Ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra những điểm quan trọng từ Nghị quyết 68 giúp các startup Việt có thêm nhiều cơ hội phát triển
Trước thực tế 93% startup Việt "rời cuộc chơi" chỉ sau 2 năm, ông Hoàng Nam Tiến đã đưa ra một góc nhìn mới, có thể làm thay đổi cục diện khởi nghiệp.
Trong một chia sẻ gần đây trên nền tảng TikTok cá nhân, ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT đã đưa ra những đánh giá đáng chú ý về thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và cơ hội mở ra từ Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Theo ông Tiến, Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ thất bại rất cao trong lĩnh vực khởi nghiệp, khi có tới 93% startup "rời cuộc chơi" chỉ trong vòng hai năm đầu hoạt động. Đây không phải là câu chuyện riêng của Việt Nam mà phản ánh một thực trạng toàn cầu, nơi mà khởi nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là hoa hồng.
Tuy vậy, ông Tiến bày tỏ kỳ vọng lớn vào Nghị quyết số 68-NQ/TW, ban hành ngày 4/5/2025, với mục tiêu thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển cả về lượng và chất. Ông cho rằng nếu nghị quyết được thực thi một cách đồng bộ và kiên quyết, đây có thể là cú huých quan trọng giúp giảm đáng kể tỷ lệ "chết yểu" của startup Việt trong thời gian tới.
Một trong những điểm đột phá mà ông Tiến nhấn mạnh là cam kết của Nhà nước về cải cách hành chính. Cụ thể là yêu cầu rút ngắn ít nhất 30% thời gian và chi phí liên quan đến thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu khởi sự. Ông nhận định rằng chính những thủ tục rườm rà và thiếu minh bạch, là nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp phải dừng bước ngay từ khi chưa kịp bắt đầu.
Ngoài ra, chính sách miễn thuế ba năm đầu và việc cho phép đưa chi phí đào tạo, nghiên cứu – phát triển vào khoản khấu trừ thuế cũng là các động thái được ông đánh giá cao. Theo ông, nếu các ưu đãi này được cụ thể hóa thành cơ chế vận hành minh bạch và khả thi, chúng sẽ tạo ra "lối mở" cho doanh nghiệp non trẻ bứt phá.
Không chỉ dừng ở các cải cách hành chính, Nghị quyết 68 còn thể hiện một tầm nhìn dài hạn về chuyển đổi số khi đề ra chỉ tiêu đào tạo ít nhất 10.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ then chốt như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và ứng dụng số trong điều hành kinh doanh. Ông Tiến nhấn mạnh rằng đây là hướng đi cần thiết, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực thích ứng trong bối cảnh toàn cầu liên tục biến động.
“Nếu các giải pháp từ Nghị quyết được thực hiện quyết liệt, tôi tin rằng con số 93% startup thất bại sẽ không còn là ‘định mệnh’ trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam”, ông chia sẻ.
Cũng theo Nghị quyết 68, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp đủ sức tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn xa hơn đến năm 2045, nền kinh tế kỳ vọng có khoảng 3 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp hơn 60% GDP quốc gia. Đáng chú ý, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là nhóm startup, được đặt vào trung tâm của chiến lược phát triển thông qua các chính sách tài chính riêng biệt và hỗ trợ về tín dụng thương mại.
Chốt lại quan điểm, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh rằng để khởi nghiệp thực sự là một con đường khả thi, không chỉ cần ý tưởng hay sự can đảm từ người trẻ, mà còn cần sự bảo trợ đủ mạnh từ thể chế. Và Nghị quyết 68, nếu đi vào cuộc sống một cách quyết liệt, chính là chất xúc tác cho một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và bứt phá.