Phiên giao dịch ngày 29/10/2020: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 18:50 | 28/10/2020 Theo dõi KTCK trên

Báo Đầu tư Chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 29/10/2020, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán BIDV - BSC

Có thể mở vị thế cổ phiếu PDR trong vùng giá 40.0-42.0

Cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt nằm trong xu hướng hồi phục sau khi tích lũy ngắn hạn quanh ngưỡng giá 38.0.

Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ nhịp hồi phục ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt trở lại dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế cổ phiếu trong vùng giá 40.0-42.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 48.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ trung hạn 38.0.

Công ty chứng khoán MB - MBS

Khuyến nghị mua GVR với giá mục tiêu 16.280 đồng/CP

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) là 1 trong những công ty lớn nhất trong ngành cao su tự nhiên, đầu tư khu công nghiệp và chế biến gỗ tại Việt Nam. 3 mảng kinh doanh này đóng góp khoảng 94% tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của GVR trong năm 2019, trong đó mảng kinh doanh cao su đóng góp lớn nhất với 64% doanh thu. Doanh nghiệp sở hữu quỹ đất cao su và khu công nghiệp lớn.

Giá cao su tăng giúp cải thiện lợi nhuận mảng cao su trong tương lai gần. Giá cao su tăng mạnh trong 2 tháng trở lại đây trong bối cảnh (i) nguồn cung thấp do căng thẳng chính trị tại Thái Lan, biến đổi khí hậu & bệnh rụng lá ở cây cao su, trong khi (ii) nhu cầu nhập khẩu cao su tự nhiên ở Trung Quốc gia tăng đáng kể khi các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô tại đây đang được đẩy mạnh, và (iii) dịch bệnh bùng phát khiến nhu cầu sử dụng găng tay y tế dùng 1 lần chứng kiến tăng mạnh.

Định hướng đẩy mạnh đầu tư hoạt động khu công nghiệp giúp cải thiện lợi nhuận trong tương lai. GVR dự kiến triển khai quy hoạch lên đến 15.000 ha đất khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 – 2025. Doanh nghiệp đang phối hợp với các địa phương để quy hoạch các khu công nghiệp , dự kiến trung bình mỗi năm cho thuê từ 600-1.000 ha. Đây cũng là mảng hoạt động có tỷ lệ sinh lời cao nhất trong 4 mảng hoạt động kinh doanh chính của GVR.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 16.280 đồng/CP trên cơ sở (i) là 1 trong các doanh nghiệp lớn nhất trong ngành cao su tự nhiên, đầu tư khu công nghiệp và chế biến gỗ tại Việt Nam, (ii) chiến lược đẩy mạnh đầu tư mảng khu công nghiệp nhờ lợi thế quỹ đất lớn giúp gia tăng lợi nhuận trong tương lai, và (iii) giá cao su tăng khá trong thời gian gần đây giúp cải thiện kết quả kinh doanh trong cả năm 2020.

Công ty chứng khoán Bản Việt - VCSC

Khuyến nghị khả quan cho DRC với giá mục tiêu 19.300 đồng/CP

CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) công bố Nghị quyết HĐQT trong đó bổ nhiệm ông Lê Hoàng Khánh Nhựt làm Tổng giám đốc của công ty thay cho ông Nguyễn Thanh Bình đã đến tuổi nghỉ hưu.

Công ty sản xuất lốp này cũng đồng thời công bố chia cổ tức tiền mặt năm 2020 với mức chia 500 đồng/CP, tương ứng với lợi suất cổ tức 2,6%. Ngày chốt danh sách là ngày 24/11 và ngày chi trả cổ tức là ngày 14/12.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho DRC với giá mục tiêu 19.300 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DHC

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC), đến từ khả năng tận dụng tăng trưởng dài hạn của ngành giấy bao bì tại Việt Nam nhờ năng lực đã được chứng minh và mở rộng công suất.

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 25% khi chúng tôi cập nhật mô hình định giá đến cuối năm 2021 trong khi nâng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020-2022 thêm 14% do nhu cầu giấy phục hồi vượt dự báo của chúng tôi trong 6 tháng cuối năm 2020 và hỗ trợ cho sản lượng bán và giá bán.

Tương ứng, chúng tôi nâng dự phóng sản lượng giấy bán 2020-2022 thêm 4%. Ngoài ra, chúng tôi nâng dự báo biên lợi nhuận gộp 2020-2022 thêm trung bình 60 điểm cơ bản, do dự phóng giá bán trung bình cao hơn.

Chúng tôi dự phóng EPS sẽ tăng 22% trong năm 2021 chủ yếu nhờ gia tăng hiệu suất sử dụng công suất. Trong khi đó, dự báo EPS đi ngang trong năm 2022 của chúng tôi chưa ghi nhận tiềm năng của nhà máy Giao Long 3 mới – được chúng tôi ước tính có thể gia tăng công suất của DHC thêm ít nhất 80% - do khung thời gian triển khai chưa chắc chắn tại thời điểm hiện tại.

Giá mục tiêu của chúng tôi đưa P/E 2021 của DHC đạt 9,6 lần, thấp hơn mức trung vị 5 năm P/E trượt 10,9 lần. Chúng tôi cho cho rằng mức thấp hơn này là hợp lý trong bối cảnh quy mô nhỏ hơn của DHC so với nhóm các công ty cùng ngành.

Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Giá bán giấy hạ nhiệt do kinh tế chững lại tại Trung Quốc; thiếu hụt giấy carton cũ (OCC) cũ xuất hiện trở lại do dịch COVID-19 tại các quốc gia đang phát triển.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu HT1

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị cho CTCP Xi măng VICEM Hà Tiên 1 (HT1) từ mua thành khả quan khi giá cổ phiếu đã tăng 18% trong 3 tháng qua. Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu thêm 4% còn 16.300 đồng/CP, chủ yếu do mức điểu chỉnh giảm trung bình 4% trong dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2024 của chúng tôi cũng như giả định cho nhu cầu vốn lưu động cao hơn khi chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sản lượng bán khiêm tốn trong bối cảnh năng lực hợp nhất thị phần hạn chế của HT1.

Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 thêm 9% còn 622 tỷ đồng (giảm 16% so với năm ngoái) do sản lượng bán phục hồi chậm hơn dự kiến trong quý 3/2020, làm giảm bớt tác động tích cực của môi trường giá than thấp và sáng kiến đốt chất thải để phần nào thay thế than tại một số nhà máy sản xuất của HT1.

Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng chi phí lãi vay giảm sẽ hỗ trợ lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020- 2021 của HT1 khi công ty sẽ trả dần các khoản nợ bằng ngoại tệ trong năm 2021. Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 đạt 689 tỷ đồng (tăng trưởng 11%).

Yếu tố hỗ trợ: sản lượng bán cao hơn dự kiến và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Rủi ro: chi phí đầu vào cao hơn dự kiến (cụ thể, than và điện).

Nhận định chứng khoán ngày 29/10/2020: Tiếp tục giảm điểm

Chỉ số VN-Index giao dịch theo chiều hướng tiêu cực và đóng cửa phiên 28/10 giảm tới hơn 25 điểm, mức thấp nhất trong ngày ...

Tin tức chứng khoán mới nhất 17h hôm nay 28/10/2020

Thông tin giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu như GAB, VPB, TPB, VCI… được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam ...

Giao dịch khối ngoại ngày 28/10: Bán ròng hơn 470 tỷ đồng

Kết phiên giao dịch ngày 28/10, khối ngoại đã bán ròng 8,35 triệu đơn vị với tổng giá trị 471,34 tỷ đồng, gấp 4,3 lần ...

Trang Nhi (t/h)