Ở mảnh đất quanh năm nghèo khó, nông dân Yên Bái (cũ) mạnh dạn đổi hướng với giống trái mới, trái ngọt đơm hoa mang lại thu nhập cả trăm triệu
Nông dân Yên Bái (cũ) - nay là Lào Cai đang thành công với mô hình mới lạ. Nhờ đó mà nhiều hộ đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bước chuyển mình từ cây ngô, cây lúa đến vườn lê, hồng giòn
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái cũ - nay thuộc tỉnh Lào Cai mới) đã chủ động thay đổi cách làm nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi đất bạc màu sang trồng cây ăn quả ôn đới. Những mô hình như vườn lê Tai Nung của anh Mùa A Mạnh hay vườn hồng giòn Fuyu của ông Thào Nhà Của đang dần khẳng định hiệu quả kinh tế rõ rệt và trở thành nguồn cảm hứng cho bà con cùng học hỏi.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2014, khi anh Mùa A Mạnh, người dân bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông, quyết định thử nghiệm trồng lê Tai Nung (còn gọi là lê VH6). Khi đó, phần lớn diện tích đất của gia đình anh chỉ trồng ngô, lúa với năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Dù nhiều người lo ngại khí hậu khắc nghiệt không thích hợp, anh vẫn quyết định “liều” đưa 0,6 ha lê Tai Nung về trồng.
Anh Mạnh chia sẻ: “Lúc đầu rất lo vì chưa ai trồng. Nhưng cây lê hợp đất, hợp khí hậu, ít sâu bệnh. Sau 5 năm, vườn bắt đầu cho quả bói, từ năm thứ 7 năng suất tăng nhanh.”
Nhờ sự kiên trì chăm sóc và áp dụng kỹ thuật khuyến nông, đến nay anh Mạnh đã mở rộng diện tích lên 2 ha. Năm 2024, sản lượng đạt 5–6 tấn quả, giá bán ổn định 20.000–30.000 đồng/kg, giúp gia đình thu về hơn 120 triệu đồng mỗi năm. Điều đáng mừng là thương lái đến tận nơi thu mua, sản phẩm làm ra tiêu thụ hết, không lo đầu ra.
Hồng giòn Nhật Bản: Thêm một hướng đi mới
Không chỉ cây lê, hồng giòn Fuyu (Nhật Bản) cũng được nhiều nông dân Mù Cang Chải tin tưởng lựa chọn. Điển hình là ông Thào Nhà Của, cư dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt. Trước đây, hơn 1 ha vườn nhà ông chỉ trồng cây tạp giữ đất, hầu như không đem lại thu nhập đáng kể. Khi được địa phương vận động, ông đã tham gia dự án trồng thử nghiệm hồng giòn.

Ông Của nhớ lại: “Được hỗ trợ cây giống, tôi mạnh dạn trồng và nhân rộng vườn hồng. Loại hồng này rất sai quả, từ năm thứ 3 đã bắt đầu thu bói. Mỗi cây cho 40–50 kg quả. Quả to, giòn, ngọt, bán rất dễ.”
Nhờ cách chăm sóc tỉ mỉ, bón phân chuồng ủ hoai mục và tuyệt đối không phun thuốc hóa học, vườn hồng phát triển tốt. Mỗi năm, ông Của thu khoảng 2 tấn quả, bán với giá từ 35.000–40.000 đồng/kg. Năm nay, sản lượng dự kiến vượt 3 tấn, mang lại nguồn thu ổn định.
Bí quyết thành công của ông là giữ nguyên tắc “sạch”, chỉ dùng biện pháp thủ công để diệt sâu, không làm ảnh hưởng chất lượng quả. Vườn hồng giòn của ông được nhiều hộ trong bản đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Chủ trương biến bất lợi thành lợi thế
Theo ông Lương Văn Thư, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mù Cang Chải, khí hậu lạnh, mùa đông khắc nghiệt vốn được coi là bất lợi, lại chính là điều kiện lý tưởng cho các giống cây ăn quả ôn đới như lê, hồng giòn, mận, mơ phát triển. Mùa đông lạnh giúp cây ngủ đông, tránh rét hại, tích lũy dinh dưỡng để bung lộc, ra hoa vào mùa xuân.
Sau hơn một thập kỷ thử nghiệm, địa phương đã xác định trồng cây ăn quả ôn đới là hướng đi đúng. Các mô hình của nông dân như anh Mạnh, ông Của cho thấy hiệu quả rõ rệt, không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn tạo sinh kế bền vững.
Hiện nay, huyện tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhiều hộ bắt đầu liên kết thành nhóm sản xuất để chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp tiêu thụ.
Sự thành công của những mô hình này khẳng định vai trò chủ động của nông dân trong thay đổi tư duy sản xuất. Thay vì trông chờ vào cây ngô, cây lúa với giá trị thấp, nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi, kiên trì đầu tư, bám đất, bám vườn để khai thác lợi thế địa phương.