Petrolimex quý I/2022: Lợi nhuận giảm mạnh dù giá xăng dầu tăng cao

Cập nhật: 10:32 | 19/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) ghi nhận quý I/2022 giảm 40% so với cùng kỳ mặc dù doanh thu tăng 75%, đạt mức cao nhất trong ngành.

Lợi nhuận Petrolimex giảm mạnh dù giá xăng dầu tăng cao

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, nhà phân phối và bán lẻ xăng dầu lớn nhất thị trường trong nước này đã ghi nhận gần 67.020 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu cao nhất mà Petrolimex ghi nhận được trong một quý kinh doanh từ trước đến nay. So với quý IV/2021 liền trước, doanh thu quý vừa qua cũng tăng gần 36%.

3026-petrolimex

Dù ghi nhận mức tăng trưởng cao ở chỉ tiêu doanh thu, việc giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn (tăng 84%) đã khiến biên lãi gộp của Petrolimex sụt giảm. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận gộp tập đoàn này thu về trong quý I/2022 thấp hơn so với quý I/2021, chỉ đạt 2.777 tỷ đồng.

Ở chiều chi phí, nhà bán lẻ xăng dầu này vẫn phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng để trang trải các chi phí phát sinh trong quý, từ chi phí tài chính, bán hàng đến quản lý doanh nghiệp.

Kết quả là Petrolimex chỉ thu về 571 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý vừa qua, thấp hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, lợi nhuận sau thuế tập đoàn này thu về được cũng giảm gần 40%, đạt 442 tỷ đồng.

Theo lý giải của lãnh đạo Petrolimex, nguyên nhân chính khiến doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh trong quý vừa qua là do biến động của giá dầu thế giới và nguồn cung xăng dầu trong nước sụt giảm.

Cụ thể, trong quý I vừa qua, các giải pháp ứng phó với dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia đã phát huy hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương trong nước và thế giới từng bước trở lại nhịp độ bình thường làm cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng đáng kể.

Bên cạnh đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra đã làm nảy sinh các vấn đề về nguồn cung năng lượng. Theo đó, giá dầu thế giới (WTI) đã biến động mạnh từ 75,88 USD/thùng từ đầu quý lên 102,07 USD/thùng vào cuối quý I/2022. Thậm chí, có thời điểm giá dầu thế giới được giao dịch lên tới 128 USD/thùng.

Ở thị trường trong nước, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật phải ngừng sản xuất. Điều này khiến nhà máy không đáp ứng được sản lượng cam kết theo các hợp đồng (dài hạn) đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Vì vậy, vào thời điểm giá xăng dầu thế giới duy trì ở mức cao, áp lực về nhu cầu xăng dầu trong nước đã đổ dồn sang Petrolimex - doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong khâu phân phối tại thị trường trong nước (hiện nắm trên 50% thị phần).

Để đảm bảo nguồn cung và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, Petrolimex đã phải thay đổi kế hoạch nhập mua, tìm kiếm nguồn cung tức thời với mặt bằng giá cao từ các nhà cung cấp khác.

Kết quả là biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu quý I/2022 tại tập đoàn đã giảm mạnh so với cùng kỳ.

Chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022 thấp hơn năm 2021

Theo kế hoạch kinh doanh vừa được Ban lãnh đạo Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - Công ty cổ phần (gọi tắt là Công ty Hóa dầu Petrolimex) công bố dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 4/2022, mặc dù doanh thu và sản lượng năm nay dự kiến tăng nhẹ so với năm 2021, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận lại được đặt ra thấp hơn.

Nguyên nhân là do thị trường dầu mỏ đang có nhiều biến động lớn và khó lường, giá dầu thô tăng với tốc độ phi mã ngay từ đầu năm và dự báo giá dầu tiếp tục tăng trong cả năm 2022 trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới chịu sức ép từ cả 2 phía: sức cầu đang tăng trở lại theo đà phục hồi của các nền kinh tế sau dịch bệnh, nhưng nguồn cung lại có nguy cơ sụt giảm do những xung đột địa chính trị.

Các ngành hàng kinh doanh cốt lõi của Công ty Hóa dầu Petrolimex bao gồm dầu mỡ nhờn, nhựa đường đều là sản phẩm từ quá trình lọc và chưng cất dầu thô, nên giá dầu thô biến động sẽ ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào theo hướng ngược chiều với biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.

Năm 2021, tình hình kinh doanh của Công ty Hóa dầu Petrolimex cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá dầu liên tục gia tăng. Mặc dù doanh thu bán hàng của Công ty đạt 6.868,3 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2020, nhưng giá vốn tăng cao, khiến lợi nhuận gộp thu về còn 935 tỷ đồng, giảm 1,73% so với thực hiện năm 2021. Biên lợi nhuận gộp hợp nhất giảm xuống 13,56% và là mức thấp nhất trong nhiều năm.

Kết quả lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 174,5 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2020 chủ yếu nhờ cải thiện lợi nhuận hoạt động tài chính khi chi phí lãi vay được kéo giảm và biến động tỷ giá thuận lợi hơn, giúp Công ty ghi nhận 46,2 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá.

Hoá dầu Petrolimex (PLC) định ngày chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền

Với 80,8 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, PLC sẽ phải chi khoảng 121,2 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ ...

ĐHĐCĐ PG Bank 2022: Không chia cổ tức năm thứ 10 liên tiếp, hạ room nước ngoài xuống 2%

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 mới đây, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PG Bank (UPCoM - Mã: PGB) ...

Petrolimex (PLX) đề xuất nới room ngoại từ 20% lên 35%

Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã chứng khoán PLX: HOSE) đã gửi hàng loạt kiến nghị lên Thủ tướng, trong ...

Đức Chiến

Tin cũ hơn
Xem thêm