NovaGroup tiếp tục bị bán giải chấp 40 triệu cổ phiếu NVL

Cập nhật: 08:17 | 07/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Phiên NovaGroup bị giải chấp 30/11 ghi nhận thanh khoản bùng nổ của cổ phiếu NVL. Khối lượng giao dịch thoả thuận kỷ lục gần 72 triệu đơn vị, cộng thêm hơn 23 triệu cổ phiếu giao dịch trên kênh khớp lệnh, tương ứng tổng giá trị giao dịch hơn 2.100 tỷ đồng. Giá cổ phiếu NVL kết phiên 30/11 tăng trần phiên thứ hai liên tiếp lên 23.350 đồng/cp.

Công ty CP NovaGroup vừa thông báo đã bán ra hơn 40 triệu cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland). Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong phiên 30/11. Theo văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), NovaGroup cho biết đây là giao dịch công ty chứng khoán bán giải chấp.

Ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch HĐQT Novaland
Ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch HĐQT Novaland.

Sau giao dịch tổ chức này đã giảm sở hữu tại Novaland xuống còn gần 671 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 34,41% và vẫn là cổ đông lớn nhất của Novaland.

Đáng chú ý, phiên NovaGroup bị giải chấp 30/11 ghi nhận thanh khoản bùng nổ của cổ phiếu NVL. Khối lượng giao dịch thoả thuận kỷ lục gần 72 triệu đơn vị, cộng thêm hơn 23 triệu cổ phiếu giao dịch trên kênh khớp lệnh, tương ứng tổng giá trị giao dịch hơn 2.100 tỷ đồng. Giá cổ phiếu NVL cũng kết phiên tăng trần phiên thứ hai lên mức 23.350 đồng/cp.

Trước đó, CTCK đã bán giải chấp 12,722 triệu cổ phiếu NVL do NovaGroup nắm giữ, qua đó làm giảm sở hữu của NovaGroup từ 721,83 triệu cổ phiếu giảm về 710,93 triệu cổ phiếu NVL, tương ứng tỷ lệ sở hữu 36,461% vốn Novaland. Ngày thực hiện giao dịch là 22/11/2022.

Liên quan tới NovaGroup, trước đó công ty này vừa có thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về việc giao dịch cổ phiếu NVL. Theo đó, NovaGroup đăng ký bán ra 150 triệu cổ phiếu NVL theo phương thức thỏa thuận cho các nhà đầu tư và tổ chức có năng lực tài chính, thời gian từ ngày 30/11 – 29/12/2022.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của NovaGroup ở NovaLand sẽ giảm từ 36,461% vốn xuống còn 28,768% vốn điều lệ, tương đương với 560,9 triệu cổ phiếu NVL.

Mục đích thực hiện giao dịch là “tập trung bổ sung các nguồn vốn để thực hiện các phương án xử lý trái phiếu; đưa hệ số tài chính của công ty về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn”.

Bước đầu, NovaGroup cho biết đã đàm phán thành công với nhà đầu tư và các tổ chức có năng lực tài chính lớn tham gia nhận chuyển nhượng một phần vốn tại Novaland. Thời gian thực hiện chuyển nhượng dự kiến từ cuối tháng 11 đến tháng 12/2022. Bên cạnh đó, Novaland tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động bán hàng, thu xếp nguồn vốn, cắt giảm các khoản đầu tư chưa thật sự cần thiết để tối ưu chi phí, tập trung nguồn lực tối đa hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai, cam kết bàn giao nhà đúng tiến độ theo từng giai đoạn cho khách hàng.

Trở lại với diễn biến giá cổ phiếu NVL, trên thị trường, sau chuỗi giảm sàn 17 phiên liên tiếp, cổ phiếu NVL đã ngắt được mạch giảm và tăng trần trong phiên 29/11 lên mức 21.850 đồng/cp. Sau khi có quãng phục hồi vài phiên đã quay trở lại đà giảm và giảm sàn liên tiếp phiên 5 và 6/12, hiện đã rơi về mức 20.600 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 52,3 triệu đơn vị (chốt phiên 6/12).

Như vậy chỉ cần thêm 1 phiên giảm sàn thì giá NVL sẽ thủng đáy và ghi nhận mức giá thấp nhất trong lịch sử niêm yết. Vốn hóa Novaland hiện chỉ vào khoảng 40.200 tỷ đồng, chưa tới 1/4 so với đỉnh đạt được đầu tháng 7 năm ngoái.

Diễn biến giá cổ phiếu NVL. Nguồn TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu NVL. Nguồn TradingView

Ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch HĐQT Novaland

Novaland đang thực hiện thủ tục xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi cơ cấu HĐQT, điều chỉnh số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 5 và bầu cử lại thành viên HĐQT.

Trước tình hình biến động của kinh tế vĩ mô thế giới và chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng nhà nước, HĐQT và Ban điều hành của Novaland quyết liệt đưa ra những giải pháp mạnh mẽ. Cụ thể, tập đoàn sẽ tiến hành tinh giảm các ngành nghề chưa cần thiết, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh lại chiến lược; song song đó là mời các chuyên gia, các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới vào để giúp Tập đoàn tái cấu trúc để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện, Novaland đang cùng các cổ đông, đối tác nước ngoài, các đội ngũ chuyên gia hàng đầu của EY - Parthenon, Công ty luật YKVN … đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện.

Theo đề án tái cấu trúc, ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch HĐQT Novaland.

“Tôi trở lại với vai trò Chủ tịch HĐQT và là đại diện pháp luật của Novaland vì tôi nghĩ rằng, đã là doanh nhân - chúng ta phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức. Vì trở ngại này vừa vượt qua thì khó khăn khác sẽ đến. Tôi mong rằng, với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh sẽ tiếp tục toả sáng khắp các tỉnh thành, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu khách hàng, tiếp tục góp phần vào một nước Việt Nam phát triển”, ông Bùi Thành Nhơn chia sẻ.

Bà Đào Thị Thiên Hương, lãnh đạo EY- Parthenon Việt Nam, là đơn vị tư vấn chiến lược và tái cấu trúc thuộc EY toàn cầu, cho biết: “Đây là giai đoạn thị trường trong nước cũng như quốc tế đang đối diện với rất nhiều thách thức và có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động cũng như thanh khoản của nhiều doanh nghiệp".

"Với đội ngũ EY-Parthenon, đây không chỉ là một dự án tái cấu trúc nợ của một doanh nghiệp đơn thuần, mà còn là câu chuyện ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn gia đình người lao động, bao gồm hàng nghìn cán bộ nhân viên của Novaland và hàng trăm nghìn người lao động trong hệ sinh thái hợp tác với Novaland từ xây dựng, vật liệu, sắt thép, các dịch vụ vệ sinh, cây xanh, bảo vệ, bán lẻ…, hàng nghìn cổ đông, và hàng chục nghìn khách hàng đang chờ mong nhận một mái nhà"", bà Hương cho biết.

Trước đó, HĐQT của Novaland đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ thành viên độc lập HĐQT của Ông Jeffrey David Perlman, ngày hiệu lực từ 30/11/2022.

Trước những biến động mạnh mẽ đến với Novaland, ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT tập đoàn cũng đã có tâm thư gửi tới khách hàng. “Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và đang cùng với cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu (Ernst & Young, KPMG, Công ty Luật YKVN) làm việc ngày đêm để giúp NovaLand rà soát, cân đối lại dòng tiền để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án bất động sản trung tâm TP.HCM”, tâm thư ghi.

Ông Bùi Xuân Huy bày tỏ xin lỗi khi biết rằng, quý đối tác của NovaLand có thể cảm thấy lo lắng và bất an trước những thông tin biến động của Tập đoàn thời gian qua; dù những thông tin này được đến từ đâu và theo cách thức nào.

Liên quan tới hoạt động của Novaland, theo thông tin mới nhất vừa công bố, Novaland đã mua lại trái phiếu NVLH2122015 trước hạn với tổng mệnh giá phát hành 1.000 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, ngày phát hành 24/12/2021, ngày đáo hạn 24/12/2022. Ngày thực hiện việc mua lại trước hạn là 2/12/2022.

Trước đó, ngày 7/10, Novaland cũng mua lại hơn 86 tỷ đồng của lô trái phiếu NVLH2123013 với tổng giá trị phát hành hơn 430 tỷ đồng. Sau khi mua lại, khối lượng còn lại của lô trái phiếu là hơn 344 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 7/12/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Xi măng Sài Sơn (SCJ) cần tiền trả nợ và "niềm tin" của chủ tịch công ty

Trong năm vừa qua, cổ phiếu SCJ đã giảm giá mạnh từ mức 11.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2022 xuống chỉ còn dao động ...

Phố Wall đỏ lửa, cổ phiếu công nghệ đồng loạt giảm sâu

Các chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt trượt dốc vào thứ Ba, dẫn đầu là sự sụt giảm của Meta Platforms và các ...

Khánh Vân