Nóng cuộc đua tăng vốn, Chứng khoán VIX sắp chen chân vào top đầu

Cập nhật: 11:53 | 17/07/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngày 15/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký phát hành và chào bán 789,9 triệu cổ phiếu ra công chúng cho Công ty CP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX).

Chứng khoán VIX đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày 15/7, thời gian phân phối cổ phiếu trong vòng 90 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu có hiệu lực.

Nóng cuộc đua tăng vốn, Chứng khoán VIX sắp chen chân vào top đầu
Nếu hoàn thành 4 đợt chào bán, vốn điều lệ của Chứng khoán VIX sẽ tăng từ 6.694,4 tỷ đồng lên 14.592,9 tỷ đồng.

Theo đó, gần 790 triệu cổ phiếu VIX được phát hành theo 4 phương án: (1) Phát hành 66,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 10%. Số tiền 669,4 tỷ đồng dùng cho phát hành được trích từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến ngày 31/12/2023; (2) Phát hành 66,9 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, tỷ lệ 10%; (3) Chào bán 636 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 95%; (4) ESOP 20 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp cho cán bộ nhân viên, tỷ lệ 2,99%.

Như vậy, nếu hoàn thành 4 đợt chào bán, vốn điều lệ của Chứng khoán VIX sẽ tăng từ 6.694,4 tỷ đồng lên 14.592,9 tỷ đồng. Đồng thời, VIX cũng lọt top các công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn trên thị trường.

Theo dữ liệu lịch sử, từ tháng 9 - 10/2021, Chứng khoán VIX chào bán cổ phiếu cho cổ đông tỷ lệ 1:1, tương ứng chào bán 127,7 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Tới tháng 3/2022, Chứng khoán VIX tiếp tục chào bán cổ phiếu tỷ lệ 1:1, tương ứng chào bán 274,6 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp.

Trên thị trường chứng khoán, tại phiên sáng ngày 17/7, giá cổ phiếu VIX đang giao dịch quanh vùng giá 17.000 đồng/cp tăng tới hơn 54%, từ vùng giá 7.900 đồng/cp so với thời điểm 1 năm trước.

Năm 2024, VIX đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 1.320 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Nếu hoàn thành kế hoạch này, đây sẽ là kết quả kinh doanh cao nhất của VIX kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu công bố thông tin vào năm 2013. Sau 3 tháng đầu năm, VIX ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 202 tỷ đồng, gấp 17 lần cùng kỳ và hoành thành 15,3% kế hoạch năm.

Công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn

Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đang còn rất nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt có nhiều tín hiệu rất tích cực cho một giai đoạn mới như sự ủng hộ của nhiều yếu tố vĩ mô như: chủ trương phát triển thị trường của Chính phủ, sự hồi phục kinh tế vĩ mô hay kỳ vọng nâng hạng cũng như hệ thống công nghệ mới vận hành….

Tước bối cảnh đó của thị trường, thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán đã khởi động các kế hoạch để đón đầu cơ hội phát triển kinh doanh mà thị trường chứng khoán mang lại.

Tại Công ty CP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND), công ty chứng khoán này vừa hoàn thành đợt phát hành hơn 304 triệu cổ phiếu mới qua hai phương án. Chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 và chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%.

Sau phát hành, số cổ phiếu của VNDirect nâng lên con số 1,52 tỷ đơn vị, tương ứng vốn điều lệ gần 15.223 tỷ đồng và trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn từ Chứng khoán SSI với số vốn điều lệ 15.011 tỷ đồng.

Nóng cuộc đua tăng vốn, Chứng khoán VIX sắp chen chân vào top đầu
VNDirect có kế hoạch nâng vốn điều lệ lên trên 18.300 tỷ đồng

Hiện, Chứng khoán VNDirect chỉ có một cổ đông lớn là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (mã IPA) sở hữu 25,84% vốn điều lệ, còn lại 74,16% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, VNDirect tiếp tục thông qua hai phương án tăng vốn là chào bán riêng lẻ và phát hành ESOP. Cụ thể, công ty dự kiến chào bán hơn 286,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho tối đa 10 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán là giá thỏa thuận giữa công ty với nhà đầu tư và không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu VND theo báo cáo tài chính được kiểm toán/soát xét tại thời điểm gần nhất. Thời gian thực hiện trong năm 2024 và/hoặc năm 2025.

VNDirect cũng dự kiến chào bán tối đa 30 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp và phát hành 15 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động. Nếu hoàn thành các phương án chào bán phát hành trên, VNDirect sẽ nâng vốn điều lệ lên trên 18.300 tỷ đồng.

Còn tại Công ty CP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI), trước khi bị VNDirect “vượt mặt”, SSI luôn dẫn đầu danh sách vốn điều lệ lớn nhất. Giai đoạn 2015-2024, SSI thực hiện tới 15 đợt tăng vốn, nâng vốn từ 3.561 tỷ đồng lên 15.111 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 doanh nghiệp chỉ để đối thủ vượt qua trong mấy tháng rồi nhanh chóng lấy lại vị trí dẫn đầu vào tháng 9.

