Nóng vội muốn mua vàng, tôi đã suýt mất trắng cả trăm triệu
Giá vàng tăng mạnh kéo theo tình trạng khan hiếm, khiến nhiều người đổ xô mua qua hội nhóm Facebook, Zalo vì nghĩ “vừa rẻ, vừa tiện”, trong đó có cả tôi!
Sáng thứ Hai, tôi ghé một tiệm vàng lớn ở Hà Nội để hỏi mua 2 lượng vàng miếng SJC. Nhân viên lắc đầu: “Chỉ còn một lượng. Nếu lấy hai thì phải đợi thêm một hai hôm nữa.” Tôi ngạc nhiên. Giữa phố lớn, tiệm vàng uy tín, mà cũng “hết hàng”?
Sau vài vòng hỏi thêm bạn bè, tôi mới biết, tình trạng khan hiếm vàng miếng không hiếm – đặc biệt vào những ngày giá tăng mạnh. Trong bối cảnh giá vàng miếng SJC vọt lên hơn 121 triệu đồng/lượng, nhiều người đổ xô đi mua, còn nguồn cung từ các tiệm chính ngạch lại bị giới hạn.
Bạn tôi – một người từng mua vàng qua Facebook bảo: “Tìm trên mạng đi, đầy người bán, đủ vỉ, đủ giấy, giá lại rẻ hơn cả niêm yết.”

Tò mò, tôi vào thử một nhóm Facebook tên “Mua bán vàng miếng SJC toàn quốc – không qua trung gian”. Hơn 80.000 thành viên, hàng trăm bài đăng mỗi ngày. Người bán vàng, người cần mua vàng, người hỏi giá, người chào hàng “ship toàn quốc, uy tín, có bảo hiểm”.
Giá được niêm yết rõ ràng. Nếu trong ngày giá vàng miếng SJC được công ty vàng niêm yết 115 – 118 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), thì trong nhóm, nhiều người rao bán với giá 116,5 triệu đồng/lượng – tức nằm đúng giữa mức giá mua – bán chính thức. Nhìn sơ thì thấy “ngon”: bên bán lời hơn giá thu mua, bên mua rẻ hơn giá niêm yết.
Người bán còn cam kết: “Có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ ngân hàng”, “vàng nguyên vỉ, không cạy, không xước, bao test”.
Tôi đã suýt xuống tiền!
Và có vẻ như tôi đã may mắn với chút "lưỡng lự" này.
Sau đó chỉ ít hôm, chị Phượng – một người tôi quen biết, vì để trả "nợ cưới", đã "xuống tiền" theo cái cách tôi định làm, đó là mua vàng qua mạng. Người bán rất lịch sự, còn gửi cả ảnh hóa đơn in sẵn của ngân hàng lớn. Khi nhận được vàng, chị cẩn thận mang đi kiểm tra tại một cửa hàng khác.
Kết quả, vàng không đủ tuổi. Tem vỉ giống thật, nhưng là vỉ gia công lại. Giấy tờ là bản photo màu, không có mã hóa giao dịch.
Chị Phượng mất gần 120 triệu cho một lượng vàng mà không thể bán lại, không ai thu mua. Người bán biến mất sau khi giao hàng, không còn liên lạc được.
Trên các nền tảng như Facebook, Telegram, Zalo… hiện nay có hàng chục hội nhóm tương tự với tên gọi như “Vàng SJC giá tốt”, “Mua bán vàng trực tuyến toàn quốc”, hoạt động nhộn nhịp. Bên trong là hàng trăm tài khoản rao giá, chia sẻ ảnh, cam kết “giao dịch an toàn, không lừa đảo”.
Nhưng thực tế, phần lớn giao dịch không có gì đảm bảo ngoài lời hứa. Không hợp đồng, không giấy chứng nhận tuổi vàng, không hóa đơn xuất xứ rõ ràng. Nếu có vấn đề, người mua thường phải “tự chịu trách nhiệm” vì thỏa thuận được thực hiện ngoài pháp luật.
Một chuyên gia trong ngành vàng cho biết: “Không thiếu trường hợp vàng giả, vàng non, vỉ ép lại, mạ vàng… được rao bán tràn lan trên mạng, đánh đúng tâm lý ham giá rẻ hoặc muốn giao dịch nhanh, kín đáo của người tiêu dùng”.
Tôi không phủ nhận rằng vẫn có người mua được vàng thật từ các hội nhóm, nhưng đó là “cú may”, mà đầu tư không thể đặt trên nền của may rủi. Nhất là khi giá vàng biến động từng giờ, từng ngày, chỉ một quyết định vội cũng có thể khiến bạn mất cả trăm triệu đồng mà không kêu được ai.
Đôi khi, sự chênh lệch vài trăm nghìn mỗi lượng không đáng để đánh đổi bằng toàn bộ số tiền bạn đang giữ.
Tôi chưa mua vàng. Nhưng lần tới, nếu có – tôi sẽ chấp nhận xếp hàng ở tiệm, chờ thêm vài ngày, thậm chí mua giá cao hơn một chút… miễn là được ngủ yên sau đó.