Mô hình mới

Nông dân Bắc Kạn trồng thứ "không hoa, không lá", vừa tạo nên thương hiệu xịn, vừa thu về bạc tỷ mỗi năm

Ngọc Linh 23/05/2025 11:00

Nông dân Bắc Kạn ứng dụng mô hình đổi mới, xây dựng thương hiệu có tiếng và tạo ra nguồn thu nhập cao cho nhiều người.

Vai trò ngày càng rõ nét của phụ nữ trong kinh tế nông thôn

Chiếm gần 50% dân số toàn tỉnh, phụ nữ Bắc Kạn không chỉ là lực lượng lao động chủ chốt trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, mà còn ngày càng khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã và xây dựng nông thôn mới. Những năm gần đây, hình ảnh người nông dân nữ tại Bắc Kạn đã được làm mới qua các mô hình kinh tế sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ số.

Sản phẩm nấm sò của HTX Quý Hợp, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông
Sản phẩm nấm sò của HTX Quý Hợp, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Đặc biệt, nhiều chị em đã mạnh dạn khởi nghiệp, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, tham gia phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị cho nông sản bản địa. Tiêu biểu trong số đó là chị Nông Thị Biệt, Giám đốc HTX Minh Anh (phường Xuất Hóa, TP. Bắc Kạn), người tiên phong phát triển nấm dược liệu gắn với bảo tồn tài nguyên địa phương và tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn.

Khởi nghiệp từ mùn cưa, rơm rạ và một niềm tin lớn

Xuất phát từ tình yêu với sản vật bản địa và khát khao làm kinh tế trên chính đồng đất quê hương, chị Biệt đã dành nhiều thời gian tìm tòi kỹ thuật trồng các loại nấm dược liệu như linh chi, mộc nhĩ, nấm sò. Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn, chị đã xây dựng xưởng sản xuất nhỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như mùn cưa, rơm rạ để tạo giá thể nuôi trồng nấm sạch, an toàn.

Chị Nông Thị Biệt, Giám đốc HTX Minh Anh chủ động học tập, nghiên cứu để phát triển các sản phẩm nấm đạt chất lượng ra thị trường
Chị Nông Thị Biệt, Giám đốc HTX Minh Anh chủ động học tập, nghiên cứu để phát triển các sản phẩm nấm đạt chất lượng ra thị trường (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Năm 2011, chị cùng một số phụ nữ địa phương thành lập Hợp tác xã Minh Anh – dấu mốc quan trọng mở ra hướng phát triển kinh tế tập thể do chính người nông dân nữ làm chủ. Sau hơn một thập kỷ, HTX Minh Anh đã dần khẳng định được thương hiệu qua các sản phẩm đặc trưng như trà túi lọc linh chi, mộc nhĩ thái chỉ, bonsai linh chi… Trong đó, sản phẩm bonsai linh chi từng đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn lần thứ 7.

Năm 2024, doanh thu của HTX đạt trên 2 tỷ đồng, thị trường mở rộng tới Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang và nhiều địa phương khác. Không chỉ tạo công ăn việc làm, HTX Minh Anh còn góp phần thay đổi tư duy canh tác, hướng tới sản xuất xanh – sạch – bền vững trong nông nghiệp.

Chuyển đổi số: Cơ hội mới cho nông dân thời đại số

Không dừng lại ở sản xuất, chị Nông Thị Biệt và các cộng sự đã bắt đầu chuyển đổi số trong kinh doanh nông sản, từ thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu đến bán hàng trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Đây là xu hướng mới đang được nhiều phụ nữ nông dân Bắc Kạn hưởng ứng.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 82 lớp tập huấn về xây dựng đề án, kỹ năng khởi sự kinh doanh, livestream bán hàng cho hơn 4.200 lượt hội viên. Bên cạnh đó, hội cũng hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và tư vấn pháp lý cho các mô hình phụ nữ khởi nghiệp.

Bà Phan Thị Na, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp, giúp chị em nâng cao năng lực, đời sống vật chất – tinh thần và tự tin hội nhập”.

Những chương trình này không chỉ tiếp thêm động lực mà còn tạo điều kiện để nông dân nữ ở Bắc Kạn tiếp cận xu hướng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lao động và giá trị sản phẩm.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Nông dân Bắc Kạn trồng thứ "không hoa, không lá", vừa tạo nên thương hiệu xịn, vừa thu về bạc tỷ mỗi năm
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO