Mô hình mới

Nông dân vùng khó Quảng Trị nuôi hơn 1.900 con gia súc, chọn bò làm đường thoát nghèo

Phú Quý 24/07/2025 11:24

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng tại xã Ba Lòng, tỉnh Quảng Trị giúp nhiều nông dân thoát nghèo bền vững.

Từ mô hình điểm đến tổ hợp tác sản xuất hiệu quả

Vùng đất xã Ba Lòng, từng là chiến khu cách mạng của tỉnh Quảng Trị hiện đang ghi nhận sự chuyển mình tích cực về kinh tế, đặc biệt là thông qua mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng. Trong điều kiện địa hình đồi núi, thời tiết khắc nghiệt và đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc chuyển đổi hình thức chăn nuôi được xem là bước đi hiệu quả và phù hợp với thực tiễn địa phương.

Gia đình ông Lê Quang Thao, ở thôn 5, là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi từ chăn nuôi thả rong sang nuôi bò nhốt chuồng. Năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông được hỗ trợ 15 con bò lai Sind, giống cỏ voi, máy cắt thức ăn và hệ thống nước.

Sử dụng máy cắt cỏ trong chăn nuôi bò nhốt chuồng ở tổ hợp tác của ông Lê Quang Thao
Sử dụng máy cắt cỏ trong chăn nuôi bò nhốt chuồng ở tổ hợp tác của ông Lê Quang Thao

Ông Thao đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, trồng 2ha cỏ voi, đồng thời tham gia tập huấn kỹ thuật, biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây bắp, lạc, sắn làm thức ăn cho bò. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn bò của ông phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ thành công ban đầu, ông Thao cùng hai hộ dân khác thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng. Đến nay, tổ hợp tác có hơn 50 con bò, đã xuất chuồng hơn 20 con. Nhờ chủ động nguồn thức ăn và kiểm soát dịch bệnh, thu nhập các hộ gia đình ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Mở rộng mô hình từ hiệu quả thực tiễn

Thôn 5, xã Ba Lòng có 112 hộ, hơn 500 nhân khẩu, đời sống chủ yếu dựa vào trồng rừng và chăn nuôi. Trước đây, việc chăn thả gia súc tự do thường dẫn đến dịch bệnh, thiệt hại kinh tế. Từ thành công của tổ hợp tác, tháng 5/2025, xã Triệu Nguyên (trước khi sáp nhập) đã vận dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để nhân rộng mô hình.

Mô hình nuôi bò theo nhóm hộ ở thôn 5 bước đầu phát huy hiệu quả
Mô hình nuôi bò theo nhóm hộ bước đầu phát huy hiệu quả

Cụ thể, xã xây dựng hai nhóm hộ (mỗi nhóm 4–6 hộ), mỗi nhóm được hỗ trợ 9–12 con bò lai Sind và giống cỏ voi. Các hộ tự đóng góp công sức, kinh phí để xây dựng chuồng trại. Đàn bò của các nhóm hiện phát triển ổn định.

Tại nhóm do anh Nguyễn Quốc Dũng làm tổ trưởng, mỗi hộ được cấp 2 con bò giống. Tuy gặp khó khăn do hạn hán làm giảm năng suất cỏ voi, nhưng các thành viên tích cực chia nhau cắt cỏ tự nhiên, thay nhau đưa bò ra đồng cỏ khi cần thiết. Anh Dũng chia sẻ: “Chúng tôi cam kết chăm sóc đàn bò thật tốt để nhân đàn và thoát nghèo bền vững. Mong muốn lớn nhất là địa phương quy hoạch đồng cỏ ổn định lâu dài.”

Không chỉ hỗ trợ lẫn nhau trong kỹ thuật, các nhóm hộ còn là hạt nhân lan tỏa kinh nghiệm, khuyến khích thêm nhiều hộ dân khác cùng tham gia chuyển đổi chăn nuôi.

Định hướng lâu dài từ chính quyền địa phương

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ba Lòng Trần Hữu Hiếu, tổng đàn gia súc của xã hiện đạt gần 1.930 con, trong đó đàn bò chiếm tỷ lệ lớn. Chính quyền xã xác định việc chăn nuôi nhốt chuồng là hướng phát triển chiến lược, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích người dân đầu tư chuồng trại kiên cố, tận dụng phụ phẩm làm thức ăn, và phối hợp cùng các sở ngành tổ chức tập huấn kỹ thuật, lựa chọn giống bò phù hợp với điều kiện địa phương.

Bên cạnh đó, xã sẽ xây dựng quy hoạch đồng cỏ, hệ thống xử lý chất thải, bảo đảm môi trường chăn nuôi bền vững. Những nỗ lực này không chỉ giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Nông dân vùng khó Quảng Trị nuôi hơn 1.900 con gia súc, chọn bò làm đường thoát nghèo
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO