Ô nhiễm môi trường kéo giảm tăng trưởng kinh tế

Cập nhật: 09:22 | 21/11/2016 Theo dõi KTCK trên

Tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016-2020 được dự báo sẽ đạt khoảng 7%. Tuy nhiên, song song với đó, các chuyên gia cũng cho rằng dự báo trung bình giai đoạn 2016-2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể kéo giảm GDP khoảng 0,6%/năm.



Tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2016-2020 được dự báo sẽ đạt khoảng 7%. Tuy nhiên, song song với đó, các chuyên gia cũng cho rằng dự báo trung bình giai đoạn 2016-2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể kéo giảm GDP khoảng 0,6%/năm.

Điều này cho thấy nếu không thay đổi, cải cách thể chế để thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH) nhanh chóng thì ô nhiễm môi trường, thiên tai sẽ là nguyên nhân trực tiếp kéo tụt “thành tích” tăng trưởng kinh tế.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng với kỳ vọng đột phá của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

GDP có thể giảm 0,6%/năm

Ts. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích Dự báo của NCIF, cho biết có ba kịch bản tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 2016-2020. Ở kịch bản thấp, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này trung bình sẽ đạt khoảng 6,2%. Ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này trung bình sẽ đạt khoảng 6,55%. Theo đánh giá, kịch bản này dễ xảy ra nhất.

Còn với kịch bản cao, dù ít khả năng xảy ra hơn, nhưng vẫn có cơ hội thành hiện thực. Theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế giai đoạn này trung bình sẽ đạt khoảng 6,86%-7,01%.

Tuy nhiên, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế là vậy, song các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo là, giai đoạn 2016-2020, thiên tai và ô nhiễm môi trường có thể kéo giảm GDP khoảng 0,6%/năm. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của BĐKH và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong dài hạn.

Theo báo cáo của Trung tâm NCIF, chỉ số về mức độ tổn thương do BĐKH (CCVI), Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH và nước biển dâng.


o nhiem moi truong keo giam tang truong kinh te


Ô nhiễm môi trường kéo giảm tăng trưởng kinh tế


Theo các kịch bản BĐKH của Bộ TN&MT năm 2015, đến cuối thế kỷ 21, sự gia tăng 1m của mực nước biển có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và kinh tế của khoảng 20% dân số và tổn thất có thể lên tới 10% GDP mỗi năm.

Báo cáo kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương do BĐKH của tổ chức DARA International (năm 2012) chỉ ra rằng BĐKH có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP, nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do BĐKH ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới và đại học Copenhaghen (năm 2012) cũng dự báo rằng nếu kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 5,4%/năm trong giai đoạn 2007-2050 thì tốc độ tăng trưởng có giảm nhưng không đáng kể.

Nếu GDP vào năm 2050 của Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD thì thiệt hại do BĐKH có thể lên khoảng 40 tỷ USD vào năm 2050- một thiệt hại tương đối lớn về giá trị tuyệt đối và có thể giảm xuống nếu Việt Nam có chính sách ứng phó với BĐKH phù hợp và hiệu quả.

Thu hút FDI sạch

Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Đánh giá hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến bảo vệ môi trường, PGs.Ts. Đinh Đức Trường, Phó Chủ nhiệm khoa, Khoa Kinh tế môi trường, trường Đại học Kinh tế quốc dân, dẫn chứng theo GSO (2014) 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là ngành công nghiệp khai thác, chế biến, có hàm lượng tiêu thụ tài nguyên cao, gây ô nhiễm môi trường như dệt may, thép, da giày, đồ uống, chế biến thực phẩm và khai khoáng.

Đồng thời, trong số 100 khu công nghiệp Việt Nam, có đến 80% đang vi phạm các quy định về môi trường, số DN FDI tới hơn 60% trên tổng số các DN xả thải vượt tiêu chuẩn. Nhiều DN FDI liệt kê vào danh sách đen các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, theo một nghiên cứu về hành vi môi trường của các DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết có 23% DN FDI xả thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép, trong đó, nồng độ các chất BOD, COD, TSS vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 5 đến 12 lần.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Gs. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để vẫn tăng trưởng nhưng phải bảo vệ được môi trường. “Tôi phản đối tiếp tục xây dựng các dự án thép, xi măng, lọc dầu và hóa chất… vì tác động môi trường của các dự án này đang rất lớn”, ông Mại nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, bài học từ Formosa gây ra những tác hại rất lớn về môi trường. Vì vậy, để không xảy ra những sự cố trên, chúng ta phải thay đổi tư duy, có nghĩa là đừng bám vào thiên nhiên, khai thác thiên nhiên mà không tính đến bảo vệ nó.

PGs.Ts. Đinh Đức Trường cũng cho rằng thu hút FDI “sạch” là giải pháp thượng sách và lâu dài cho Việt Nam, vì mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo ông Trường, muốn có FDI sạch phải có công nghiệp phụ trợ.

Ngoài hiệu quả tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa theo hướng vừa mở rộng và vừa thâm sâu.

Về phía khu vực FDI, cần cung cấp thông tin thường xuyên và cập nhật cho khu vực này để nâng cao nhận thức BVMT, tuyên truyền phổ biến cũng rất quan trọng.



Theo Thời báo Kinh doanh

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm