PGS.TS Phạm Thế Anh: Tăng lãi suất bất ngờ khiến doanh nghiệp không thể lên kế hoạch kinh doanh dài hạn

Cập nhật: 17:15 | 24/11/2022 Theo dõi KTCK trên

PGS.TS Phạm Thế Anh đưa ra khuyên nghị, chính sách tiền tệ cần phải thực hiện theo những quy tắc nhất định, tăng hay giảm lãi suất đều phải có lý do. Khi đó, thị trường, doanh nghiệp và người dân sẽ dự báo được.

Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác phòng, chống rửa tiền

Nới thêm “room” tín dụng, liệu điểm nghẽn dòng tiền có được gỡ bỏ?

Ngày 24/11/2022, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cùng Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) tổ chức Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2022 chủ đề “Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu COVID”.

Tại diễn đàn, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã đưa ra những nhận về chính sách tiền tệ đến kinh tế Việt Nam.

 PGS.TS Phạm Thế Anh. (Ảnh: VESS)
PGS.TS Phạm Thế Anh tại Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2022. (Ảnh: VESS)

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, chính sách tiền tệ của Việt Nam trong một thập kỷ qua theo đuổi nhiều mục tiêu, ngoài kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá còn hỗ trợ tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng cung tiền giảm trong 20 năm qua, nếu so với 10 năm trước thì tốc độ tăng khá mạnh, gần 30%, tuy nhiên trong 10 năm gần đây đã giảm xuống.

Khi nào Việt Nam duy trì tăng trưởng cung tiền cao, thì tỷ lệ lạm phát cũng cao theo. Ông Thế Anh cho hay điều này hàm ý nếu Việt Nam muốn duy trì lạm phát ổn định thì phải kiểm soát được tốc độ tăng trưởng cung tiền.

Về tỷ giá hối đoái, trong thập kỷ trước liên tục bất ổn, có đợt phá giá mạnh đồng nội tệ nhưng 10 năm gần đây không còn hiên tượng đó, nhờ vậy các chính sách tiền tệ của NHNN có tín nhiệm cao hơn giai đọan trước.

Đặc điểm tiếp theo của hệ thống tiền tệ, theo ông, đó là khả năng tuân thủ các chỉ tiêu an toàn (Basel II) của hệ thống còn thấp và cơ cấu vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cao và khó giảm.

Ngoài ra, hiệu quả sử dụng tín dụng ngày càng thấp thể hiện qua dư nợ tín dụng/ GDP tăng nhanh. Ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tín dụng, để tăng trưởng kinh tế thì tăng trưởng tín dụng cũng phải cao.

Về chính sách tài khóa, PGS.TS Phạm Thế Anh khuyến nghị cần đặt mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính bền vững của nợ công gồm hai chỉ tiêu là ổn định quy mô nợ công theo thu NSNN và kiểm soát nghĩa vụ nợ trên thu ngân sách.

Ngoài ra cần cải thiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tiêu dùng tăng chi đầu tư phát triển. Đồng thời thu NSNN cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí – lệ phí mới. Ông Thế Anh cho rằng, chính sách tài khóa nên định hướng theo hướng nghịch chu kỳ.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, chính sách tiền tệ cần phải ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát thông qua kiểm soát tăng trưởng cung tiền. “Cần phải kiểm soát được tỷ lệ cung tiền/ GDP, không được để vọt lên cao quá như thời kỳ trước”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ phải tuân thủ theo quy tắc minh bạch, có giải trình rõ ràng. Ông đánh giá đây là nhược điểm lớn của chính sách tiền tệ ở Việt Nam

Ông Thế Anh cho rằng, một chính sách khó dự đoán, bất ngờ, sẽ gây bất ngờ cho nền kinh tế và tạo ra cú sốc tiêu cực. Chính sách tiền tệ cần phải thực hiện theo những quy tắc nhất định, tăng hay giảm lãi suất đều phải có lý do. Khi đó, thị trường, doanh nghiệp và người dân sẽ dự báo được.

“Cả một thời gian dài không tăng lãi suất, đến tháng 9 và tháng 10 tăng hai lần gây ra cú sốc bất ngờ cho nền kinh tế, làm cho môi trường kinh tế vĩ mô rủi ro. Người dân và doanh nghiệp không thể lên kế hoạch kinh doanh dài hạn”, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết.

Cũng tại diễn đàn, ông Thế Anh cũng đưa ra một số khuyến nghị khác gồm: Tăng cường các chính sách kinh tế vĩ mô, giám sát sự an toàn của hệ thống, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ cho vay vốn ngắn hạn, giám sát tỷ lệ nợ xấu,… Ông cũng khuyến nghị Việt Nam nên theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý thay vì chính sách neo tỷ giá như hiện nay.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Thu Thủy