Cuộc đua tăng vốn giữa SSI và VNDirect vẫn rất gay cấn khi hai bên đều có kế hoạch phát hành mới trong thời gian tới. Hồi cuối tháng 12/2023, cổ đông Chứng khoán SSI đã thông qua hai phương án tăng vốn, bao gồm (1) Phát hành hơn 302,2 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn, theo tỷ lệ 100:20, và (2) Chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 15.000 đồng/cp theo tỷ lệ 100:10.

Tổng cộng Chứng khoán SSI sẽ phát hành thêm hơn 453,3 triệu cổ phiếu mới. Nếu cả hai đợt phát hành đều diễn ra thành công, vốn điều lệ của Chứng khoán SSI dự kiến tăng thêm gần 4.534 tỷ đồng, đạt khoảng 19.645 tỷ đồng.

Chứng khoán SSI cho biết, số tiền thu về được lần này sẽ được dùng bổ sung cho hoạt động đầu tư và cho vay ký quỹ. Từ năm 2019 tới nay, vốn điều lệ của Chứng khoán SSI đã tăng gấp 3 lần thông qua các đợt tăng vốn quy mô lớn được thực hiện liên tục.

Cuộc đua tăng vốn ngày càng nóng khi có sự hiện diện của Chứng khoán VPBank (VPBankS). Tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Châu Á, được thành lập từ 2009. Đến năm 2015, công ty lần đầu đổi tên thành Chứng khoán ASC. Đây vốn chỉ là một công ty nhỏ với vốn điều lệ 56 tỷ đồng, hoạt động không mấy hiệu quả, lỗ lũy kế đến quý tháng 3/2021 là 20 tỷ đồng.

Đầu năm 2022, Ngân hàng VPBank cũng đã mua lại 97,42% vốn Công ty Chứng khoán ASC và đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Sau khi mua lại, ngân hàng đã thống nhất tăng vốn công ty chứng khoán này từ 269 tỷ lên 8.920 tỷ đồng và lên 15.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Con số này đưa VPBankS trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường thời điểm đó.

Hay như trường hợp của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS). Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chứng khoán SHS cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 8.994,7 tỷ đồng, tương đương với số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 899,4 triệu cổ phiếu. Trong đó, phát hành 40,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, 40,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, chào bán thêm 813,1 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu và 5 triệu cổ phiếu ESOP theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty. Vốn điều lệ dự kiến sau khi tăng tối đa là 17.126,2 tỷ đồng.

Sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tăng cao khi được nâng hạng thị trường

Nhìn chung cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán phía trước sẽ còn rất gay cấn, khi thị trường chứng khoán Việt Nam hứa hẹn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Với kỳ vọng hệ thống KRX vận hành và thị trường được nâng hạng vào thời gian tới, các công ty chứng khoán cần sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tăng cao của nhà đầu tư.

Theo đó, hệ thống KRX (dự kiến sẽ cho phép giao dịch T+0, bán chứng khoán chờ về…) đòi hỏi các công ty chứng khoán phải gia tăng nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, sản phẩm mới, nâng cao trải nghiệm người dùng; còn thị trường được nâng hạng đồng nghĩa với việc dòng vốn ngoại sẽ đổ vào ồ ạt, tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với các công ty chứng khoán. Ngân hàng Thế giới ước tính, nếu nâng hạng thành công, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được 25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2030.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích và phát triển khách hàng cá nhân - Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, việc tăng vốn của công ty chứng khoán phần lớn đến từ những công ty không có ngân hàng đứng sau, do không có hậu thuẫn về vốn. Mặt khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấm các công ty chứng khoán huy động tiền từ khách hàng, nên các công ty cần tìm kiếm “nguồn vốn thị trường” để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, nhiều công ty chứng khoán định hình mô hình hoạt động trong tương lai là ngân hàng đầu tư (Investment Banking), chứ không chỉ kinh doanh chứng khoán để hưởng phí giao dịch, nên cần chuẩn bị nguồn lực ngay từ bây giờ.

Liên quan đến “sóng” KRX và nâng hạng thị trường, ông Nguyễn Thế Minh nhận định, sắp tới, thị trường cho phép giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, nới quy định ký quỹ với nhà đầu tư nước ngoài (pre-funding)…, các công ty chứng khoán sẽ trở thành nhân tố quan trọng đảm bảo giảm thiểu rủi ro nên cần đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu theo yêu cầu. Đặc biệt, nghiệp vụ pre-funding đòi hỏi vốn rất lớn, vì mỗi giao dịch của khối ngoại có thể lên đến vài trăm tỷ đồng, thậm chí vài nghìn tỷ đồng.

Lộ trình tăng vốn vượt 7.000 tỷ đồng của Chứng khoán VietCap

Chứng khoán Vietcap dự kiến phát hành gần 132,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phương án nằm trong kế hoạch tăng vốn ...

Game tăng vốn hết hot, vì đâu Chứng khoán Thành Công (TCI) rời cuộc đua?

Một trong những nội dung đáng chú ý được trình bày tại ĐHĐCĐ của Chứng khoán Thành Công là quyết định chấm dứt phương án ...

Cựu Chủ tịch Chứng khoán VIX Nguyễn Thị Tuyết rời ghế cổ đông lớn trước thềm tăng vốn

Theo công bố thông tin của Chứng khoán VIX (HoSE: VIX), bà Nguyễn Thị Tuyết không còn là cổ đông lớn của công ty.

Anh Vũ

Tin cũ hơn
Xem thêm