Mô hình mới

Nông dân Cao Bằng biến 1.800m² đất nghèo thành mô hình thu nửa tỷ mỗi năm

Ngọc Linh 23/07/2025 6:00

Từ vùng đất khô cằn dưới chân núi đá, người nông dân Phùng Văn Chì ở Cao Bằng đã phát triển mô hình đặc biệt, lan tỏa tư duy sản xuất bền vững tại địa phương.

Tư duy mới từ đất nghèo và hành trình 10 năm chuyển mình

Lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở xã Phúc Sen (nay là Quảng Uyên), ông Phùng Văn Chì từng đối mặt với thiếu thốn cả về tài nguyên đất đai lẫn nguồn nước. Diện tích canh tác chỉ khoảng 1.800m², trong đó phần lớn là đất dốc khô hạn dưới chân núi đá, không có hệ thống tưới.

Tuy nhiên, bước ngoặt đến từ năm 2018 khi ông được tiếp cận thông tin về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, mô hình hữu cơ, sản xuất tuần hoàn... qua các lớp tập huấn, báo chí và truyền hình. Từ đó, ông quyết tâm thay đổi cách làm cũ, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, tuần hoàn khép kín mà ông gọi là “tận dụng triệt để thiên nhiên, nhưng không làm tổn thương đất mẹ”.

Ông Phùng Văn Chì, xóm Quốc Tuấn, xã Quảng Uyên chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc giàn bí tổng hợp theo phương pháp hữu cơ
Ông Phùng Văn Chì, xóm Quốc Tuấn, xã Quảng Uyên chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc giàn bí tổng hợp theo phương pháp hữu cơ (Ảnh: Báo Cao Bằng)

Tận dụng từng m² đất, ông quy hoạch diện tích phù hợp với từng loại cây trồng như bí nếp, bí xanh, su su, khoai lang, ngô xen canh theo mùa, tận dụng độ ẩm dưới giàn cây để tối ưu sinh trưởng. Đồng thời, ông xây dựng chuồng trại nuôi hơn 20 con lợn thịt và 20 con nhím, với nguồn thức ăn hoàn toàn từ sản phẩm nông trại như ngô, bí, khoai, không sử dụng thức ăn công nghiệp.

Mô hình khép kín trên 1.800m² và thu nhập nửa tỷ đồng/năm

Không giống nhiều mô hình trồng trọt đơn lẻ, trang trại của ông Chì là sự kết hợp giữa trồng rau màu, chăn nuôi và xử lý phân hữu cơ một cách khép kín. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch khoảng 20 tấn rau củ theo mùa vụ và xuất chuồng trên 40 con lợn thịt, gần 3 tấn lợn hơi. Toàn bộ chất thải từ chăn nuôi được ủ men vi sinh làm phân bón hữu cơ cho vườn rau, không phụ thuộc vào thuốc trừ sâu hay phân hóa học.

Thịt lợn và nhím của ông được thị trường ưa chuộng nhờ nguồn gốc tự nhiên, không hóa chất, được thương lái đặt hàng đều đặn. Rau quả như bí, su su, khoai lang, ngô không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà còn được các hệ thống siêu thị và đầu mối thu mua từ Hải Phòng, Hà Nội ký kết bao tiêu theo mùa.

Tổng thu nhập của mô hình dao động 400 – 500 triệu đồng mỗi năm, một con số ấn tượng đối với nông dân miền núi có diện tích sản xuất không lớn. Mô hình cũng tạo việc làm ổn định cho gia đình 4 lao động, gồm hai vợ chồng ông và con trai cùng vợ.

Lan tỏa tư duy sản xuất hữu cơ trong cộng đồng nông dân vùng cao

Không giữ cho riêng mình, ông Chì chủ động chia sẻ kỹ thuật, hướng dẫn làm chuồng trại, ủ phân hữu cơ, trồng cây theo hướng tuần hoàn cho bà con trong xóm. Đến nay, hơn 20 hộ dân ở xóm Quốc Tuấn đã làm theo mô hình này. Nhờ học hỏi từ ông, nhiều hộ từng thuộc diện nghèo nay đã có nguồn thu ổn định, không còn phụ thuộc vào ngô hay lúa như trước.

Chị Lăng Thị Mai, một hộ dân trong xóm chia sẻ: “Tôi học ông Chì làm giàn trồng bí, làm phân hữu cơ, đến nay mỗi vụ bán hơn 10 tấn sản phẩm, thương lái đến tận nơi mua.”

Nhờ hiệu quả thực tế, mô hình rau màu hữu cơ của ông được xã Quảng Uyên hỗ trợ hướng đến chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội phát triển vùng sản xuất nông nghiệp an toàn. Chính quyền địa phương cũng ghi nhận ông là điển hình nông dân đổi mới, tiên phong trong phát triển nông nghiệp sạch.

Mô hình của ông còn thu hút sinh viên các trường đại học nông nghiệp từ Hà Nội, Thái Nguyên đến học hỏi thực tế. Ông tận tình hướng dẫn từng công đoạn từ trồng trọt, chăn nuôi đến xử lý chất thải, bảo vệ đất và nguồn nước. Quan điểm của ông rõ ràng: “Làm nông không còn là cày cuốc đơn thuần. Đó là một nghề, có thể làm giàu nếu biết cách, đồng thời giữ được môi trường sống cho thế hệ sau.”

Với những đóng góp tích cực, năm 2024 ông Phùng Văn Chì vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế nông nghiệp và tạo việc làm cho nông dân nông thôn. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho tinh thần sáng tạo, cần cù của một nông dân vùng cao quyết tâm thay đổi cuộc sống từ chính mảnh đất khó.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Nông dân Cao Bằng biến 1.800m² đất nghèo thành mô hình thu nửa tỷ mỗi năm
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO