PG Bank báo lợi nhuận quý III giảm tới 60%, tổng tài sản bị thu hẹp, nợ xấu gia tăng
Ngân hàng PG bank vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi tất cả các mảng kinh doanh đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
![]() | PGBank chính thức công bố 3 tổ chức nắm giữ 40% vốn điều lệ của ngân hàng |
![]() | Vừa ngồi "ghế nóng" 3 tháng, Chủ tịch HĐQT PG Bank Nguyễn Phi Hùng bất ngờ xin từ nhiệm |
![]() | Lộ diện 5 thành viên Hội đồng quản trị mới của Ngân hàng PGBank |
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Theo đó, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần trong quý III/2023 chỉ đạt 278 tỷ đồng, giảm 16% so cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ cũng giảm 42%, đạt 14,9 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 61% còn 1,6 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác giảm 76% về mức hơn 7,1 tỷ đồng. Trong khi thu nhập giảm thì chi phí hoạt động của ngân hàng tiếp tục tăng 8,7% lên 188 tỷ đồng. Vì vậy, dù dự phòng rủi ro giảm 26% so với cùng kỳ còn 57,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế quý III của ngân hàng vẫn giảm tới 60% so với cùng kỳ, còn 56,6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngoại trừ nguồn thu chính tăng 10% so với cùng kỳ, đạt hơn 959 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tất cả các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm. Ngân hàng PG Bank dành ra 144 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 34%, do đó ngân hàng này chỉ thu được 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 7% so với cùng kỳ.

Năm 2023, nhà băng đặt mục tiêu lãi trước thuế 530 tỷ đồng. Với kết quả trên, ngân hàng này đã thực hiện được 68% mục tiêu lợi nhuận của năm sau 9 tháng.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của ngân hàng này còn 47.832 tỷ đồng, thu hẹp 2% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm 35% còn 215 tỷ đồng, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 50% còn 425 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 5%, đạt 30.485 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác giảm 21% còn 7.245 tỷ đồng và tiền gửi của khách hàng tăng 9%, đạt 34.098 tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9 là 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.
Đặc biệt, nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 184%, từ 62 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 176 tỷ đồng. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% lên 2,61%.
Thông tin liên quan, hồi tháng 9, PG Bank đã công bố các báo cáo về 3 cổ đông lớn của ngân hàng là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, Công ty CP Quốc tế Cường Phát và Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức. Cả 3 doanh nghiệp nói trên là các nhà đầu tư tổ chức mua khoảng 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ ngân hàng tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Số tiền mà cả 3 công ty này bỏ ra là gần 2.568 tỷ đồng.
Dự kiến, PG Bank sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2023 vào ngày 23/10 tới đây. Tại đại hội, PG Bank sẽ trình cổ đông thông qua việc thay đổi thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngoài ra, HĐQT PGBank đề cập tới là việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng muốn đổi tên thương mại do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Hiện nay, Petrolimex đã thoái vốn tại PG Bank và Petrolimex đã yêu cầu PG Bank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của PGB cũng ngập trong sắc đỏ sau thông tin báo cáo tài chính với kết quả tiêu cực được công bố. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 18/10, cổ phiếu PGB giảm tới hơn 4% xuống mức 26.100/cp với khối lượng giao dịch ở mức thấp, chỉ đạt 11.660 đơn vị.
Lưu Tô