Nội các mới Nhật Bản chú trọng đến kinh tế, quốc phòng
Chính phủ Nhật Bản ngày 4-8 công bố danh sách 19 thành viên nội các mới, trong đó đa phần là thành viên đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Reuters đưa tin phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4-8, Thủ tướng Abe cho biết nhiệm vụ ưu tiên của nội các mới là kinh tế và sẽ làm mọi việc có thể để giúp nền kinh tế ra khỏi tình trạng giảm phát.
Thủ tướng Abe cũng cho biết chính phủ và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ hợp tác trong cuộc chiến chống giảm phát và ông tin rằng BoJ sẽ có biện pháp chính sách mạnh mẽ để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
"Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả công cụ chính sách để thoát khỏi tình trạng giảm phát càng sớm càng tốt" – ông Abe nói.
Vì vậy, nội các mới giữ nguyên nhiều vị trí chủ chốt về tài chính và kinh tế như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Nobuteru Ishihara… Động thái này của Thủ tướng Abe nhằm tiếp tục theo đuổi cải cách kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho thị trường tài chính, đồng thời quyết tâm thúc đẩy hiệu quả chính sách Abenomics.
Ngoài ra, sự đóng góp của gương mặt mới - ông Seko Hiroshige - trong vị trí Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, sẽ tư vấn cho Thủ tướng Abe về các hiệp định thương mại, quan hệ kinh tế của Nhật Bản - nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh Nhật Bản đang đứng trước ngưỡng cửa gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hỗ trợ ông Ishihara là cựu nghị sĩ Yuji Yamamoto, với vai trò mới là Bộ trưởng Nông nghiệp, sẽ dẫn dắt việc đề xuất các chính sách nội địa của Nhật Bản để phối hợp hài hòa với những thay đổi do TPP mang lại, trong đó có mục tiêu giảm giá vật tư nông nghiệp.
Trong số các gương mặt mới của chính phủ Nhật Bản, đáng chú ý là tân Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, thay cho ông Gen Nakatani. Đây không phải lần đầu tiên nội các Nhật Bản có Bộ trưởng Quốc phòng là nữ, Thị trưởng Tokyo vừa nhậm chức Yurie Koike cũng từng giữ trọng trách này. Tuy nhiên, bà Inada, 57 tuổi, thu hút sự quan tâm của dư luận vì có quan điểm chính trị cứng rắn, đồng thời rất ăn ý với Thủ tướng Abe trong hầu hết vấn đề mà Nhật Bản đang đối mặt, trong đó có nỗ lực sửa đổi Hiến pháp, xử lý mối đe dọa từ Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa, những căng thẳng trong tranh chấp tại biển Hoa Đông hay việc mở rộng vai trò an ninh của Nhật Bản trong khu vực...
Việc bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng xuất thân là luật sư cũng cho thấy Nhật Bản mong muốn sẽ có những bước tiến vững chắc trong việc xử lý tranh chấp quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích và quyền lợi hợp pháp của nước này.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12-2012, đây là lần cải tổ nội các thứ 3 của Thủ tướng Abe. Bên cạnh việc tạo ra bộ máy kinh tế mạnh mẽ, cải thiện tình trạng tăng trưởng trì trệ, đảm bảo an ninh trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ lãnh đạo của Thủ tướng Abe. Dư luận kỳ vọng những thay đổi tại Nhật Bản sẽ tạo động lực mới nhằm khẳng định vai trò, vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai châu Á trong việc đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn