Nông dân miền Tây bỏ thanh long, trồng trái tím “kỳ lạ”: Bán ra cả tấn mỗi mùa, thu bạc triệu đều tay
Nông dân Long Trì chuyển đổi sang giống cây "lạ" cho năng suất ổn định, dễ chăm sóc và được thị trường ưa chuộng.
Mạnh dạn chuyển đổi – Hướng đi từ thực tiễn
Từng gắn bó với cây thanh long suốt hơn 20 năm, ông Vĩnh – một nông dân xã Long Trì đã chứng kiến những thăng trầm của loại trái cây này. Sau đại dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ thanh long trở nên bấp bênh, giá cả thất thường, lợi nhuận sụt giảm. Không chấp nhận để đất bỏ hoang, ông bắt đầu tìm kiếm cây trồng mới có tiềm năng kinh tế cao hơn.

Ông đã thử nghiệm nhiều loại cây như sầu riêng, bưởi, mít… nhưng đều không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Trong quá trình tìm hiểu, ông nhận thấy giống vú sữa tím Mica – viết tắt của “Milk Fruit of Cái Mơn” (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đang được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ chất lượng và hình thức đẹp. Sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, ông cùng một số nông dân khác xuống Bến Tre mua giống về trồng thử nghiệm.
Ông Vĩnh mạnh dạn chuyển 8.500m² trồng thanh long sang trồng vú sữa Mica, chỉ giữ lại vài trăm trụ thanh long để có thêm nguồn thu tạm thời. Đến nay, toàn xã Long Trì đã có khoảng 4ha vú sữa tím Mica – đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong cơ cấu cây trồng của địa phương.
Tiềm năng kinh tế từ giống vú sữa mới
Theo chia sẻ của ông Vĩnh, giống cây này khá dễ trồng nhưng đòi hỏi phải theo dõi, chăm sóc thường xuyên. Đặc biệt, cây có khả năng chịu mặn tương đối tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khu vực Long Trì. Sau khoảng 1,5 – 2 năm, cây bắt đầu cho trái, mỗi quả nặng từ 350–500g tùy vào mức độ chăm sóc. Trái chín có màu tím đặc trưng, không có mủ, phần thịt màu trắng đục, mùi thơm dịu, vị ngọt thanh và có thể ăn được cả vỏ – những đặc điểm giúp nâng tầm giá trị thương phẩm của loại trái cây này.
Trong khâu canh tác, ông Vĩnh chú trọng sử dụng phương pháp hữu cơ. Ông chỉ dùng phân bón và thuốc hóa học trong giai đoạn đầu (khoảng 30%) để cây phát triển đều, sau đó chuyển hoàn toàn sang quy trình canh tác hữu cơ, bảo đảm trái sạch, an toàn khi đến tay người tiêu dùng. Nhờ vậy, vú sữa Mica của ông được một số siêu thị trong nước lựa chọn thu mua. Giá bán dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Riêng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, ông đã bán ra khoảng 2 tấn trái.
Xây dựng thương hiệu – Mục tiêu dài hạn cho nông dân địa phương
Nhận thấy tiềm năng của mô hình trồng vú sữa Mica, ông Vĩnh đang phối hợp với Hội Nông dân xã Long Trì lập hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP – chương trình mỗi xã một sản phẩm. Cùng lúc, ông cũng tích cực liên kết với các hộ dân trồng vú sữa trong vùng để hình thành thương hiệu tập thể “vú sữa tím Mica Long Trì”, hướng đến thị trường trong và ngoài nước.
Bà Trần Thị Kim Xuyến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Trì cho biết, đây là mô hình mới nhưng nhiều triển vọng ở địa phương. Hội đang phối hợp với cấp huyện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở rộng kênh tiêu thụ. Việc này không chỉ giúp đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm, mà còn góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân.