản phẩm chất lượng cao, thơm nhẹ như OM 18, Đài Thơm 8.

Ông Thành cho rằng xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng lớn từ việc Philippines giảm thuế cho các quốc gia bên ngoài Đông Nam Á. Tuy nhiên, với phân khúc gạo cấp thấp IR 50404 sẽ bị ảnh hưởng. "Việt Nam hiện đang gặp khó ở phân khúc đó, nên gạo IR 50404 của Việt Nam hầu như không xuất được nhiều", ông nói.

Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo hôm nay (13/6) tại thị trường An Giang ổn định, nhiều địa phương tại ĐBSCL giảm nhẹ. Cụ thể, tại An Giang, giá lúa hôm nay (13/6) không có thay đổi nào đáng kể so với cuối tuần trước. Theo đó, lúa IR 50404 đang có giá là 5.400 - 5.600 đồng/kg, lúa IR 50404 (khô) thu mua với giá là 6.500 đồng/kg, Đài Thơm 8 giao dịch trong khoảng 5.700 - 5.850 đồng/kg, Nàng Hoa 9 chững lại tại mốc 5.900 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 - 12.000 đồng/kg và lúa Nhật có giá là 8.000 - 8.500 đồng/kg.

Các loại lúa OM chưa có điều chỉnh mới. Trong đó, OM 5451 đang được thu mua với giá là 5.600 - 5.700 đồng/kg và OM 18 có giá trong khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg,

Giá các loại nếp hôm nay ổn định trở lại trong phiên đầu tuần. Cụ thể, nếp AG (khô) tăng 100 đồng/kg lên mốc 7.700 - 7.800 đồng/kg trong hôm nay. Các loại nếp còn lại duy trì giá thu mua không đổi, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg và nếp ruột tiếp tục neo trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg.

Tại chợ An Giang, giá gạo tiếp tục chững lại trên diện rộng. Theo ghi nhận, giá gạo thường hiện neo tại mốc 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần. Duy chỉ có giá cám là thay đổi, tăng 500 đồng/kg so với hôm qua, hiện có giá là 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Một số giá lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL:

Tại Cần Thơ, giá lúa vẫn có sự ổn định, lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg; riêng IR 50404 là 6.400 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Tại Bến Tre, giá lúa lại không có sự thay đổi, như: IR 50404 là 5.800 đồng/kg; OM 6976 là 5.900 đồng/kg; nhưng OM4218 là 6.000 đồng/kg .

Trong khi đó, tại Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh giá lúa các loại có sự điều chỉnh giảm. Cụ thể, tại Sóc Trăng, lúa OM 5451 là 6.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Tại Hậu Giang IR 50404 là 6.100 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; RVT là 8.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; OM 18 là 6.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Tại Trà Vinh, OM 5451 là 6.600 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg, IR 50404 là 6.450 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg.

Linh Linh