Phiên giao dịch ngày 28/6/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 17:30 | 27/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 28/6/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVSC

Khuyến nghị tích cực cho cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 29.100 đồng/cp

Kết quả kinh doanh quý 1/2022 của Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HOSE - Mã: PVT) tăng trưởng tích cực, nhờ việc công ty đã đẩy mạnh mở rộng đội tàu trong năm 2021 và quý 1/2022, cùng với đó là nhu cầu vận chuyển hàng hóa/nhiên liệu… phục hồi mạnh mẽ trở lại. Cụ thể, doanh thu và LNST-CĐTS trong kỳ toàn Công ty đạt 2.021 tỷ đồng (+17,8% yoy) và 153 tỷ đồng (+11,8% yoy).

Phiên giao dịch ngày 28/6/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý
BVSC khuyến nghị tích cực cho cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 29.100 đồng/cp. Hình minh họa

Kỳ vọng KQKD 2022 tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu và LNST-CĐTS đạt 9.308 tỷ đồng (+24,8% yoy) và 856 tỷ (+29,7% yoy). BVSC kỳ vọng sản lượng và giá cước sẽ tăng trưởng mạnh nhờ vào: (1) nhu cầu vận chuyển phục hồi đối với hầu hết các mặt hàng dầu thô, dầu sản phẩm, hóa chất, LPG, …; (2) đóng góp doanh thu từ việc tiếp tục mở rộng đội tàu; (3) giá cước neo theo đà tăng của giá dầu và cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine khiến cung tàu ở một số phân khúc trở nên khan hiếm và quãng đường vận chuyển xa hơn; và (4) biên lợi nhuận cải thiện nhờ một số tàu thuê trần với giá rẻ và chi phí thuyền viên (liên quan đến dịch bệnh) giảm đáng kể khi trở lại trạng thái bình thường mới.

Ngoài ra, theo tài liệu họp ĐHCĐ năm 2022 được PVT công bố, dự kiến công ty sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.236 tỷ lên 3.560 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 10%. Giai đoạn từ 2023 – 2026, BVSC kỳ vọng công ty sẽ tiếp tục trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 1.000 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cho PVT của CTCP Vận tải Dầu khí với mức giá mục tiêu trong vòng 12 tháng là 29.100 đồng/cp, tương đương mức lợi suất 51,6%. Hiện tại, PVT đang được giao dịch với P/E forward 2022 là 7,15x; mức định giá hấp dẫn đối với vị thế một doanh nghiệp vận tải dầu khí đầu ngành.

Tiềm năng tăng giá: đóng góp đáng kể từ việc đẩy mạnh mở rộng đội tàu và nhu cầu vận chuyển phục hồi trở lại; giá cước cho thuê tàu phân khúc quốc tế ở các mảng dầu thô/dầu sản phẩm/hóa chất neo theo đà tăng của cước quốc tế.

Rủi ro: Diễn biến địa chính trị giữa Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nền kinh tế thế giới mở cửa trở lại khiến nhu cầu về dầu tăng cao và gây áp lực lên lạm phát khiến các NHTW trên thế giới bắt đầu tăng lãi suất.

Có nhiều rủi ro các nền kinh tế lớn sẽ hạ cánh cứng và rơi vào suy thoái, dẫn đến nhu cầu về dầu hạ nhiệt trở lại, ảnh hưởng đến nhu cầu vận tải. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng cao và việc phải chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu VLFSO nhằm đáp ứng chuẩn IMO 2020 có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, BVSC đánh giá trong năm nay, PVT sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu vận chuyển nhiên liệu. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đàm phán lại các hợp đồng cũ với mức giá cao hơn theo đà tăng của cước quốc tế nhờ vào việc giá dầu tiếp tục neo cao và cung tàu ở một số phân khúc đang khan hiếm.

Công ty chứng khoán FPT - FTS

Khuyến nghị tích cực với cổ phiếu OIL

Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (UPCoM - Mã: OIL) đặt kế sản lượng xăng dầu bán lẻ đạt 3,15 triệu m3, tăng 1% so với thực hiện năm 2021. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 45.000 và 320 tỷ đồng lần lượt giảm 23% và 48% so với cùng kỳ năm trước.

Chứng khoán FPT đánh giá kế hoạch kinh doanh của PV Oil đặt ra là thận trọng trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý I/2022 đã hoàn thành 51,8% kế hoạch doanh thu và 88,4% mục tiêu lợi nhuận sau thuế đặt ra.

FTS dự phóng doanh thu hợp nhất đạt 81.729 tỷ đồng, tăng 41,3% so với kết quả thực hiện năm 2021 và hoàn thành 181,6% kế hoạch doanh thu. Lợi nhuận sau thuế dự phóng đạt 913 tỷ đồng, tăng 22%, hoàn thành 305% kế hoạch lợi nhuận dựa trên các luận điểm:

(1) Sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng 4,58%, chủ yếu nhờ mức tăng từ mảng COCO. (2) Giá bán lẻ xăng dầu dự phóng tăng 35,3% (3) Biên lợi nhuận thấp hơn so với năm 2021 do giá dầu thô biến động mạnh và thiếu hụt nguồn cung từ sự cố nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Công ty chứng khoán Phú Hưng – PHS

Khuyến nghị mua cổ phiếu IMP

CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE – Mã: IMP) là một trong số 3 doanh nghiệp có giá trị trúng thầu cao nhất trong mảng kháng sinh ở nhóm 2 nhờ các nhà máy và dây chuyền kháng sinh mới đạt chuẩn EU-GMP đi vào hoạt động.

Nhà máy IMP4 là nhà máy được đầu tư lớn nhất với vốn đầu tư 470 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành xét duyệt trong năm 2022, sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho doanh thu thuốc ETC, mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào mảng đấu thầu thuốc Nhóm 1, đồng thời gia tăng tính cạnh tranh của IMP trước sự gia nhập ngày càng mạnh mẽ của thuốc ngoại vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, IMP cũng nâng cao lợi thế cạnh tranh so với đối thủ nhờ các sản phẩm có giá thầu rẻ.

Kiểm soát nguyên vật liệu nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt do dịch Covid-19. IMP chỉ nhập khoảng 25% giá trị nguyên liệu từ Trung Quốc. Ngoài ra, công ty có chính sách dự trữ nguyên liệu sản xuất và thời gian dữ trữ nguyên liệu hợp lý từ 3-6 tháng, do đó công ty có sức đề kháng cao trước biến động nguồn nguyên liệu, góp phần giảm thiểu rủi ro và ổn định biên lợi nhuận.

Do nhu cầu thuốc ETC chưa phục hồi như kỳ vọng trong 4 tháng đầu năm 2022, VCSC điều chỉnh giảm doanh thu của IMP năm 2022 còn 1.515 tỷ đồng (tăng 20% so với năm ngoái), trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ đồng (tăng 22%).

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, VCSC điều chỉnh giảm mức giá hợp lý cho cổ phiếu IMP còn 70.200 đồng/cổ phiếu (tăng 13,4% so với giá hiện tại). Từ đó, đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này nhờ (1) kỳ vọng sự phục hồi kênh ETC trong nửa cuối năm 2022; (2) IMP sẽ hoàn thành xét duyệt nhà máy IMP4 vào cuối quý III/2022.

Công ty chứng khoán Bản Việt – VCSC

DPM tập trung vào chiến lược phát triển dài hạn

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (HOSE - Mã: DPM) đã thông qua kế hoạch điều chỉnh năm 2022 với doanh thu 17,2 nghìn tỷ đồng (+34,8% YoY) và LNST đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (+9,5% YoY). Kế hoạch điều chỉnh này cao hơn đáng kể so với kế hoạch sơ bộ năm 2022 được công bố vào tháng 12/2021 - đặc biệt là với kế hoạch LNST tăng gấp 4 lần con số trước đó. Ngoài ra, mục tiêu LNST năm 2022 điều chỉnh tương đương với khoảng 90% dự báo hiện tại của VCSC. VCSC tin rằng, các kế hoạch cao hơn trong năm 2022 dựa trên các giả định về giá urê được cập nhật mới hơn; Tuy nhiên, theo quan điểm của VCSC, những kế hoạch này vẫn còn khá thận trọng.

Giá urê bình quân 6 tháng đầu năm 2022 và chi phí khí đốt cao hơn dự kiến; sản lượng tiêu thụ urê thấp hơn dự báo của VCSC. Giá urê và NPK trung bình trong 6 tháng đầu năm 2022 là khoảng 16.600 đồng/kg (720 USD/tấn) và 15.300 đồng/kg (664 USD/tấn), tăng lần lượt 114% YoY và 74% YoY. Giá khí đầu vào bình quân trong 6 tháng đầu năm 2022 là 10 USD/MMBTU (+54,2% YoY). Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ urê và NPK trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 400.000 tấn (+7,5% YoY) - trong đó 1/3 là từ sản lượng xuất khẩu - và 85.000 tấn (-4,4% YoY), hoàn thành lần lượt 48% và 49% dự báo tương ứng của VCSC trong năm 2022. Sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2022 giảm nhẹ so với kỳ vọng của VCSC do giá cao làm ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước. Nhìn chung, VCSC cho rằng dự báo LNST 2022 sẽ thay đổi không đáng kể cho dự báo LNST năm 2022 là 3,8 nghìn tỷ đồng (+21,4% YoY) do VCSC kỳ vọng giá urê cao hơn dự kiến sẽ bù đắp chi phí đầu vào cao hơn và sản lượng thấp hơn dự kiến.

Cổ đông đã không thông qua việc tính toán lại biểu giá vận chuyển khí đầu vào cho giai đoạn 2014-2018. DPM trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT tính toán lại và thanh toán giá cước vận chuyển khí đầu vào giai đoạn 2014-2018. Trong hợp đồng khí đầu vào giữa PVN, GAS và DPM, các bên đều đồng ý rằng DPM có thể sử dụng khí đầu vào từ mỏ khí Bạch Hổ - Rồng - Đồi Mồi với giá vận chuyển khí thấp (từ 0,9 USD đến 1 USD/MMBTU trong giai 2014- 2018). Tuy nhiên, GAS đã có văn bản gửi PVN cho biết lượng khí từ mỏ Bạch Hổ - Rồng - Đồi Mồi không đủ cho nhu cầu của DPM trong giai đoạn 2014-2018 và GAS phải thu gom khí từ các mỏ khí đắt hơn (với biểu giá 3 USD/MMBTU) để cung cấp cho DPM. Chủ sở hữu các mỏ khí này - Vietsovpetro - cũng khẳng định lượng khí từ Bạch Hổ - Rồng - Đồi Mồi không đủ cung cấp cho DPM. GAS ước tính chi phí vận chuyển khí bổ sung là 18,09 triệu USD (chênh lệch giữa biểu giá tạm thời là khoảng 1 USD/MMBTU và biểu giá thực tế là 3 USD/MMBTU nhân với sản lượng từ mỏ khí đắt hơn) và yêu cầu DPM thanh toán. Do các cổ đông không thông qua đề xuất này, DPM sẽ không thanh toán thêm chi phí vận chuyển khí trị giá 18,09 triệu USD (420 tỷ đồng) cho GAS. Tuy nhiên, diễn biến này có thể tạo ra thách thức đối với tiến độ đàm phán cung cấp khí đầu vào dài hạn giữa 2 công ty này.

Không có thông tin mới về cơ chế biểu giá cung cấp/vận chuyển khí đầu vào vào năm 2023. Mặc dù có nhiều câu hỏi liên quan đến biểu giá vận chuyển và cung cấp khí dài hạn, DPM vẫn chưa đưa ra triển vọng rõ ràng về nguồn cung khí đầu vào cho năm 2023 và các năm sai. DPM chia sẻ rằng nguồn khí đầu vào và cơ chế biểu giá vận chuyển hiện nay vẫn tương tự như trước đây - từ 3 mỏ khí (mỏ giá rẻ Bạch Hổ - Rồng - Đồi Mồi, các mỏ khí khác đắt hơn từ bể Cửu Long và các mỏ khí ở bể Nam Côn Sơn). Trong dự báo của VCSC, VCSC giả định giá vận tải của DPM sẽ tăng 16% YoY vào năm 2023 và 10% YoY vào năm 2024 khi VCSC cho rằng, DPM sẽ phải sử dụng nhiều khí hơn từ các mỏ khí đắt tiền ở bể Cửu Long.

Chiến lược phát triển dài hạn chuyển sang lĩnh vực hóa chất và hóa dầu. Cổ đông đã thông qua chiến lược phát triển đến năm 2035 và định hướng đến năm 2045. Đáng chú ý, DPM đã thuê đơn vị tư vấn để vạch ra kế hoạch dài hạn. Trong giai đoạn 2022-2025, DPM đặt mục tiêu duy trì 35% thị phần trên thị trường urê, từng bước nâng công suất nhà máy NPK lên 100% và mở rộng công suất sản xuất NPK thông qua hình thức liên doanh và/hoặc M&A. Ngoài ra, công ty đặt mục tiêu nghiên cứu phát triển các sản phẩm phân bón hữu cơ, thân thiện với môi trường. Trong giai đoạn 2026-2030, DPM đặt mục tiêu tăng thị phần trong phân khúc NPK và tham gia vào phân khúc phân hữu cơ.

Công ty cũng đặt mục tiêu tham gia vào mảng hóa dầu bằng cách phát triển một tổ hợp hóa dầu tích hợp. Trong giai đoạn 2031-2035, ngoài việc gia tăng thị phần trong phân khúc NPK và phân bón hữu cơ, DPM đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất hóa dầu và hóa chất có uy tín. Về định hướng của công ty đến năm 2045, DPM đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất phân bón, hóa chất và hóa dầu hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á. Công ty ước tính tổng vốn đầu tư là 12,6 nghìn tỷ đồng cho các dự án hóa chất và hóa dầu trong năm 2023-2030 (xem bảng dưới đây). Trong suốt kế hoạch dài hạn này, tổ chức tư vấn đã khuyến nghị DPM tận dụng mạng lưới phân phối của công ty (4 công ty con phân phối) và tăng cường sự hiện diện, ảnh hưởng và tương tác với các đại lý và nông dân để nâng cao hiệu quả cũng như lợi nhuận.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Cổ phiếu bất động sản "chiết khấu" quá đà

Cổ phiếu bất động sản liên tục lao dốc, là một trong những tác nhân chính kéo thị trường rơi xuống mức thấp nhất trong ...

Chứng khoán phiên chiều 27/6: GAS lại dẫn dắt thị trường, VN-Index kết phiên viên mãn

Phiên chiều 27/6, trụ VHM nhường chỗ cho GAS vươn lên dẫn dắt thị trường, cùng với đó là cú bứt tốc ngoạn mục của ...

Chứng khoán Trí Việt (TVB) “thay máu” hàng loạt lãnh đạo sau ĐHĐCĐ

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra ngày 25/06, CTCP Chứng khoán Trí Việt (HOSE: TVB) đã thông qua miễn nhiệm và bầu bổ sung ...

Thiện Nhân

Tin liên quan