Nông dân Cà Mau đầu tư vuông tôm nhưng để nuôi thứ "lộc đỏ" kỳ lạ, mỗi vụ thu cả tấn, lãi một năm nửa tỷ đồng
Tại Cà Mau, nhiều nông dân đã thành công với mô hình mới lạ, kết hợp đa dạng để tăng thu nhập và khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai vùng ven biển.
Mô hình đơn giản, hiệu quả rõ rệt
Sau hơn hai năm gắn bó với nghề nuôi sò huyết trong vuông tôm, người nông dân Phan Út Mười, ngụ tại ấp Xóm Mới, xã Quách Phẩm (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) đã đạt được những kết quả ấn tượng. Với diện tích 2,8 ha, mỗi vụ ông Mười thả hơn 2 tấn sò giống, đầu tư trên 100 triệu đồng cho khâu giống và cải tạo môi trường.

Sò giống sau khi được dèo kỹ càng sẽ được thả với mật độ khoảng 55 con/m². Mỗi năm ông nuôi 2 vụ, thời gian khoảng 6 tháng/vụ. Năm 2023, ông thu hoạch 3 tấn sò với giá bán từ 70.000–80.000 đồng/kg, thu về hơn 250 triệu đồng lợi nhuận. Đặc biệt, năm 2024, sản lượng sò tăng gấp đôi, giá cũng nhích lên trên 85.000 đồng/kg, giúp ông lãi hơn 500 triệu đồng.
Ông Mười chia sẻ: “Nuôi sò trong vuông tôm giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, tận dụng được mùn bã và phù sa làm nguồn dinh dưỡng cho sò phát triển. Mô hình này hiệu quả, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trong thời gian tới”.
Kết hợp nhiều loại thủy sản trên cùng diện tích
Cũng tại xã Quách Phẩm, ông Lâm Thanh Bình (ấp Bào Hầm) đã triển khai mô hình nuôi sò huyết từ năm 2016 trên diện tích 2,5 ha. Ông dành 1,4 ha để bao ví lưới nuôi sò, phần còn lại nuôi tôm và cua. Với 150 kg sò giống, sau khoảng 8 tháng, ông thu về lợi nhuận hơn 160 triệu đồng.

Một hộ khác là ông Lâm Thanh Điền, cũng ở ấp Bào Hầm, duy trì nghề nuôi sò huyết trên 7.000 m² đất sản xuất trong suốt 10 năm qua. Mỗi năm ông thả hơn 2 triệu con sò giống, nuôi trong khoảng 12 tháng, cho sản lượng 1–2 tấn/năm. Sò đạt trọng lượng khoảng 75 con/kg, giá bán lên tới 140.000 đồng/kg, giúp ông thu lãi trên 150 triệu đồng mỗi vụ.
Theo ông Điền, điều kiện tự nhiên tại Đầm Dơi – với lớp bùn mềm, bằng phẳng và nhiều phù sa rất phù hợp để nuôi sò huyết. Loài này ít tốn công chăm sóc, thức ăn chính là phù du, vi sinh vật và mùn bã hữu cơ. Trước khi thả giống, chỉ cần bao lưới kỹ để ngăn cua biển, chọn vị trí gần cống xổ tôm và kiểm soát rong rêu tốt là đủ để sò phát triển nhanh.
Tiềm năng mở rộng và hướng phát triển bền vững
Hiện nay, riêng xã Quách Phẩm đã có khoảng 1.800 hộ dân nuôi sò huyết với tổng diện tích khoảng 1.800 ha. Mô hình nuôi kết hợp này không chỉ giúp người dân đa dạng hóa sinh kế mà còn góp phần khai thác tối đa tiềm năng tự nhiên của vùng đất ven biển.
Ông Nguyễn Minh Thống – Phó Chủ tịch UBND xã Quách Phẩm cho biết: “Sò huyết mang lại hiệu quả cao, nhất là khi kết hợp với các đối tượng nuôi khác như tôm, cua. Tuy nhiên, hiệu quả giữa các hộ nuôi chưa đồng đều, chủ yếu do chênh lệch về kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý”.
Để khắc phục, chính quyền địa phương đang định hướng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ con giống chất lượng cao và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, mô hình này hoàn toàn có thể mở rộng, trở thành hướng phát triển kinh tế trọng tâm cho nông dân địa phương trong giai đoạn tới.