Nợ xấu tại các ngân hàng có sự phân hóa mạnh

Cập nhật: 11:59 | 22/05/2024 Theo dõi KTCK trên

Trong quý I/2024, bức tranh chung của ngành ngân hàng là nợ xấu đi lên khá nhanh. Việc đánh giá nợ xấu của ngành ngân hàng dựa trên các con số trung bình ngành đang khiến việc phân tích và dự báo chưa phản ánh đúng toàn diện.

Báo cáo tài chính quý I/2024 của các ngân hàng thương mại cho thấy, trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối (Big4), BIDV là ngân hàng có nợ xấu nhiều nhất, với 27.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 20,7% so với cuối tháng 12/2023. Tiếp theo là VietinBank, khi nợ xấu ghi nhận ở mức 20.017 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2023; trong đó, đáng chú ý là nợ nhóm 3 tăng mạnh 167%, lên 6.640 tỷ đồng.

Nợ xấu tại các ngân hàng có sự phân hóa mạnh
Hình minh họa.

Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm, với tổng nợ xấu hơn 15.459 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 3/2024, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023.

Đáng chú ý, tại MB, số dư nợ xấu đã tăng 56% trong quý I/2024, lên mức 15.294 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng hơn gấp đôi, từ 2.889 tỷ đồng vào đầu năm lên 6.048 tỷ đồng vào cuối quý I/2024. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của MB tăng từ mức 1,6% lên 2,49% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống 80,1% vào cuối tháng 3/2024. Chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu trong quý I/2024 của MB đã tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm 2023, lên 2.707 tỷ đồng, góp phần làm lợi nhuận trước thuế giảm 11%, còn 5.795 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của ABBank đã tăng lên 3,92% vào cuối quý I/2024, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng âm tới 19,34% trong quý I/2024. PVcomBank cũng có tỷ lệ nợ xấu suýt soát 4%; trong đó, nợ xấu ở nhóm nghi ngờ tăng 15,8%, nợ có khả năng mất vốn tăng 17,4% so với cùng kỳ. Nợ xấu của MSB cũng lên tới 4.960 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2024, tăng 16% so với hồi đầu năm và chiếm 3,2% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng.

Một số ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu cao như BVB (3,9%), BVBank (3,1%), SHB (3%), VietBank (3,1%)…

Diễn biến nợ xấu của ngành ngân hàng đang trở nên phức tạp hơn. Để đánh giá nợ xấu của ngành ngân hàng mà chỉ đơn thuần dựa trên các con số trung bình ngành sẽ dẫn đến việc phân tích và dự báo sẽ khó toàn diện.

Sự phân hóa về mức nợ xấu giữa các ngân hàng chủ yếu nằm ở 2 yếu tố chính, thứ nhất là khả năng quản trị của ngân hàng và thứ hai là chiến lược kinh doanh và tệp khách hàng riêng biệt của các ngân hàng.

Để phân tích nợ xấu, trong số 27 ngân hàng thương mại niêm yết sẽ được phân loại thành 4 nhóm chính, dựa trên quy mô và chiến lược cho vay của các ngân hàng này, bao gồm: nhóm quốc doanh, nhóm tư nhân chuyên cho vay doanh nghiệp, nhóm tư nhân chuyên cho vay cá nhân và nhóm tư nhân khác có quy mô nhỏ.

Trong hầu hết giai đoạn, nhóm tư nhân khác luôn là nhóm đứng đầu về tỷ lệ nợ xấu. Xét về việc cạnh tranh tín dụng, việc không có ưu thế về chi phí vốn. Điều này dẫn đến mức lãi suất cho vay của các ngân hàng trong nhóm này ít có lợi thế cũng như khả năng chọn lọc tệp khách hàng cho vay tốt cũng kém hơn các ngân hàng lớn. Trước bối cảnh rủi ro nợ xấu chéo phát sinh giữa các ngân hàng thì nhóm ngân hàng này sẽ tiềm năng gia tăng nợ xấu nhiều nhất, từ mức 4.05% ở quý 4/2023 lên 4.53% tại quý I/2024.

Đối với nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân, đặc biệt là các ngân hàng có công ty tài chính chuyên cho vay tiêu dùng như VPBank thì mức nợ xấu sẽ cao hơn các ngân hàng còn lại trong nhóm. Tuy nhiên, việc cho vay cá nhân cũng giúp ngân hàng có thể đa dạng hóa được danh mục cho vay dễ dàng, bởi tính chất đồng nhất tốt hơn giữa các khách hàng trong cùng 1 nhóm. Bên cạnh đó, trong quý cuối năm 2023 vừa qua, các ngân hàng chuyên cho vay cá nhân tăng trưởng tín dụng ở mức trung bình ngành. Điều đó có thể lý giải về mức tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ, gần như đi ngang của nhóm trong quý I/2024.

Nhóm cho vay doanh nghiệp có mức nợ xấu thấp hơn, dao động trong khoảng 1.8% - 2.2%. Trong quý IV/2023, nhóm này cũng là nhóm có tốc độ tăng trưởng cho vay cao nhất, với động lực từ các doanh nghiệp, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của nhóm giảm nhẹ. Tuy nhiên đến quý I, tình hình tăng trưởng tín dụng chậm hơn tốc độ tăng nợ xấu khiến tỷ lệ nợ xấu tăng tương đối mạnh, chỉ đứng sau nhóm ngân hàng khác.

Cuối cùng, một điểm đáng lưu ý trong quý I/2024 là việc tỷ lệ nợ xấu bật tăng mạnh ở nhóm các ngân hàng quốc doanh. Những ngân hàng này có danh mục khách hàng có tính chọn lọc cao, nên việc chúng gia tăng mức độ trích lập cao hơn 2 nhóm còn lại cũng cho thấy bức tranh nợ xấu đang phân hóa lớn và phụ thuộc nhiều vào chính sách trích lập dự phòng.

Việc lợi nhuận của ngân hàng càng phụ thuộc vào mức trích lập dự phòng khiến cho chất lượng lợi nhuận giảm sút. Đứng về góc độ quản trị rủi ro thì mức độ bùng nổ các khoản nợ xấu tiềm tàng, như những gì diễn ra ở MB Bank trong quý vừa rồi, là rất lớn, đặc biệt là khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Trước bối cảnh vĩ mô còn nhiều biến động, việc thận trọng và theo dõi sát sao chất lượng nợ vẫn nên được đề cao, cũng như các ngân hàng cần phải chuẩn bị trước kịch bản đối phó với viễn cảnh nợ xấu có thể diễn biến tiêu cực hơn dự kiến.

Cổ phiếu ngân hàng thi nhau 'bùng nổ', thanh khoản tăng đột biến nhờ quy định mới liên quan đến nợ xấu

Thông tin Ngân hàng nhà nước đề xuất kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 ...

Nợ xấu từ 3% trở lên, ngân hàng không được tăng vốn tại công ty con

Đây là 1 trong những quy định về điều kiện tăng vốn tại công ty con, công ty liên kết của các TCTD của dự ...

Thùy Chi