OPEC không thể tăng sản lượng để bù đắp nguồn cung dầu từ Nga?

Cập nhật: 10:00 | 13/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Tuyên bố trên được đưa ra tại cuộc họp giữa các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và đại diện OPEC tại Vienna (Áo), trong bối cảnh nhiều nước kêu gọi OPEC tăng nguồn cung dầu mỏ còn EU cân nhắc khả năng áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.

Giá xăng dầu hôm nay 13/4/2022: Rơi khỏi ngưỡng 100 USD/thùng

Giá xăng dầu hôm nay 12/4/2022: Thị trường trong nước có thể giảm mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 11/4/2022: Nhận diện chu kỳ tăng giá mới

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo nêu rõ thị trường có thể mất đi hơn 7 triệu thùng dầu và các nhiên liệu lỏng khác từ Nga mỗi ngày do các biện pháp trừng phạt hiện nay và trong tương lai.

Theo ông Barkindo, căn cứ dự báo nhu cầu dầu mỏ hiện tại, gần như không có nguồn nào có thể thay thế lượng dầu mỏ thiếu hụt này. Ông Barkindo khẳng định thị trường biến động mạnh hiện nay là do những yếu tố nằm ngoài kiểm soát của OPEC, qua đó đánh tín hiệu rằng nhóm này sẽ không bơm thêm dầu cho thị trường.

3720-xangdau
Ảnh minh họa

Một quan chức châu Âu cho biết tại cuộc họp, EU một lần nữa kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ cân nhắc tăng nguồn cung nhằm giúp hạ nhiệt giá dầu đang tăng vọt. Các đại diện EU cho rằng OPEC có khả năng sản xuất thêm dầu và có trách nhiệm đảm bảo ổn định thị trường dầu mỏ.

Đây là cuộc họp mới nhất trong khuôn khổ đối thoại EU-OPEC được khởi động từ năm 2005. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt trừng phạt Nga liên quan xung đột tại Ukraine.

Đến nay, EU vẫn chưa đưa lĩnh vực dầu mỏ của Nga vào diện trừng phạt. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao EU cho rằng khả năng lĩnh vực này sẽ là mục tiêu trừng phạt tiếp theo, sau khi khối này tuần trước nhất trí cấm nhập khẩu than đá của Nga. Tại cuộc họp ngoại trưởng các nước EU ở Luxembourg ngày 11/4, ngoại trưởng các nước Ireland (Ai-len), Litva và Hà Lan cho biết, Ủy ban châu Âu đang soạn thảo các đề xuất cấm vận dầu mỏ của Nga.

Trong khi đó, Australia (Ôx-trây-li-a), Canada (Ca-na-đa) và Mỹ - những nước phụ thuộc vào nguồn cung của Nga ít hơn châu Âu - đã cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Hiện các nước thành viên EU đang chia rẽ về việc này vì các nước này phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung dầu mỏ của Nga và việc cấm nhập khẩu có thể đẩy giá năng lượng trong khu vực tăng cao hơn nữa.

Chuyên gia: Dầu thô Nga khó có thể thay thế do nhiều ưu điểm

Giám đốc về năng lượng của Viện Năng lượng và Tài chính Nga, ông Alexei Gromov, ngày 9/4 cho biết dầu thô Urals của Nga có hai lợi thế, nhờ đó có thể xuất khẩu với khối lượng khá lớn. Theo ông Gromov, dầu thô của Ngâ có thể được xem là không thể thiếu đối với châu Âu.

Chuyên gia này đã tiết lộ các đặc điểm của dầu thô Nga và cho biết nó lý tưởng về mặt thông số đối với các nhà máy lọc dầu châu Âu.

Ông Gromov giải thích: "Vấn đề không chỉ là không thể tìm được số lượng dầu thích hợp để thay thế dầu của Nga. Dầu của chúng ta xét về các thông số hóa-lý lý tưởng cho các nhà máy lọc dầu châu Âu. Các doanh nghiệp này ngay từ đầu đã đặc biệt quan tâm tới các loại dầu Urals của Nga."

Theo ông Gromov, nguồn cung dầu Urals có thể được chuyển hướng thành công từ Tây sang Đông. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của nhiên liệu Nga với tư cách là một mặt hàng xuất khẩu.

Chuyên gia này cho biết: "Trong vài tuần qua, các công ty Nga đã phần nào kịp định hình lại chuỗi cung ứng của họ để chuyển hướng dầu của Nga đến những người mua ở các khu vực khác trên thế giới. Điều này được thực hiện nhằm cung cấp dầu cho những nước sẵn sàng mua dầu của Nga."

Ông cho biết ban đầu, điều này đầy rủi ro, nhưng giờ đây chuỗi cung ứng đang bắt đầu tốt hơn.

Linh Linh