Nỗi lo nợ xấu và lời giải chung cho các ngân hàng

Cập nhật: 14:50 | 30/06/2020 Theo dõi KTCK trên

Đa số các ngân hàng đều nhắc đến từ "thận trọng" khi giải thích kế hoạch kinh doanh năm 2020, thận trọng trong việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận, và thận trọng với khả năng nợ xấu tăng mạnh.

noi lo no xau va loi giai chung cho cac ngan hang
Nợ xấu tác động tiêu cực lớn đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng

Chủ động đặt mục tiêu nợ xấu

Vietcombank là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất những năm qua, thường được kiểm soát dưới 1%. Cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng này chỉ ở mức 0,78% và đến cuối tháng 6/2020 tăng lên mức 0,82%.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết đang kiểm soát tốt nợ xấu, thậm chí tốt hơn so với dự kiến. Dù vậy, trong kế hoạch kinh doanh trình lên ĐHĐCĐ thường niên ngày 26/6 vừa qua, Vietcombank vẫn để mục tiêu kiểm soát nợ xấu tới 1,5% - cao gần gấp đôi so với hiện tại.

Ở ACB, cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ chỉ ở mức 0,54% và đến cuối quý 1/2020 tăng lên 0,65%. Tuy nhiên, năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2%. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, khách hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng bị gián tiếp, ACB chưa dự báo được hết những tác động tiêu cực mà khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tình hình rõ nét nhất phải đến cuối quý 3 mới thấy. Do vậy, HĐQT đưa ra mức 2% nợ xấu tối đa, và thêm rằng ngân hàng kỳ vọng đến cuối năm 2020 nợ xấu sẽ về dưới 1%.

Hay tại Techcombank, quý 1/2020, nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,1%, tuy nhiên, mục tiêu năm nay là dưới 3%. TPBank có tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2019 chỉ ở mức 1,28% nhưng đặt mục tiêu nợ xấu cuối năm 2020 cũng dưới mức 2,5%.

Nỗi lo nợ xấu cũng được thể hiện rõ khi các ngân hàng chủ động tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro ngay từ những tháng đầu có dịch bệnh tại Việt Nam.

Quý 1/2020, Vietcombank đã tăng dự phòng rủi ro tín dụng hơn 40% so với cùng kỳ lên 2.152 tỷ đồng dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhà băng này đã ở mức cao nhất hệ thống - gần 180%.

Còn tại MBBank, chi phí dự phòng trong quý 1/2020 tăng tới 117% so với cùng kỳ lên hơn 2.000 tỷ. Theo đó, dự phòng rủi ro đã "ăn mòn" tới 49% lợi nhuận của MBBank, trong khi cùng kỳ chỉ là 28%.

Cần chuẩn bị sẵn các kịch bản

Trong một báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, sau năm 2017 – 2018 ghi nhận tăng trưởng cao, ngành ngân hàng dự kiến sẽ chứng kiến mức giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.

Hồi giữa tháng 4, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã lên tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm gần 1/4 dư nợ toàn hệ thống. Song lãnh đạo NHNN cũng nhiều lần cho biết, con số dư nợ bị ảnh hưởng này có thể còn thay đổi.

Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết trong cuộc họp báo đầu tháng 6 rằng khả năng nợ xấu sẽ tăng trong năm nay dù trong thời gian qua, các TCTD đã áp dụng rất nhiều biện pháp kiểm soát nợ xấu. Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống được kiểm soát dưới 2%. Tuy nhiên, trong 3 tháng gần đây, nợ xấu tiềm ẩn có xu hướng tăng.

NHNN cũng đã chuẩn bị 2 kịch bản nợ xấu. Trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý 1, tỷ lệ nợ xấu (gồm nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9% - 3,2% vào cuối quý 2 và từ 2,6% - 3% vào cuối năm 2020. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý 2, tỷ lệ này sẽ ở gần mức 4% vào cuối quý 2 và 3,7% vào cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn. Điều này sẽ dẫn tới việc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của những TCTD yếu kém.

Kiểm soát từ khâu cho vay

Để quản lý nợ xấu, tối đa hóa lợi nhuận cho các ngân hàng, Giám đốc dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp của Công ty Grant Thornton Việt Nam Matthew Lourey “hiến kế”: Khi cho vay, các ngân hàng thương mại cần phải kiểm soát mục đích sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp; có chứng từ vay vốn rõ ràng; cũng như duy trì các kênh liên lạc giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thông tin trao đổi kịp thời. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng phải tiến hành trích lập dự phòng, khi có những phát sinh khoản thu khó đòi.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng có thể xử lý nợ xấu thông qua việc bán nợ cho các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp. Việc bán nợ này cũng có thể coi là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất, giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới, nhằm cải thiện tình hình tài chính.

Tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những gợi ý cụ thể của vị chuyên gia này trong việc xử lý nợ xấu. “Việc ngân hàng yêu cầu khách hàng thực hiện tái cấu trúc đưa lại kết quả là công ty có được hoạt động bền vững và không bị rơi vào tình trạng phá sản”, ông Matthew Lourey nhấn mạnh.

noi lo no xau va loi giai chung cho cac ngan hang ĐHCĐ Saigonbank: Chưa chia cổ tức, đặt mục tiêu lợi nhuận 130 tỷ đồng

KTCKVN - Sáng nay (30/6), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

noi lo no xau va loi giai chung cho cac ngan hang ĐHCĐ Eximbank: Cổ đông vắng bóng, ngân hàng lại phải hoãn họp

KTCKVN - Đến 9h37, chỉ có 133 đến tham dự với số cổ phần là hơn 215 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở ...

noi lo no xau va loi giai chung cho cac ngan hang NHNN rà soát quy định về việc thu hồi nợ của FE Credit, phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm

KTCKVN - Ngày 29/6/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành công văn yêu cầu các ngân hàng, công ty tài chính liên quan làm ...

Anh Khôi

Tin cũ hơn
Xem thêm