Mô hình mới

Nông dân trẻ Hà Tĩnh giữ lửa nghề truyền thống, biến căn phòng kín thành "vương quốc tơ lụa", thu nhập lên đến nửa tỷ đồng mỗi năm

Tuấn Anh 07/07/2025 11:26

Nông dân Hà Tĩnh áp dụng mô hình mới vào nghề truyền thống, nay mang lại thu nhập cao ngất ngưởng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hành trình học hỏi để thay đổi phương thức nuôi tằm

Tại xã Sơn Giang - Hà Tĩnh (trước đây thuộc xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn cũ), anh Nguyễn Văn Cường (42 tuổi) đã trở thành một trong những nông dân tiên phong áp dụng công nghệ để nuôi tằm trong phòng kín có điều hòa. Mô hình của anh không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn mở ra hướng phát triển mới cho nghề trồng dâu nuôi tằm tại địa phương.

Bắt đầu từ tháng 9/2022, anh Cường nhập trứng tằm về thử nghiệm nuôi. Trong thời gian đầu, sản lượng kén thu được còn thấp do anh chưa có nhiều kinh nghiệm. Không bỏ cuộc, anh chủ động đi học tập kỹ thuật tại Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương. Sau quá trình học hỏi, anh Cường quay trở về quê và mạnh dạn đầu tư nuôi các giống tằm chất lượng cao như VH 2020 và giống tằm lưỡng hệ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Anh Cường kiên trì với nghề nuôi tằm
Anh Cường kiên trì với nghề nuôi tằm

Theo anh Cường, tằm là loài rất nhạy cảm với điều kiện nhiệt độ và độ ẩm. Giai đoạn ươm giống, tằm thích hợp nhất ở mức nhiệt độ khoảng 25–28°C. Nếu không duy trì được mức nhiệt độ phù hợp, tằm dễ bỏ ăn hoặc bị bệnh, thậm chí chết hàng loạt. Trong khi đó, Hà Tĩnh lại là địa phương có khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè cao và mùa đông giảm sâu, gây khó khăn lớn cho việc nuôi tằm theo phương pháp truyền thống.

Để khắc phục thách thức này, anh Cường quyết định đầu tư hai máy điều hòa hai chiều và lắp đặt hệ thống thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm trong khu vực nuôi tằm. Nhờ duy trì ổn định các thông số môi trường, tằm sinh trưởng tốt, tỷ lệ mắc bệnh giảm đáng kể.

Mô hình nuôi tằm công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế

Hiện tại, cơ sở của anh Cường duy trì nuôi khoảng 120 “né” tằm. Mỗi hộp tằm con nặng khoảng 100g, sau 15 ngày chăm sóc sẽ tiêu thụ khoảng 800kg lá dâu và cho thu hoạch 45–50kg kén tằm.

Anh Cường đã mở rộng diện tích trồng dâu từ 3ha ban đầu lên 7ha, đạt năng suất trung bình 9 tấn/ha. Việc chủ động nguồn thức ăn giúp giảm chi phí sản xuất và đảm bảo chất lượng lá dâu tươi sạch phục vụ đàn tằm.

anh Cường đầu tư nuôi các giống tằm chất lượng cao như VH 2020 và giống tằm lưỡng hệ nhập từ Trung Quốc
Anh Cường đầu tư nuôi các giống tằm chất lượng cao như VH 2020 và giống tằm lưỡng hệ nhập từ Trung Quốc

Chia sẻ về công tác chăm sóc, anh Cường cho biết: “Công tác vệ sinh và khử khuẩn khu vực nuôi tằm phải được đặt lên hàng đầu. Chỉ cần lơ là một chút là có thể ảnh hưởng đến cả lứa tằm.”

Khi tằm bước vào giai đoạn “chín” – giai đoạn chuẩn bị tạo kén – người nuôi sẽ di chuyển tằm lên các ván gỗ gọi là “né”. Tại đây, mỗi con sẽ tự tìm ô vuông để trú ngụ, bắt đầu nhả tơ và tạo thành kén. Nhờ quy trình chăm sóc tỉ mỉ và kiểm soát môi trường chặt chẽ, mô hình nuôi tằm điều hòa của anh Cường đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 2–3 lần cách nuôi truyền thống.

Khi tằm bước vào giai đoạn chín - thời điểm tạo kén, người nuôi sẽ chuyển chúng vào các ván gỗ, gọi là né
Khi tằm bước vào giai đoạn chín tạo kén, anh Cường sẽ chuyển chúng vào các ván gỗ

Trung bình mỗi tháng, anh thu về 40–45 triệu đồng, tương đương hơn 500 triệu đồng/năm. Mô hình cũng tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương.

Hướng đi mới cho nông dân trồng dâu nuôi tằm

Mô hình nuôi tằm trong phòng kín điều hòa của anh Cường được nhiều người dân trong vùng đến tham quan, học hỏi. Đây được xem là hướng đi mới, phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp ở miền Trung – nơi khí hậu thất thường ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng tằm kén.

Theo đại diện ngành nông nghiệp địa phương, việc đầu tư công nghệ kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất, hạn chế rủi ro do thời tiết. Mô hình cũng góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình và tạo thêm việc làm tại chỗ.

Dù chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng anh Cường cho rằng đây là khoản đầu tư xứng đáng. “Hiệu quả kinh tế đã chứng minh mô hình phù hợp. Tôi mong nhiều hộ khác sẽ mạnh dạn áp dụng công nghệ mới để nâng cao giá trị sản phẩm,” anh Cường chia sẻ.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của các cơ quan khuyến nông, nhiều nông dân tại Hà Tĩnh đang cân nhắc chuyển đổi sang nuôi tằm công nghệ cao, tận dụng lợi thế vùng bãi bồi ven sông để phát triển cây dâu bền vững.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Nông dân trẻ Hà Tĩnh giữ lửa nghề truyền thống, biến căn phòng kín thành "vương quốc tơ lụa", thu nhập lên đến nửa tỷ đồng mỗi năm
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO