Phiên giao dịch ngày 11/1/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Cập nhật: 18:18 | 10/01/2021 Theo dõi KTCK trên

Báo Đầu tư Chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 11/1/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán BIDV - BSC

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu PTB nằm tại mức 69.5

Cổ phiếu PTB của Công ty cổ phần Phú Tài đang ở trong trạng thái tiếp tục tăng giá sau khi đã có giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối tháng 12. Thanh khoản cổ phiếu vẫn đang duy trì giá trị tốt và ổn định.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo động lượng RSI đang ở trên ngưỡng trung lập nên cổ phiếu có thể duy trì được đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của PTB nằm tại khu vực xung quanh 60. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 69.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 58 bị xuyên thủng.

1723-co-phieu
Hình minh họa

Công ty chứng khoán Bản Việt - VCSC

Khuyến nghị mua cho BWE với giá mục tiêu 31.600 đồng/CP

CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (BWE) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2020 với tăng trưởng sản lượng nước thương phẩm đạt 7% so với năm trước (165 triệu m3), doanh thu đạt 3,1 nghìn tỷ đồng (tăng 24% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 526 tỷ đồng (tăng 11% so với năm trước). Kết quả kinh doanh này phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, lần lượt tương ứng 104% và 101% dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm của chúng tôi.

Ngoài ra, BWE công bố kế hoạch cho năm 2021 với doanh thu đạt 3,6 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 530 tỷ đồng (tăng 1% so với năm trước), dựa trên giả định tăng trưởng sản lượng nước thương phẩm đạt 6% (176 triệu m3).

Chúng tôi cho rằng kế hoạch này là thận trọng khi chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sản lượng nước thương phẩm năm 2021 sẽ cao hơn mức cơ sở thấp năm 2020 (7% so với năm trước), trong bối cảnh hoạt động sản xuất của các công ty tại tỉnh Bình Dương dần quay về mức bình thường sau dịch COVID-19.

Hiện tại, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 sẽ lần lượt đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 9%) và 606 tỷ đồng (tăng 16% so với năm trước) với giả định tăng trưởng sản lượng nước thương phẩm đạt 14%.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho BWE với giá mục tiêu 31.600 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 0%, bao gồm lợi suất cổ tức 4%.

Công ty chứng khoán MB - MBS

Khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 46.000 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát với giá mục tiêu 46.000 đồng trên cơ sở (i) HPG là công ty dẫn đầu thị trường thép tại Việt Nam, với sức khỏe tài chính và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với giá thành sản xuất thấp hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong ngành,

(ii) HPG sẽ có mức tăng trưởng ổn định trong 2-3 năm tới từ dự án Dung Quất, và những năm sau sẽ có hiệu quả và biên lợi nhuận ngày càng cao do giảm dần sức ép từ chi phí vay và khấu hao,

(iii) Tiềm năng tăng trưởng dài hạn từ kinh tế vĩ mô thuận lợi: tăng trưởng GDP cao, lãi suất duy trì thấp và ổn định, đầu tư công tăng trưởng trong những năm tới và tỷ lệ sử dụng thép trên đầu người của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp

Sản lượng thép cả năm 2020 tăng 22,5% so với năm trước. Chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ trên thực tế đã tác động tích cực nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nói chung và đến hoạt động kinh doanh của HPG nói riêng.

Thép xây dựng Hòa Phát được lựa chọn sử dụng trong rất nhiều công trình hạ tầng lớn như: tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội, Vành đai 3 trên cao (đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long), Cao tốc Bắc Nam (đoạn qua Quảng Trị - Huế), cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Cầu Cửa Hội (Nghệ An), cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cải tạo Sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất…

Tính riêng trong tháng 12, HPG tiêu thụ được 319.000 tấn thép xây dựng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng xuất khẩu tăng 48% lên 59.000 tấn. Thị phần của HPG giữ vững vị trí dần đầu toàn ngành với 33%, tăng 6,8% so với năm 2019.

Lũy kế 12 tháng đầu năm 2020, sản lượng thép xây dựng tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước lên 3,4 triệu tấn. Xét theo vùng miền, miền Nam chứng kiến tăng trưởng vượt bậc về sản lượng thép tiêu thụ với mức tăng 70% so với cùng kỳ, đạt tương ứng 784.000 tấn. Tại khu vực miền Trung, sản lượng bán hàng chỉ ghi nhận tăng nhẹ do tác động của dịch bệnh và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Trong khi đó, miền Bắc đóng góp tỷ trọng lớn nhất với 48% tổng số thép thành phẩm bán ra của thép xây dựng.

Ngoài thép thành phẩm, HPG đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 1,7 triệu tấn phôi thép, trong đó sản lượng phôi xuất sang Trung Quốc cao gấp 12 lần so với năm 2019 do do nhu cầu phôi thép tại đây tăng cao trong bối cảnh (i) nhu cầu thép tăng mạnh khi quốc gia này đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, và (ii) cung phôi thép nội địa giảm do các biện pháp bảo vệ môi trường được chú trọng tại các nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tiêu thụ thép cán nóng HRC của Hòa Phát cũng đạt ~700.000 tấn. DN cho biết lượng đơn đặt hàng với HPG đã vượt 300% năng lực sản xuất của Tập đoàn. DN đặt mục tiêu 2,7 triệu tấn HRC trong năm 2021 nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ống thép, tôn mạ và ngành cơ khí chế tạo khác.

Lợi nhuận sau thuế 2021 ước đạt 11.910 tỷ đồng. Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế 2020 sẽ đạt khoảng 10.500 tỷ đồng, tăng 40% và tăng tiếp 14% trong năm 2021 lên 11.910 tỷ đồng trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ thép tăng 9% lên 3,6 triệu tấn khi hoạt động đầu tư công trong nước được Chính phủ đẩy mạnh, kéo theo nhu cầu về thép và vật liệu xây dựng liên quan gia tăng. Sản lượng ống thép ước tăng 5% trong năm 2021.

Tuy nhiên chúng tôi cũng lưu ý biên lợi nhuận của công ty trong những năm đầu Dung Quất đi vào hoạt động giảm sút do: (1) áp lực lên giá bán do cạnh tranh về thị phần; (2) cạnh tranh tăng lên tại thị trường trong nước, đặc biệt khi HPG đầu tư vào 2 mảng mới là thị trường Miền Nam và thị trường tôn mạ; (3) rủi ro tính chu kỳ và sức ép từ thép thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Biên lợi nhuận gộp 2021 ước đạt 18,5%, thấp hơn mức 20,3% trong cả năm 2020.

Nhận định chứng khoán ngày 11/1/2021: Có cơ hội vượt đỉnh 1.200 điểm

Dòng tiền vẫn ưu tiên chọn kênh đầu tư chứng khoán với kỳ vọng lợi nhuận cao và chấp nhận mức rủi ro ở vùng ...

Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần từ 4 - 8/1/2021: Tháo chạy khỏi TDH

Kết tuần giao dịch từ ngày 4 - 8/1/2021, cùng với diễn biến tích cực của các chị số, nhiều mã ngành cũng đều tạo ...

Nhận định chứng khoán tuần từ 11-15/1/2020: Trạng thái quá mua đang lan tỏa trên diện rộng

Chỉ số VN-Index đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.180 - 1.200 điểm. Rủi ro rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ ...

Trang Nhi (t/h)