Ocean Group (OGC) rao bán 7 khoản nợ giá trị gốc hơn nghìn tỷ đồng

Cập nhật: 09:56 | 30/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Theo thông báo mới nhất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HOSE: Mã: OGC) đã công bố việc bán một số khoản nợ phải thu.

5025-ogc
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HOSE: Mã: OGC).

Cụ thể, OGC rao bán tổng cộng 7 khoản nợ với tổng dư nợ gốc lên đến hơn 1.072 tỷ đồng, nguồn gốc tài sản, hồ sơ pháp lý được cung cấp trực tiếp tại văn phòng đại diện CTCP tập đoàn Đại Dương.

Trong danh sách khoản nợ, lớn nhất là khoản nợ tín chấp với nội dung hỗ trợ vốn, giá trị 380,5 tỷ đồng của CTCP ĐT&TM Vneco Hà Nội phát sinh từ năm 2014; khoản nợ hợp tác ủy thác đầu tư giá trị 270 tỷ đồng của Công ty cổ phần Bình Dương Xanh phát sinh năm 2014, có tài sản đảm bảo là 27.000.000 cổ phiếu công ty Gia Phát; khoản nợ phải thu 145 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư tư vấn Liên Việt phát sinh năm 2013.

Giá khởi điểm của cả 7 khoản nợ chỉ bằng 1/10 giá trị dư nợ gốc, tương ứng tổng giá trị khởi điểm hơn 107 tỷ đồng. Thời gian tổ chức mở chào giá/thực hiện đấu giá vào ngày 4/6/2022. Tiền đặt cọc tham gia chào giá/đấu giá là 3 tỷ đồng.

5106-ogc

Thông báo của OGC nêu rõ, việc bán khoản nợ xấu được thực hiện trên cơ sở các văn bản, tài liệu cung cấp bởi OGC. Khách hàng tham gia mua nợ có trách nhiệm nghiên cứu kỹ hồ sơ khoản nợ xấu, tìm hiểu về thực trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có) trước khi đăng ký tham gia mua bán.

Khách hàng tham gia mua nợ mà không có ý kiến gì thì coi như chấp nhận mua khoản nợ trên cơ sở các giấy tờ do OGC cung cấp và đã hiểu rõ về hiện trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có). Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương chỉ có trách nhiệm bàn giao hồ sơ khoản nợ xấu cho người mua nợ được lựa chọn.

Cùng thời điểm, công ty cùng hệ sinh thái Ocean Group là CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL) cũng vừa đưa ra thông báo về việc bán khoản nợ phải thu.

Theo đó, Đầu tư Đại Dương Thăng Long chào bán khoản nợ xấu phải thu của Công ty với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Sông Đà (SDCON) với số dư nợ gốc (chưa bao gồm các khoản lãi, phạt) là hơn 640 tỷ đồng.

Giá khởi điểm đưa ra là 20 tỷ đồng, chỉ tương đương 3% giá trị số dư nợ gốc. Thời gian tổ chức mở chào giá/thực hiện đấu giá cũng trong ngày 4/6/2022. Tiền đặt cọc tham gia chào giá/đấu giá là 5 tỷ đồng.

Trong thông báo, cả OGC và OTL đều lưu ý, khách hàng tham gia mua nợ có trách nhiệm nghiên cứu kỹ hồ sơ khoản nợ xấu, tìm hiểu về thực trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có) trước khi đăng ký tham gia mua bán. Khách hàng tham gia mua nợ mà không có ý kiến gì thì coi như chấp nhận mua khoản nợ trên cơ sở các giấy tờ do OGC/OTL cung cấp và đã hiểu rõ về hiện trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có). OGC/OTL chỉ có trách nhiệm bàn giao hồ sơ khoản nợ xấu cho người mua nợ được lựa chọn.

Mục tiêu lãi giảm 82%

Trong một diễn biến khác, cuối tháng 4 vừa qua, OGC đã họp ĐHĐCĐ thường niên thành công trong lần thứ 2 tổ chức. Theo đó, năm 2022, OGC đặt kế hoạch kinh doanh rất thận trọng với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm mạnh đến 82% so với năm trước, xuống mức 18 tỷ đồng, thấp nhất kể từ khi tập đoàn này có lãi trở lại năm 2018, và tổng doanh thu hợp nhất 937 tỷ đồng.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh dàn lãnh đạo chủ chốt đồng loạt từ nhiệm, gồm cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ĐHCĐ đã thông qua miễn nhiệm 4/5 thành viên HĐQT và 3/3 thành viên Ban kiểm soát và bầu bổ sung, đại diện của IDS Equity Holdings là bà Lê Thị Việt Nga được bầu làm Chủ tịch OGC.

Ngoài ra, ĐHCĐ cũng ủy quyền cho HĐQT lựa chọn và quyết định địa điểm trụ sở chính và tên công ty, giao cho người đại diện pháp luật thực hiện các thủ tục cần thiết để thay đổi trụ sở chính và tên công ty.

Về tình hình kinh doanh, trong quý 1/2022, Ocean Group ghi nhận doanh thu thuần nhích tăng nhẹ lên 102,4 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh hơn cho chi phí đầu vào tăng nên lợi nhuận gộp giảm gần 2 tỷ đồng còn hơn 16,4 tỷ đồng.

Trong kỳ, OGC ghi nhận doanh thu tài chính tăng gấp 5 lần lên 9,5 tỷ đồng chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng và hoạt đồng đầu tư chứng khoán và đầu tư tài chính tại đơn vị thành viên. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng mạnh từ âm 942 triệu đồng lên gần 5,7 tỷ đồng do công ty trích lập dự phòng khoản đầu tư tài chính. Các khoản chi phí bán hàng giảm 3 tỷ đồng xuống 16,1 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 6 tỷ xuống.

Bên cạnh đó, lãi từ các công ty liên kết giảm 4,66 tỷ đồng. Kết quả, OGC báo lỗ 38,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 26,3 tỷ đồng.

Cổ phiếu OGC bị vào diện kiểm soát

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vừa thông báo chuyển cổ phiếu OGC từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 31/5/2022.

Lý do được đưa ra là OGC chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) năm 2021 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.

Ocean Group từng là một trong số những tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam với vốn hóa thị trường lên tới hơn 10 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2014, ông Hà Văn Thắm - thành viên sáng lập và Chủ tịch HĐQT công ty khi đó bị bắt và bị tuyên án chung thân vì nhiều tội danh bao gồm tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ khi ông Thắm bị bắt, Tập đoàn Ocean Group rơi vào khó khăn, thua lỗ liên tiếp trong khoản thời gian từ năm 2014 - 2017. Cơ cấu sở hữu của Ocean Group đã có sự biến động mạnh. OGC cũng đã bán đi phần lớn các tài sản giá trị như: Khu đất vành khăn, Ocean Mart, Khách sạn Dầu khí Phương Đông,...

Nhìn lại năm 2021, OGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 409 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, giảm lần lượt 55% và 49% so với cùng kỳ. Dù vậy, OGC vẫn còn lỗ lũy kế đến 2.523 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Nguyên nhân chính dẫn tới điều này là việc phải liên tục trích lập các khoản dự phòng phải thu khó đòi.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và 2020 của OGC đều có ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Nếu BCTC kiểm toán năm 2021 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương tiếp tục có ý kiến ngoại trừ sẽ bị rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc.

Tin tức chứng khoán 9h00’ hôm nay 30/5/2022: KPF, MBG, HNG, REE, LCG, YEG, QHD

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin cập nhật và gửi đến quý độc giả những tin tức chứng khoán mới ...

Liệu thị trường đã tạo đáy ngắn hạn và hết rủi ro?

Chuyên gia cho rằng, đầu tư bất kỳ kênh tài sản nào cũng cần quan tâm đến quản trị rủi ro. Cổ phiếu luôn được ...

Góc chuyên gia: Cổ phiếu ngân hàng có thực sự hấp dẫn?

Chuyên gia cho rằng, nhịp hồi phục hiện tại vẫn phụ thuộc vào nhiều cổ phiếu bluechips thuộc VN30, còn sự dẫn dắt của nhóm ...

Quỳnh Nga

Tin liên quan