Phiên giao dịch ngày 16/8/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 17:30 | 15/08/2022 Theo dõi KTCK trên

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 16/8/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Khuyến nghị mua cổ phiếu DXG với giá mục tiêu một năm 38.300 đồng/cp

So với báo cáo khuyến nghị Mua gần nhất ngày 23/02/2021, giá cổ phiếu DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE - Mã: DXG) đã ghi nhận mức điều chỉnh mạnh tương đồng với thị trường sau khi đạt mục tiêu trước đó của BSC.

BSC đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 38.300 đồng/cp (+36,7% so với mức giá đóng cửa ngày 12/08/2022) và duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu DXG dựa trên việc thay đổi một số giả định sau: (1) Áp mức chiết khấu 20% do các yếu tố rủi ro từ ngành và thị trường lên RNAV cũng như (2) tăng chí phí vốn WACC lên mức 13% từ mức 11,5% do lãi suất tăng lên và (3) điều chỉnh giá bán một số dự án theo giá thị trường (Gem Riverside, Gem Premium).

Phiên giao dịch ngày 16/8/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý
BSC khuyến nghị mua cổ phiếu DXG với giá mục tiêu 38.300 đồng/cp. Hình minh họa

BSC điều chỉnh giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của DXG lần lượt ước đạt 10.691 tỷ đồng (+6% YoY, -11% so với dự báo gần nhất) và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.274 tỷ đồng (+10% YoY, -13% so với dự báo gần nhất). EPS FW 2021 = 2.115 đồng. PE FW 2022 = 13,8 lần, PB FW 2022 = 1,7 lần. Nguyên nhân điều chỉnh chủ yếu do ảnh hưởng mảng môi giới trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng từ Q2/2022.

Rủi ro: Kế hoạch mở bán các dự án bị chậm lại do vấn đề pháp lý và dịch Covid-19; Rủi ro chung ngành bất động sản (lãi suất cho vay, tính chu kỳ ngành).

Về kết quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của DXG 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận lần lượt mức 3.342 tỷ đồng (-49% YoY) và 402 tỷ đồng (-51% YoY), lần lượt hoàn thành 30% và 29% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra. Tổng giá trị mở bán năm nửa đầu năm 2022 ước đạt ghi nhận khoảng 100 triệu USD, hoàn thành 25% kế hoạch đặt ra. Khả năng hoàn thành kế hoạch sẽ phụ thuộc vào việc mở bán dự án Gem Riverside.

Công ty chứng khoán Bản Việt – VCSC

Khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 39.200 đồng/cp

VCSC giảm giá mục tiêu cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE - Mã: HPG) thêm 17% còn 39.200 đồng/cp vì VCSC giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 thêm 10% do áp lực từ giá than cao hơn đối với biên lợi nhuận, số dư tiền mặt giảm vào cuối quý 2/2022 và WACC cao hơn do VCSC giả định lãi suất phi rủi ro tăng 50 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, VCSC duy trì khuyến nghị MUA cho HPG. HPG vẫn là lựa chọn hàng đầu của VCSC trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam nhờ vị thế dẫn đầu thị trường, quy mô vững chắc, hiệu quả hoạt động đã được chứng minh, cũng như liên tục mở rộng công suất và đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc xây dựng Khu phúc hợp gang thép Dung Quất 1 (DQSC 1) và đầu tư vào DQSC 2. VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2022-2026 đạt 15%.

HPG báo cáo LNST sau lợi ích CĐTS quý 2/2022 đạt 4,0 nghìn tỷ đồng (-59% YoY và -51% QoQ). Dù sản lượng bán tăng, lợi nhuận quý 2/2022 bị ảnh hưởng bởi chênh lệch giá đầu vào - đầu ra hẹp hơn do 1) giá bán trung bình (ASP) của các sản phẩm thép giảm trong suốt quý 2/2022 và 2) giá than đầu vào vẫn ở mức cao.

Khuyến nghị mua cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 63.300 đồng/cp

VCSC duy trì khuyến nghị MUA cho CTCP Gemadept (HOSE - Mã: GMD) và điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 1,0% lên 63.300 đồng/CP.

Giá mục tiêu cao hơn của VCSC là do (1) dự báo tích cực hơn của VCSC cho mảng logistics và (2) định giá P/B mục tiêu cao hơn cho mảng cao su tự nhiên là 1,2 lần so với mức 1,0 lần trước đây, bị ảnh hưởng một phần bởi (3) giả định lãi suất phi rủi ro cao hơn 0,5 điểm % và (4) dự báo Gemalink Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận từ năm 2024 so với dự báo trước đây là năm 2023.

VCSC tiếp tục đưa vào dự báo và định giá của VCSC tác động pha loãng từ đợt phát hành quyền sắp tới khoảng 100,5 triệu cổ phiếu với giá phát hành là 20.000 đồng/CP, đã được thông qua tại ĐHCĐ của GMD vào tháng 4/2022.

Công ty chứng khoán ACB – ACBS

Cắt lỗ khi cổ phiếu MSN đóng cửa dưới vùng 100.000 đồng/cp

Xu hướng tăng dài hạn của CTCP Tập đoàn Masan (HOSE - Mã: MSN) vẫn được giữ vững từ tháng 03/2020 đến nay. Hiện tại, MSN đang diễn biến trong nhịp điều chỉnh trung hạn với dao động đã bắt đầu hẹp dần, các diễn biến bán mạnh đã bị hạn chế đáng kể khi thanh khoản trong nhịp giảm cũng suy kiệt đáng kể trong hơn 1 tháng vừa qua.

Trong 5 phiên giao dịch gần đây, MSN liên tục tăng điểm với các phiên tăng trong biên độ hẹp từ ngưỡng hỗ trợ 100.000 – 105.000 đồng/cp. Đây là vùng tập hợp yếu tố kỹ thuật là hỗ trợ mạnh về giá và cũng là ngưỡng Fibonacci thoái lui 38,2% của nhịp tăng dài hạn từ tháng 03/2020. Do đó, tạo nền tảng hấp thụ lực bán, mở ra cơ hội bứt phát khỏi cấu trúc điều chỉnh đang diễn biến hiện tại.

Mặc dù các chỉ báo kỹ thuật chưa có dấu hiệu bứt phá rõ ràng cho xu hướng ngắn hạn sắp tới của MSN, MSN đang nằm trong vùng giá tích lũy lý tưởng cho các nhà đầu tư trung và dài hạn tại 103.000 – 108.000 đồng. Mục tiêu giá tiếp theo của MSN sẽ vào khoảng 115.000 -120.000 đồng/cp cho ngắn hạn và 129.000 đồng/cp cho trung hạn, cắt lỗ khi MSN giảm mạnh và đóng cửa dưới vùng 100.000 đồng/cp. Vì thế, tỷ suất lợi nhuận hợp lý là điểm nhấn cho các nhà đầu tư đang quan tâm này trong thời điểm hiện tại.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 81.000 đồng/cp

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE - Mã: VNM) công bố doanh thu thuần Q2/2022 đạt 14.930 tỷ đồng (-5% n/n) và LNST đạt 2.102 tỷ đồng (-26,6% n/n). Doanh thu nội địa giảm 5,9% n/n, dù có tăng giá bán, được giải thích là do:

Lạm phát ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Mặc dù lý do này không hoàn toàn thuyết phục ACBS sau khi xem xét số liệu lạm phát của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022, nhưng trong chừng mực nào đó, lý do này có thể hiểu được nếu việc giá xăng dầu và dịch vụ vận tải tăng cao có thể khiến người tiêu dùng phải cân đối lại các khoản chi, cắt giảm chi tiêu cho một số sản phẩm khác. Dù vậy, những tác động này dường như lại thể hiện mức độ ảnh hưởng nhiều hơn ở khu vực thành thị trong giai đoạn này vì báo cáo của Kantar Worldpanel cho thấy tiêu thụ sữa giảm 1% (bao gồm giảm 4% về sản lượng) ở khu vực thành thị 4 thành phố lớn nhưng lại tăng trưởng khá ở khu vực nông thôn với mức tăng 13,1% (bao gồm tăng 8% về sản lượng) trong Q2/2022.

Thị phần sụt giảm, đặc biệt là các sản phẩm sữa nước ngoại trừ sữa tươi. Mặc dù không công bố thông tin chi tiết về thị phần, công ty cho biết sự sụt giảm này là do sắp xếp lại hệ thống phân phối và xu hướng người tiêu dùng chuyển từ các sản phẩm sữa uống khác sang sữa tươi. Ngoài ra, ACBS cho rằng cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn là một áp lực lớn đối với công ty khi ngày càng có nhiều thương hiệu nước ngoài tham gia vào thị trường trong khi các công ty trong nước cũng tìm cách củng cố vị thế của mình.

Sản lượng tiêu thụ giảm do giá bán tăng, khiến VNM phải tăng khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng để kích cầu sau khi giá thay đổi.

Doanh thu từ nước ngoài hầu như không thay đổi. Trong khi doanh thu từ các công ty con ở nước ngoài tăng 21,7% n/n, doanh thu xuất khẩu trực tiếp giảm 11,9% n/n, do tiêu thụ yếu hơn trong bối cảnh chi phí vận tải leo thang và lạm phát.

Lũy kế 6T2022, doanh thu thuần của VNM giảm 0,3% n/n (bao gồm giá bán tăng 5-5,5%) đạt 28.808 tỷ đồng và LNST giảm 19,7% n/n đạt 4.386 tỷ đồng. CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Upcom: MCM) ghi nhận 1.514 tỷ đồng doanh thu, tăng 7,3% n/n.

LNST 6T2022 giảm 19,7% n/n chủ yếu do biên lợi nhuận gộp thu hẹp hơn và tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên doanh thu thuần cao hơn. Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên doanh thu thuần trong 6T2022 là 23,3% so với 22,6% trong 6T2021, trong đó, tỷ lệ này là 24,7% trong Q2 (Q2/2021: 22,8%), được giải thích do chi phí vận chuyển tăng do giá nhiên liệu tăng và các chi phí khuyến mại, hỗ trợ bán hàng để thúc đẩy nhu cầu sau khi giá bán tăng. Biên lợi nhuận gộp đạt 40,6% so với 43,6% trong 6T2021 do giá nguyên liệu sữa tăng mạnh. Tuy nhiên, giá một số nguyên liệu sữa đầu vào chủ yếu hiện đã có dấu hiệu đạt đỉnh và VNM đang đàm phán để chốt giá nguyên vật liệu cho Q4/2022, ACBS kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của VNM sẽ cải thiện nhiều hơn từ Q4 trở đi. Tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023 theo đó được kỳ vọng sẽ tích cực.

Tóm lại, dựa trên kết quả kinh doanh của công ty trong 6T2022, ACBS điều chỉnh giảm dự phóng doanh thu thuần của công ty trong năm 2022 xuống 61.273 tỷ đồng (+ 0,6% n/n), thấp hơn 5% so với dự phóng trước đó. LNST được dự phóng giảm 14,3% n/n trong năm nay, đạt 9.116 tỷ đồng, thấp hơn 7% so với dự phóng trước đó, nhưng có thể tăng trưởng khoảng 16% trong năm tới. Kết hợp phương pháp DCF và PER, giá mục tiêu của ACBS cho cổ phiếu là 81.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng mức sinh lời 18,2% vào cuối năm.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Chứng khoán phiên chiều 15/8: Ngân hàng đậm dấu ấn, VN-Index "suôn sẻ" phiên đầu tuần

Nhóm cổ phiếu ngân hàng để lại dấu ấn đậm nét nhất trên bảng điện hôm nay. Ngoài những cái tên đã nêu ở rổ ...

TTC Sugar (SBT) dự kiến phát hành 44 triệu cổ phiếu trả cổ tức

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SBT ghi nhận thanh khoản có sự cải thiện liên tục thời gian gần đây. Chốt phiên 15/8, ...

"Nội soi" Top 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất

Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm qua tăng mạnh đã gây áp lực tăng vốn lên các công ty chứng ...

Đức Anh

Tin liên quan