Nông dân Cần Thơ thế hệ mới "nuôi vàng" dưới nước, thu đến 3.000 tấn đặc sản mỗi năm, lời đến tay cả trăm tỷ đồng
Từ một thử nghiệm nhỏ trên ao tôm kém hiệu quả, nông dân Cần Thơ đã xây dựng thành công trang trại đặc sản, doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Từ một thử nghiệm nhỏ đến trang trại cá chẽm lớn nhất miền Tây
Giữa vùng đất ngập mặn của xã Liêu Tú, TP Cần Thơ, người nông dân Võ Điền Trung Dũng đã lựa chọn một hướng đi khác biệt so với phần đông bà con: rẽ lối từ nghề nuôi tôm sang nuôi cá chẽm. Sau hơn 15 năm bền bỉ, trang trại của anh hiện là một trong những cơ sở nuôi cá chẽm quy mô lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cung ứng hàng nghìn tấn cá mỗi năm cho thị trường trong và ngoài nước.

Hơn 40ha mặt nước tại trang trại của anh Dũng hiện đang bước vào mùa thu hoạch với năng suất cao. Với giá thị trường đang ổn định, doanh thu của cơ sở này có thể đạt đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm – một con số đáng chú ý trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Câu chuyện khởi đầu từ 1,5ha ao tôm kém hiệu quả
Trước khi gắn bó với nghề nuôi cá, anh Dũng có nhiều năm làm tôm – một nghề phổ biến ở địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2010, vùng nước lợ tại miền Tây dần trở nên phù hợp hơn với các mô hình nuôi mới. Trong khi đó, dịch bệnh trên tôm lan rộng khiến rủi ro ngày càng tăng.
“Thời điểm đó, tôi chọn thử nghiệm chuyển 1,5ha ao tôm sang nuôi cá chẽm – loài cá có khả năng chịu mặn tốt, ít bệnh và có tiềm năng xuất khẩu”, anh Dũng chia sẻ. Dù chưa rõ đầu ra, anh vẫn kiên định xác định thị trường chính là các chợ đầu mối lớn tại TP.HCM.

Ngay vụ đầu tiên, mô hình đã cho thu hoạch khoảng 50 tấn cá. Từ nền tảng này, anh tiếp tục mở rộng quy mô, hoàn thiện quy trình và dần chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nuôi trong khu vực.
Đến năm 2019, khi nhu cầu cá chẽm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu tăng mạnh, anh Dũng quyết định dừng hẳn nuôi tôm và thuê lại 40ha để xây dựng trang trại thâm canh cá chẽm theo hướng công nghiệp.
Trang trại được đầu tư bài bản với hệ thống xử lý nước tuần hoàn, đảm bảo chất lượng môi trường nuôi và phù hợp tiêu chuẩn xuất khẩu. Mỗi hecta mặt nước đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng – mức chi phí cao cho ngành nuôi trồng thủy sản nhưng giúp ổn định sản lượng, kiểm soát chất lượng và giảm rủi ro bệnh dịch.
Liên kết sản xuất và chiến lược đi đường dài
Theo anh Dũng, người nuôi có thể lựa chọn mô hình quảng canh, bán thâm canh hoặc thâm canh tùy theo điều kiện. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng nước – độ mặn lý tưởng cho cá chẽm dao động từ 5-15‰ và con giống đầu vào phải đạt chuẩn, với kích thước khoảng 10cm trở lên.

Để đảm bảo sự đồng bộ trong chuỗi sản xuất, anh xây dựng đội ngũ kỹ sư theo dõi kỹ thuật tại các vùng nuôi, đồng thời thu mua cá đạt chuẩn từ bà con. Mỗi năm, trại cá của anh cung cấp hơn 1.000 tấn nguyên liệu phi lê cho xuất khẩu sang Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada và Trung Đông. Bên cạnh đó, khoảng 2.000 tấn được tiêu thụ nội địa – chủ yếu tại TP.HCM, Cần Thơ, Tiền Giang và các đô thị lớn khu vực Nam Bộ.
Dù hiện nay giá cá chẽm đang ở mức cao (khoảng 90.000–100.000 đồng/kg), anh Dũng khẳng định thị trường không thiếu rủi ro.
“Đã có lúc giá cá giảm chỉ còn 20.000 đồng/kg. Giá hôm nay phản ánh quyết định sản xuất từ vài năm trước. Khi nhiều người bỏ nuôi, nguồn cung sụt giảm, giá tăng. Nhưng nếu ồ ạt tái đàn thì lại rớt mạnh”, anh phân tích.
Chính vì vậy, theo anh, nghề nuôi cá không thể “ăn xổi”. Muốn đi đường dài, người nông dân phải có kiến thức, biết đầu tư bài bản, cập nhật công nghệ và đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người nuôi – nhà máy chế biến – doanh nghiệp xuất khẩu.