Phiên giao dịch ngày 29/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 17:30 | 28/11/2022 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 29/11/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Phiên giao dịch ngày 28/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Xem xét mua cổ phiếu VNM ở mức giá hiện tại

Mức Stock Rating của VNM (Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk) đóng cửa ở mức 91 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của VNM đóng cửa tăng 1.2% với khối lượng giao dịch trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy xu hướng ngắn hạn đã rõ ràng hơn và đồ thị giá có thể sẽ nhanh chóng vượt hoàn toàn mức kháng cự 82.50 trong vài phiên tới.

Phiên giao dịch ngày 29/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý
FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua cổ phiếu VNM ở mức giá hiện tại.

Tuy nhiên, đồ thị giá có khả năng sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh khi đồ thị giá đang bước vào vùng quá mua ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn của VNM cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Nâng khuyến nghị lên Khả quan cho cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 79.200 đồng/cp

Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) công bố KQKD Q3/22 khả quan với doanh thu (DT) thuần đạt 3.696 tỷ đồng (+76% svck) nhờ: (1) giá bán bình quân tăng 50% svck, (2) doanh thu phân bón và phụ gia tăng 52% svck. Biên LN gộp trong Q3/22 tăng lên 44,5% (+24,1 điểm % svck) chủ yếu nhờ giá bán trung bình cao hơn và công nghệ mới giúp tiết kiệm chi phí. Trong Q3/22, LN ròng của DGC tăng 195,8% svck, nâng tốc độ tăng trưởng của LN ròng trong 9T22 lên 318,4% svck và đạt 4.535 tỷ đồng, phù hợp với dự phóng của VND.

Hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc: Vân Nam – một trong 4 trung tâm sản xuất phốt pho vàng lớn nhất ở Trung Quốc đã thực hiện “Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng từ ngày 22/09/22 đến 23/05/23”, dẫn đến hiệu suất hoạt động của các DN phốt pho ở Vân Nam xuống còn 41% vào T10/22 từ 69% vào T9/22. VND kỳ vọng giá phốt pho sẽ duy trì ở mức 4.600-5.300USD/tấn cho đến T6/23 trước khi giảm dần trong nửa cuối năm 2023 do 1) Trung Quốc tạm dừng chính sách hạn chế sản xuất phốt pho và 2) giá than cốc đầu vào giảm. Do đó, VND tăng LN ròng của DGC trong 2022/23 lần lượt 2,7%/7,4% so với dự phóng cũ, với động lực từ việc giá bán trung bình phốt pho tăng lần lượt 6,1% và 4,8%.

DGC hưởng lợi từ lãi suất huy động cao hơn và tỷ giá USD/VND tăng: DGC là doanh nghiệp xuất khẩu ròng với 80% DT bằng USD trong khi chỉ 40% giá vốn hàng bán bằng USD và DGC không có nợ vay bằng ngoại tệ. Do đó, VND đánh giá DGC không có rủi ro hoặc thậm chí có lợi thế khi tỷ giá USD/VND tăng cao. Ngoài ra, với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu thấp (16%) và tiền mặt ròng/cổ phiếu là 17.703 đồng/cp tại Q3/22, DGC có thể được hưởng mức tăng lãi suất tiền gửi hiện tại.

Thay đổi kế hoạch dự án Xút-Clo: DGC sẽ cắt giảm sản lượng trong GĐ1 của dự án Xút –Clo Nghi Sơn từ 150.000 tấn/năm vào đầu năm 2025 xuống còn 50.000 tấn/năm trong Q3/24 nhằm tập trung đầu tư cho dự án bô xít – nhôm. Do đó, VND giảm dự phóng LN ròng năm 2025/26 từ dự án Xút-Clo lần lượt 30%/25% so với dự phóng cũ.

Theo đó, VND nâng khuyến nghị lên Khả quan với giá mục tiêu thấp hơn 79.200 đồng/cp. VND điều chỉnh giảm dự phóng DCF xuống 21% sau khi giảm tăng trưởng EPS 2025-26 lần lượt 19,2% và 21,1% do sự thay đổi tiến độ của dự án Xút-Clo. Giá của DGC đã giảm mạnh trong thời gian vừa qua, kéo P/E 2023 xuống còn 4,6 lần, giảm 54% so với mức trung bình 3 năm. VND cho rằng đây là mức giá hấp dẫn với 1 doanh nghiệp sản xuất phốt pho đầu ngành với gần như không chịu rủi ro nào khi lãi suất cao và biến động tỷ giá. Động lực tăng giá là sự thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc kéo dài hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá là chi phí đầu tư cao và rủi ro triển khai của dự án Xút-Clo sắp tới.

Công ty chứng khoán MB - MBS

Khuyến nghị mua cổ phiếu PC1

Cập nhật kết quả kinh doanh quý 3 năm 2022 và đánh giá triển vọng cả năm 2022 của Công ty CP Tập Đoàn PC1 (HOSE: PC1) và các năm tiếp theo, MBS duy trị khuyến nghị MUA cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 12 tháng tới là 27.100 đồng/cp.

Doanh thu quý 3 đạt 3.006 tỷ đồng, bằng 96% cùng kỳ 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 47 tỷ đồng, giảm mạnh 75% so với cùng kỳ năm trước do chi phí tải chính tăng mạnh 219% lên 265 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 5.995 tỷ đồng và 303 tỷ đồng, bằng 78% và 44% cùng kỳ năm trước. Doanh thu suy giảm do hoạt động xây lắp chiếm tỷ trọng lớn giảm mạnh 40% so cùng kỳ 2021. Lợi nhuận giảm do doanh thu giảm và chi phí tài chính tăng mạnh 173% trong kỳ.

Sản xuất điện là động lực tăng trưởng doanh thu trong 9 tháng đầu năm: Doanh thu sản xuất điện 9 tháng đầu năm đạt 1.243 tỷ đồng, tăng mạnh 148% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp sản xuất điện đạt 677 tỷ đồng, tăng mạnh 154% và chiếm 62% tổng lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận gộp sản xuất điện đạt 54,5%.

Linh vực xây lắp điện, đầu tư dự án bất động sản không đạt được kế hoạch: Công ty cho biết do Quy hoạch điện 8 chậm được phê duyệt, các dự án năng lượng tái tạo chưa có giá điện mới nên hoạt động xây lắp bị chậm lại, khả năng doanh thu cả năm chỉ đạt 5.048 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch. Hoạt động phát triển bất động sản cũng bị chậm tiến độ, dự án tại Gia Lâm dự kiến có phê duyệt đầu tư từ tháng 11/2022.

Biến động tỷ giá làm chi phí tài chính tăng mạnh 173% lên 601 tỷ đồng: Trong kỳ ngoài chi phí lãi vay tăng 88% lên 411 tỷ đồng, công ty cũng chịu chi phí biến động tỷ giá với 179 tỷ đồng. - Dự án khai thác khoáng sản Nickel đảm tiến độ đầu tư: Giá trị đầu tư vào dự án đến tháng 9 năm 2022 đạt 1.359 tỷ đồng, hoàn thành 81% kế hoạch. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và chạy thử trong quý 4/2022 và sẽ có sản phẩm thương mại từ đầu năm 2023.

Triển vọng kinh doanh của công ty năm 2023 cơ bản sẽ sáng sủa hơn bởi: 1) hoạt động xây lắp điện dự kiến sẽ sối động trở lại nhờ Quy hoạch điện 8 sớm được phê duyệt, có giá điện mới cho các dự án năng lượng tái tạo; 2) Các dự án bất động sản chuyển tiếp được phê duyệt thực hiện từ cuối 2022; 3) Nhà máy khai thác và chế biến quặng Nickel đi vào hoạt động thương mại từ đầu năm 2023.

Dự báo doanh thu năm 2023 đạt khoảng 11.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 810 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 93% so với 2022.

Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research

Khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu MWG với giá mục tiêu 43.500 đồng/cp

Trong cuộc họp với chuyên viên phân tích gần đây, ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) đã chỉ ra rằng kết quả kinh doanh trong quý 4 năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng bởi mức tiêu thụ cho các mặt hàng không thiết yếu giảm đi, lãi suất tăng và lỗ tỷ giá. Trong tháng 10 năm 2022, tổng doanh thu có thể đạt 10,9 nghìn tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ), trong đó doanh thu mảng ICT & CE giảm 18% so với cùng kỳ xuống 8,3 nghìn tỷ đồng, doanh thu mảng BHX tăng 22% so với cùng kỳ lên 2,37 nghìn tỷ đồng.

Ban lãnh đạo dự kiến lợi nhuận ròng năm 2022 sẽ giảm 10% so với cùng kỳ, tương đương với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng trong quý 4 năm 2022 giảm 40% so với cùng kỳ. Đối với năm 2023, công ty dự kiến lợi nhuận của mảng ICT & CE chỉ cải thiện từ nửa cuối năm. Trong khi đó, khả năng sinh lời của mảng BHX đang được cải thiện và mảng này đã ghi nhận EBITDA dương trong tháng 10. Việc huy động vốn cho BHX vẫn đang được tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 1 năm 2023.

SSI điều chỉnh giảm lần lượt 15% và 19% đối với ước tính LNST năm 2022 và 2023, xuống 4,37 nghìn tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ) và 4,74 nghìn tỷ đồng (tăng 8,4 so với cùng kỳ. Mặc dù lợi nhuận của mảng ICT & CE có thể giảm trong năm 2023, nhưng sự cải thiện về khả năng sinh lời của mảng BHX, và việc không phát sinh chi phí tái cấu trúc ghi nhận một lần sẽ giúp MWG đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng dương vào năm 2023.

Với lợi nhuận thấp hơn và các hệ số mục tiêu thấp hơn, SSI đưa ra mức giá mục tiêu mới dựa trên phương pháp SOTP cho MWG là 43.500 đồng/cp. Với tiềm năng tăng giá 15%, SSI điều chỉnh giảm khuyến nghị đối với cổ phiếu MWG (từ MUA) xuống TRUNG LẬP.

Mảng ICT & CE của MWG phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng không thiết yếu, do đó rất nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh mặc dù ban lãnh đạo đã nỗ lực cắt giảm chi phí và duy trì vị thế dòng tiền lành mạnh. Do đó, SSI khuyến nghị các nhà đầu tư xem xét lại cổ phiếu khi giá cổ phiếu ở mức định giá hấp dẫn hơn.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Khối ngoại mua ròng 1.700 tỷ đồng phiên VN-Index tăng hơn 34 điểm, gom mạnh bluechip

Phiên VN-Index bùng nổ đầu tuần, khối ngoại cũng tiếp tục duy trì trạng thái tích cực khi mua ròng tới gần 1.700 tỷ đồng, ...

Tin tức chứng khoán 17h00' hôm nay 28/11/2022: DST, NBB, DGC, DHC, KHG

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật và gửi đến quý độc giả những tin tức chứng khoán nổi bật ...

VSD chuyển đổi mô hình hoạt động thành Tổng công ty Bù trừ thanh toán chứng khoán

Ngày 25/11/2022 tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã tổ chức “Hội nghị thành viên ...

Đức Anh

Tin liên quan