PAN “ăn nên làm ra” từ các công ty con

Cập nhật: 14:59 | 30/07/2022 Theo dõi KTCK trên

CTCP Tập đoàn PAN (HoSE - Mã: PAN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2022. Trong cả quý II cũng như 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đều đạt tăng trưởng ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận.

Trong quý II/2022, hầu hết các công ty của PAN đều tăng trưởng cao về cả doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi. Cộng với đóng góp từ CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC, HOSE: VFG), kết quả kinh doanh hợp nhất của PAN đã có sự tăng trưởng hết sức mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, quý II/2022, PAN ghi nhận doanh thu đạt 3.220 tỷ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 227,8 tỷ đồng, tăng 107,4% so với cùng kỳ năm trước.

PAN “ăn nên làm ra” từ các công ty con
PAN “ăn nên làm ra” từ các công ty con. Hình minh họa

Tăng trưởng của doanh thu hợp nhất được đóng góp bởi doanh thu từ VFC là 640 tỷ đồng (năm 2021 chưa hợp nhất) và tăng trưởng doanh thu cao từ các công ty thành viên khác, bao gồm CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) tăng 35%, CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Bến Tre (HOSE: ABT) tăng 129%, CTCP Bibica (HOSE: BBC) tăng 30%; CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, HOSE: NSC) tăng 7% và CTCP Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco, HOSE: LAF) tăng 47%.

Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 118 tỷ đồng, tương ứng 107% chủ yếu được đóng góp bởi lợi nhuận sau thuế hạch toán từ VFC (59 tỷ đồng), Vinaseed tăng 20 tỷ đồng; FMC và ABT cũng tăng hơn 30 tỷ đồng. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 98 tỷ đồng, tăng trưởng 61% với với quý II/2021.

Xét riêng kết quả kinh doanh từng mảng trong quý II, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thủy sản tiếp tục có một quý tăng trưởng tốt khi lợi nhuận sau thuế của các công ty Vinaseed, VFC, FMC và ABT đều đạt tỷ lệ tăng trên 30% (riêng FMC trên 40%). Mảng giống của Vinaseed với sự ra mắt của các giống lúa độc quyền (VD: VNR20) đã mang lại biên lợi nhuận gộp cao cho quý II/2022. Mảng thủy sản như tôm, cá tra tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao tại các thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, các mảng bánh kẹo và hạt gặp thách thức trong quý này khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, giá bán đầu ra chưa kịp thay đổi và cũng khó thay đổi tương ứng, khiến biên lợi nhuận gộp bị co lại. Ví dụ như mảng bánh kẹo, các nguyên vật liệu chính gồm bột mỳ, trứng gà và sữa đều có mức tăng giá từ 30 - 50% so với thời điểm đầu năm 2022.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu thuần tăng thêm 2,3 nghìn tỷ đồng, trong đó 1,3 nghìn tỷ là từ hợp nhất thêm doanh thu từ VFC. Loại trừ doanh thu mới hợp nhất này thì tăng trưởng doanh thu đạt 26%.

Các công ty thành viên có mức tăng trưởng doanh thu cao gồm ABT (123%), FMC (36%), Lafooco (42%) và Vinaseed (15%). VFC với sự kiện ký kết phân phối chính thức các sản phẩm của Syngenta (hiện có 3 sản phẩm) cũng tạo ra sự đột phá về doanh thu (tăng trưởng 30%) và lợi nhuận (tăng trưởng 44%).

Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm tăng 150%, do trong quý I, Bibica ghi nhận lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng nhà máy (lãi ghi nhận hơn 126 tỷ đồng). Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm đạt 175 tỷ đồng, tăng trưởng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ 2021.

Xét riêng kết quả kinh doanh từng mảng trong 6 tháng đầu năm, thủy sản, nông nghiệp vẫn là điểm sáng. Trong khi đó, với mảng thực phẩm nếu tính riêng hoạt động kinh doanh cốt lõi đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề của việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, Bibica và Lafooco đều có lợi nhuận gộp giảm trong quý II và chỉ được bù đắp bởi lợi nhuận bất thường (Bibica) hoặc kết quả kinh doanh tốt của quý I (Lafooco).

Rủi ro tăng

Với tình hình lạm phát và nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, rủi ro cho các mảng kinh doanh của Tập đoàn PAN có xu hướng tăng lên khi nhu cầu có thể suy giảm trở lại và giá nguyên vật liệu, vận chuyển tiếp tục neo cao. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng.

Cụ thể, sự hồi phục của mảng bánh kẹo khi vào mùa bán hàng cho Trung thu và Tết Nguyên đán; Nhu cầu tiêu thụ giống, thuốc bảo vệ thực vật cao trong quý 4 cho vụ Đông Xuân; Thủy sản dù có thể giảm tốc nhưng sẽ vẫn tận dụng được nhu cầu cao về lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới.

Như vậy, qua 6 tháng đầu năm, PAN đã hoàn thành 43% kế hoạch doanh thu và 49% kế hoạch lợi nhuận cho năm 2022. Với quý III và quý IV là cao điểm của các mảng kinh doanh mũi nhọn, có thể tự tin rằng PAN sẽ hoàn thành và thậm chí vượt kế hoạch kinh doanh mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, PAN đặt mục tiêu doanh thu 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 54,6% và 47,8% so với năm 2021.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu PAN đang đứng tại mốc 22.850 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt 1,2 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu MWG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)
Diễn biến giá cổ phiếu PAN thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Nâng sở hữu lên 98,3% vốn tại Bibica

Cách đây không lâu, PAN mua 7.382.512 cổ phiếu BBC của Bibica trong tổng 7.700.537 cổ phiếu đăng ký chào mua công khai từ 17 nhà đầu tư, tỷ lệ mua thành công 95,9% tổng lượng đăng ký chào mua công khai với giá 71.000 đồng/cp, ước tính tổng số tiền thực hiện mua vào 524,2 tỷ đồng, ngày kết thúc đợt chào mua là 16/5.

Như vậy, sau giao dịch PAN đã nâng sở hữu lên 98,3% vốn điều lệ tại BBC và hướng đến mục tiêu sở hữu 100% vốn tại công ty bánh kẹo này. Được biết, tính tới ngày 19/1/2022, PAN cùng cổ đông liên quan đang sở hữu 58,94% vốn điều lệ tại BBC.

PAN “ăn nên làm ra” từ các công ty con
Nâng sở hữu lên 98,3% vốn tại Bibica

PAN nhận định việc chào mua công khai cổ phiếu BBC là cơ hội cho Bibica và PAN. Bibica là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược 3F (Feed – Farm – Food: Từ nông trại đến bàn ăn) khi tham gia vào ngành thực phẩm. Với cơ cấu cổ đông lớn tập trung, Bibica sẽ dễ dàng hơn trong việc thống nhất các đường lối chính sách định hướng phát triển doanh nghiệp và phê duyệt đầu tư dự án sự kết hợp của hai bên sẽ góp phần xây dựng thương hiệu lớn của đất nước.

Ngoài ra, PAN dự kiến sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất, cung ứng của Bibica và duy trì hoạt động theo kế hoạch kinh doanh của Bibica đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Được biết, kể từ năm 2015, PAN đã bắt đầu nâng sở hữu lên 42,3% vốn tại Bibica và 2 năm sau chính thức nâng tỉ lệ nắm giữ lên 50,07% và đưa Bibica trở thành công ty con của PAN nhằm thể hiện quyết tâm gìn giữ thương hiệu Việt.

Trước đó, Lotte Confectionery nắm giữ gần 6,8 triệu cổ phiếu BBC, tương đương 44,03% vốn điều lệ tính tới ngày 27/06/2020 và thoái hết vốn vào đầu năm 2021. Lotte đầu tư vào BBC từ năm 2007 và trở thành cổ đông lớn nhất với tham vọng đưa doanh nghiệp này trở thành cái tên dẫn đầu ngành sản xuất bánh kẹo.

Trong nhiều năm trước đây, tại Bibica luôn có xung đột giữa hai nhóm cổ đông, một bên là Công ty cổ phần Tập đoàn PAN sở hữu 50,07% vốn điều lệ Bibica và nhóm cổ đông đến từ Hàn Quốc, Lotte Corporation sở hữu 44,03% vốn điều lệ. Trong đó, PAN là công ty mẹ của Bibica nên quyền chi phối hoạt động kinh doanh, cũng như định hướng của doanh nghiệp. Trong khi đó, nhóm cổ đông Lotte Corporation có quyền phủ quyết, khi sở hữu lớn hơn 36% vốn điều lệ.

Việc hai cổ đông lớn không thống nhất được quan điểm đã dẫn tới nhiều chiến lược, kế hoạch phát triển chưa thực hiện được. Tuy nhiên, với động thái nhóm cổ đông Lotte Corporation rút lui, và Tập đoàn PAN chính thức chào mua thành công, kỳ vọng BBC sẽ bước vào giai đoạn thống nhất định hướng phát triển.

Cổ đông PAN “đói” cổ tức nhiều năm

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc tài chính PAN cho biết, năm 2021, hoạt động M&A không có, hoạt động đầu tư đáng chú ý là nâng sở hữu tại CTCP Khử trùng Việt Nam - VFC (HOSE: VFG) từ 47,97% lên 50,33% vốn điều lệ và chính thức hợp nhất vào Tập đoàn; góp vốn vào CTCP Thực phẩm Khang An, nâng sở hữu trực tiếp lên 28,57% vốn điều lệ.

Về tình hình kinh doanh, quý I/2022, PAN ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.949 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ 2021; trong đó 699 tỷ tăng từ hợp nhất kết quả kinh doanh của CTCP Khử trùng Việt Nam. Lợi nhuận sau thuế PAN đạt 168 tỷ đồng, tăng 234% so với cùng kỳ 2021; trong đó 74 tỷ tăng nhờ khoản thu nhập bất thường do thanh lý tài sản tại Bibica.

Xét về kế hoạch phân phối lợi nhuận, năm 2021, PAN thông qua kế hoạch không trả cổ tức để dồn nguồn lực cho việc thực hiện chiến lược M&A trong thời gian tới. Bước sang năm 2022, công ty dự kiến tiếp tục không trả cổ tức để dành nguồn lực cho các kế hoạch M&A.

Ngoài ra, Công ty cũng tiến hành bầu lại HĐQT gồm 7 người, bao gồm ông Nguyễn Duy Hưng, bà Nguyễn Thị Trà My, ông Phạm Viết Muôn, bà Hà Thị Thanh Vân, bà Nguyễn Vũ Thuỳ Hương, ông Nguyễn Duy Khánh và ông Bùi Xuân Tùng.

Được biết, ông Nguyễn Duy Hưng đang là Chủ tịch Tập đoàn PAN từ 2013 tới nay. Ngoài ra, ông Hưng đang là Chủ tịch HĐQT tại Chứng khoán SSI, Công ty TNHH Đầu tư NDH, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI…

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Đầu tư chứng khoán khiến DIC Holdings nhận “trái đắng”, chỉ hoàn thành 1,2% kế hoạch năm sau 6 tháng

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, DIC Holdings ghi nhận doanh thu giảm 64,6% và lợi nhuận sau thuế giảm tới 97,7% so với cùng ...

SAM Holdings tiếp tục âm nặng dòng tiền kinh doanh, cổ phiếu trên sàn "khó mua" đến lạ

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh ...

Nhìn lại khuyến nghị cổ phiếu của các công ty chứng khoán tuần từ 25-29/7/2022

Thị trường điều chỉnh nhẹ do ảnh hưởng từ hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF nội. Đây là tuần tăng thứ ...

Quỳnh Nga

Tin cũ hơn
Xem thêm