Địa phương

Phát hiện “kho vàng” hiếm có ở miền Bắc: 2 tỉnh này đang giữ trữ lượng cực lớn, vẫn còn “ngủ yên” dưới lòng đất

Thu Sa 04/04/2025 17:20

Đây là 2 địa phương đang “nắm giữ” nguồn tài nguyên vàng lớn nhất khu vực miền Bắc, theo kết quả mới nhất từ Đề án Tây Bắc do Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố.

mỏ vàng
2 tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang sở hữu ‘kho vàng’ lớn nhất miền Bắc

Sau gần 8 năm thực hiện, Đề án "Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỉ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc" (gọi tắt là Đề án Tây Bắc) vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố đã mang lại nhiều kết quả đáng chú ý.

Đề án đã hoàn thiện bản đồ địa chất – khoáng sản trên diện tích hơn 13.000km2, qua đó phát hiện 110 mỏ khoáng sản với 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc – wolfram, đồng, antimon, đá vôi, đá mỹ nghệ… và đặc biệt là vàng.

Trong đó, nổi bật nhất là việc phát hiện 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 ước tính gần 30 tấn vàng, tập trung nhiều nhất tại hai tỉnh miền núi phía Bắc là Tuyên Quang và Bắc Kạn. Mỗi địa phương phát hiện 8 mỏ vàng, vượt trội so với các tỉnh khác trong vùng như Lai Châu, Lạng Sơn hay Điện Biên. Đưa hai tỉnh này trở thành “trung tâm vàng” của khu vực.

Tại Bắc Kạn, các mỏ vàng chủ yếu phân bố ở khu vực xã Thượng Quan và Đức Vân (huyện Ngân Sơn), đặc biệt là hai dải quặng vàng Nà Pò và Khuổi Po. Những mạch khoáng hóa được phát hiện ở độ sâu lên tới 140m.

Trong khi đó, Tuyên Quang sở hữu các thân quặng vàng sâu hơn, có nơi tới 500m, nằm dọc theo các hệ thống khe nứt địa chất. Đây là tiềm năng lớn chưa được khai thác hết, hiện nay hoạt động khai thác vàng ở địa phương vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, nằm trong các mỏ hỗn hợp chì - kẽm hoặc antimon.

bắc kạn
Một góc tỉnh bắc kạn

Từ kết quả Đề án Tây Bắc, có thể thấy rõ tiềm năng khoáng sản vàng tại hai tỉnh miền núi này là rất lớn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên cho hay Tây Bắc là khu vực có vị trí chiến lược về địa chính trị, kinh tế và môi trường, đồng thời cũng là nơi có tiềm năng khoáng sản phong phú.

Tuy nhiên việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa thực sự hiệu quả, bền vững, đang đặt ra những thách thức trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản nơi đây.

Do vậy để phát huy tối đa kết quả điều tra, cũng như phát huy tiềm năng to lớn của tài nguyên khoáng sản, ông Kiên đề nghị các địa phương cần sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản đã được bàn giao để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo khai thác khoáng sản bền vững.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát hiện “kho vàng” hiếm có ở miền Bắc: 2 tỉnh này đang giữ trữ lượng cực lớn, vẫn còn “ngủ yên” dưới lòng đất
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO