Mô hình mới

Nông dân một xã ở Nam Định lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ một loại gia vị đã có từ hàng trăm năm nay

Nguyễn Trang 08/05/2025 6:00

Những nông dân tại Hải Hậu (Nam Định) đang gìn giữ và nâng tầm nghề thông qua mô hình HTX hiện đại, giúp sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Gìn giữ nghề cổ truyền bằng tư duy mới

Từ một làng nghề truyền thống bên biển bị xóa sổ bởi biến đổi khí hậu, những nông dân Hải Hậu (Nam Định) đang nối tiếp di sản tổ tiên bằng cách tổ chức lại sản xuất, ứng dụng kỹ thuật mới và xây dựng thương hiệu nước mắm “Nhà thờ đổ”.

Sản phẩm nước mắm Nhà thờ đổ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Sản phẩm nước mắm Nhà thờ đổ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (Ảnh: Báo Nam Định)

Làng chài Xương Điền – Văn Lý từ hàng trăm năm trước đã nổi tiếng với nghề làm nước mắm. Người dân nơi đây sử dụng nguyên liệu tự nhiên sẵn có như cá cơm, muối để chế biến thành nước mắm nhĩ, giữ gìn công thức truyền thống qua bao thế hệ. Tuy nhiên, nghề làm mắm ở đây lâu nay vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, khó cạnh tranh trên thị trường.

Trước thực trạng đó, năm 2019, anh Nguyễn Đức Duy – một người dân gắn bó ba đời với nghề mắm đã vận động các hộ dân cùng nhau thành lập HTX nông nghiệp và thủy sản Hải Hậu. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX đã từng bước chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, đào tạo kỹ năng và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm.

Không chỉ gói gọn trong kinh nghiệm truyền thống, các thành viên HTX còn được học các lớp bồi dưỡng về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn sản xuất, hướng tới sự minh bạch và uy tín trong mắt người tiêu dùng.

Chuẩn hóa sản xuất, khẳng định thương hiệu địa phương

Hiện nay, cơ sở chính của HTX có diện tích 4.000m², được đầu tư hàng trăm bể thống (mỗi bể chứa khoảng 2 tấn cá) và các chum gốm sứ để phơi nước mắm. Quá trình sản xuất được tuân thủ nghiêm ngặt theo phương pháp truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại.

Phương pháp ủ chượp cổ truyền – dùng muối phủ kín cá sau khi sơ chế, để lên men trong 12 đến 18 tháng vẫn được giữ nguyên. Cá cơm được mua từ các tàu đánh bắt trong ngày, còn muối đến từ những cơ sở sản xuất muối tại địa phương đảm bảo vệ sinh. Trong quá trình lên men, hỗn hợp được đảo trộn và phơi nắng định kỳ để đảm bảo quá trình enzym phân giải diễn ra hiệu quả.

Đặc biệt, HTX áp dụng quy trình HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) giúp kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến đầu ra. Các công đoạn như lọc nước mắm, sục rửa, sấy khô chai thủy tinh đều được cơ giới hóa, góp phần tăng năng suất gấp 4 lần so với trước đây.

Sản phẩm nước mắm “Nhà thờ đổ” được sản xuất theo phương châm “3 không”: không phẩm màu, không hương liệu, không chất bảo quản. Nhờ đó, năm 2021, sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, hướng tới mục tiêu đạt tiêu chuẩn ISO để phục vụ xuất khẩu.

Nông dân làm chủ chuỗi giá trị nước mắm

Gia đình anh Nguyễn Đức Duy hiện sở hữu khu sản xuất quy mô 3.000m², với trên 150 bể thống và hàng chục chum sành lớn. Mỗi năm, cơ sở của anh cung cấp khoảng 300.000 lít nước mắm ra thị trường, đồng thời hỗ trợ thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho 8 thành viên khác trong HTX.

Hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản Hải Hậu ủ chượp nước mắm theo phương pháp truyền thống
Hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản Hải Hậu ủ chượp nước mắm theo phương pháp truyền thống (Ảnh: Báo Nam Định)

Tổng sản lượng cá và tép HTX thu mua mỗi năm khoảng 40-50 tấn, kết hợp với 150-200 tấn muối, đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định quanh năm. Nước mắm được đóng chai và phân phối ra thị trường trong và ngoài tỉnh, từng bước khẳng định thương hiệu đặc sản địa phương.

HTX hiện tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm đạt khoảng 3 tỷ đồng, không chỉ giúp giữ vững nghề truyền thống mà còn mang lại nguồn thu ổn định cho người dân địa phương.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Nông dân một xã ở Nam Định lãi tiền tỷ mỗi năm nhờ một loại gia vị đã có từ hàng trăm năm nay
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO