Nửa vời xử lý nạn xây nhà lụi tại huyện Bình Chánh

Cập nhật: 15:12 | 16/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Năm 2013, hàng trăm căn nhà xây dựng không phép ở huyện Bình Chánh, TP. HCM đã bị các cơ quan chức năng kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, vấn nạn này vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu chấm dứt.

nua voi xu ly nan xay nha lui tai huyen binh chanh Diễn biến đất nền mới nhất tại Bình Chánh, Quận 9, Thủ Đức
nua voi xu ly nan xay nha lui tai huyen binh chanh Huyện Bình Chánh "trảm" cán bộ tiếp tay cho nạn xây nhà không phép
nua voi xu ly nan xay nha lui tai huyen binh chanh Ngàn hecta đất dự án bỏ hoang tại Mê Linh, Bình Chánh: Chỉ còn nỗi khổ dân cày

Dọc đường Thới Hòa, nhiều căn nhà mới thi nhau mọc lên trên những khu đất trống.

Tại xã Vĩnh Lộc A, không khó nhận thấy những căn nhà bên ngoài bọc tôn nhưng bên trong xây kiên cố, nằm sâu trong nhiều con hẻm ở ấp 2A, ấp 4, đường Nữ Dân Công.

nua voi xu ly nan xay nha lui tai huyen binh chanh

Tình trạng ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng tương tự. Cơ quan chức năng địa phương đã dựng bảng thông báo nghiêm cấm phân lô, bán nền trái pháp luật và xây dựng không phép song vẫn không thể ngăn cản việc "mọc lên" của hàng chục ngôi nhà.

Theo tìm hiểu, nếu muốn xây nhà, người mua đất bỏ thêm một khoản tiền khác cho chủ thầu. Chủ thầu sẽ cam đoan "bao trọn gói" xây nhà.

Theo thống kê, xã Vĩnh Lộc B có diện tích hơn 1.700 ha nhưng diện tích đất ở hiện hữu chỉ khoảng 137 ha, còn lại là đất nông nghiệp và đất dân cư xây mới. Xã Vĩnh Lộc A có diện tích tự nhiên gần 2.000 ha, trong đó gần 66 ha có chức năng đất ở đô thị hiện hữu chiếm chưa tới 5% tổng quỹ đất; 102 ha có chức năng đất dân cư xây mới.

Mới đây, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng thừa nhận nhu cầu về nhà ở càng ngày càng cao trong khi quỹ đất không thể đáp ứng.

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết Bình Chánh tuy là huyện ngoại thành nhưng lại tiếp giáp với các quận, huyện đô thị hóa cao nên tốc độ tăng dân số cũng khá nhanh. Toàn huyện có khoảng 686.837 người với 180.122 hộ, phần lớn là dân lao động từ tỉnh thành khác đến sống theo dạng gia đình (trung bình 3 người/hộ). Họ có mức thu nhập trung bình, chủ yếu thuê ở trọ, không có nhiều khả năng để mua nhà ở hợp pháp do giá cao nên thường mua bán đất nông nghiệp theo hình thức giấy tay do giá rẻ, từ đó dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Theo đó, huyện Bình Chánh đã chỉ đạo UBND các xã tập trung xử lý dứt điểm, khắc phục triệt để các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng; yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức địa chính, xây dựng, trật tự đô thị tăng cường tuần tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ tình hình quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân công, kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm…

Bên cạnh việc mạnh tay xử lý, UBND huyện Bình Chánh cũng kiến nghị UBND thành phố có chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở riêng lẻ, cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đối với người dân có nhà, đất ở hợp pháp tại các khu vực quy hoạch chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới trong thời gian chưa có các dự án đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bình Chánh cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 - 2020) của huyện.

Liên quan đến vấn đề này, theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND TP. HCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố nghiên cứu các quy định hiện hành liên quan và nhu cầu thực tế sử dụng đất tại địa phương để tham mưu chuyển đổi chức năng quy hoạch sử dụng đất, lập quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 để cấp phép xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tạo dựng nơi ở ổn định, hạn chế việc xây dựng sai phép, không phép...

Đã kỷ luật 117 cán bộ, công chức

Từ năm 2012 đến nay, huyện Bình Chánh đã lập hồ sơ xử lý 7.033 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó, 6.339 trường hợp vi phạm xây dựng không phép và vi phạm đất đai do tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép; 684 trường hợp sai phép. Kết quả, đã xử lý 5.095 trường hợp, tổng diện tích vi phạm đã thực hiện cưỡng chế là 254.750 m2.

Cũng từ thời điểm này, tổng số cán bộ, công chức ở Bình Chánh bị kỷ luật là 117 người trong đó, 78 người bị khiển trách, 34 người bị cảnh cáo, 3 người bị hạ bậc lương và 2 người bị cho thôi việc.

Được biết ở thời điểm hiện tại, những nơi bị cưỡng chế tháo dỡ nhà xây không phép năm 2013 ở xã Vĩnh Lộc A vẫn đang là những nền nhà, móng nhà vẫn còn đó, đất đai bị bỏ hoang.

Bà Nguyễn Thị Uyên, một người dân địa phương cho biết: "Sau khi chính quyền cưỡng chế một thời gian thì nơi này thành đất bỏ hoang. "Người dân xây nhà trái phép bị cưỡng chế tháo dỡ là chuyện không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, đất sau khi cưỡng chế thì không thể trồng trọt, bởi ngoài xà bần, cát, đá thì mỗi hộ chỉ có một khoảnh nhỏ, đâu biết trồng cái gì. Mong chính quyền sớm điều chỉnh quy hoạch hay quy hoạch một cách bài bản, rõ ràng để đất đai không bị lãng phí như hiện nay".

Đức Hậu

Tin liên quan