Ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức nghiêm trọng: Xe máy xăng là "thủ phạm" chính
Hà Nội trải qua tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ngay giữa ngày hè nắng nóng.
Không khí vượt ngưỡng đỏ
Ngày 15/7, bầu trời Hà Nội chìm trong lớp sương mù và bụi mịn dày đặc, đúng cao điểm mùa hè. Theo ghi nhận từ hệ thống Pam Air, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều điểm trong thành phố chạm ngưỡng 170–174 đơn vị vào đầu giờ chiều, mức được xếp vào ngưỡng đỏ, không lành mạnh cho sức khỏe.

Tại phố Nguyễn Chế Nghĩa (P.Cửa Nam), AQI lúc 13h đạt 155, trong khi khu vực Nguyễn Trãi, Âu Cơ, Nguyễn Khoái… cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Mức độ ô nhiễm này khiến người đi đường phải trang bị khẩu trang dày, hạn chế di chuyển ngoài trời để tránh hít phải không khí độc hại.

Đáng chú ý, đến chiều cùng ngày, Hà Nội xếp thứ hai thế giới về mức độ ô nhiễm không khí, chỉ sau thủ đô Baghdad của Iraq. Đây không phải hiện tượng nhất thời. Trước đó, ngày 14/7, AQI trung bình tại Hà Nội cũng dao động quanh mốc 160, cảnh báo mức độ ô nhiễm ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
Nguyên nhân gây ô nhiễm lớn nhất từ đâu?
Trong số các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, hoạt động giao thông, đặc biệt là từ xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu) được xác định là thủ phạm chính.
Theo nghiên cứu công bố năm 2023 của nhóm tác giả Ngô Quang Khôi và PGS.TS Hoàng Anh Lê (Đại học Quốc gia Hà Nội), xe máy chiếm 87% lượng phát thải CO, 66% bụi mịn PM, vượt xa so với các loại phương tiện khác. Ô tô chỉ đóng góp khoảng 9% lượng CO và 13% bụi mịn.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu quan trắc từ 10 điểm đặt dọc các tuyến đường lớn do Chi Cục Bảo vệ môi trường Hà Nội quản lý, cho thấy các điểm nóng ô nhiễm nằm chủ yếu trên các tuyến vành đai, đường xuyên tâm và nút giao lớn. Trong đó, khu vực vành đai 3 có mức ô nhiễm cao nhất, vượt chuẩn quốc gia về PM 2.5 gần gấp đôi.
Thống kê đến cuối năm 2024, Hà Nội có hơn 9,2 triệu phương tiện đang lưu thông, trong đó hơn 6,9 triệu là xe máy. Ngoài ra, còn khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác ra vào thành phố mỗi ngày, càng làm gia tăng mật độ phát thải.
Hướng đến cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng ô nhiễm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị yêu cầu TP Hà Nội triển khai các biện pháp cấp bách, trong đó có nội dung kiểm soát phương tiện giao thông dùng nhiên liệu hóa thạch.
Cụ thể, mục tiêu được đặt ra là: Đến ngày 1/7/2026, không còn xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng được lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Đây được xem là bước đi quan trọng để giảm phát thải khí độc, đặc biệt là CO, bụi PM và NO2 – các chất phổ biến trong khí thải từ động cơ đốt trong.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội, ngoài giao thông, còn 4 nguồn ô nhiễm chính khác gồm: hoạt động xây dựng, công nghiệp, đốt rác sinh hoạt và điều kiện khí tượng. Tuy nhiên, trong nội đô, giao thông chiếm tỷ trọng phát thải lớn nhất, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
Chuyển đổi phương tiện sang điện hóa, phát triển giao thông công cộng, kiểm soát xe cá nhân và siết hoạt động xây dựng trong mùa cao điểm ô nhiễm đang được đặt ra như giải pháp tổng thể.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin theo thời gian thực về chất lượng không khí cũng đang được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.