Nông dân miền Tây hái ra vàng từ loại quả kỳ lạ, vừa bán trái vừa tham quan mà kiếm tới hàng trăm triệu
Loại cây này tại tỉnh Kiên Giang đang mang lại lợi nhuận ổn định cho nông dân, với nhiều hộ dân đạt lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha.
Cây dâu da trở thành nguồn sinh kế ổn định tại nhiều xã thuộc huyện Giồng Riềng
Những ngày đầu tháng 5, không khí thu hoạch dâu da rộn ràng khắp các xã Long Thạnh, Hòa Lợi, Hòa Hưng thuộc huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi trong suốt mùa khô vừa qua, năng suất và chất lượng trái dâu năm nay đều được đánh giá cao, mang đến niềm vui lớn cho người trồng – nhất là trong bối cảnh nhiều loại cây ăn trái khác đang gặp khó về đầu ra và giá cả.

Tại ấp Bến Nhứt, xã Long Thạnh, ông Phạm Đình – chủ một vườn dâu da hơn 1.000 gốc, gần 25 năm tuổi – cho biết: “Mỗi hécta năm nay cho năng suất từ 12 – 15 tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, vườn của tôi thu lợi ổn định, chưa kể kết hợp thêm hoạt động tham quan nên nguồn thu ngày càng tốt hơn”.
Không chỉ ông Đình, nhiều hộ trồng dâu da tại Giồng Riềng cũng đang chủ động chuyển hướng từ mô hình nông nghiệp thuần túy sang kết hợp du lịch sinh thái, nhằm khai thác tối đa giá trị từ cây dâu. Theo tính toán, lợi nhuận bình quân đạt hơn 300 triệu đồng/ha/vụ, không chỉ từ việc bán trái mà còn từ việc phục vụ du khách đến tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm vườn cây.

Chị Trần Thị Mỹ Nương – một người trồng dâu khác tại ấp Bến Nhứt – chia sẻ: “Gia đình tôi có khoảng 800 gốc dâu, ước đạt 10 tấn năm nay. Với giá bán từ 25.000 – 30.000 đồng/kg và dịch vụ mở vườn cho khách trải nghiệm, dự kiến thu nhập đạt trên 70 triệu đồng/vụ”.
Xây dựng thương hiệu dâu da Long Thạnh: Hướng đi bền vững cho nông dân
Theo Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng, toàn huyện hiện có hơn 11ha diện tích trồng dâu da, trong đó riêng xã Long Thạnh chiếm gần 10ha – trở thành vùng trồng tập trung lớn nhất huyện. Đáng chú ý, phần lớn diện tích đều là cây từ 10 – 30 năm tuổi, đang trong giai đoạn cho trái ổn định, năng suất cao, tổng sản lượng ước đạt hơn 25 tấn/ha/năm.
Bà Lê Thị Kim Phượng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thạnh – khẳng định: “Dâu da hiện là một trong những cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, Long Thạnh đang có lợi thế rõ rệt trong việc phát triển loại cây này”.
Hội Nông dân xã phối hợp thường xuyên với Trạm Khuyến nông huyện để tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh cho bà con. Qua đó, năng suất và chất lượng dâu da không ngừng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Không dừng lại ở đó, chính quyền địa phương đang định hướng xây dựng thương hiệu “Dâu da Long Thạnh” nhằm mở rộng thị trường, tăng giá trị sản phẩm và từng bước đưa cây dâu trở thành đặc sản đặc trưng của vùng. Các hộ nông dân được khuyến khích liên kết, tìm đầu ra ổn định thông qua doanh nghiệp thu mua, hợp tác xã hoặc các nền tảng thương mại điện tử.